Cách để bắt chuyện với người khác khi bạn không biết phải nói gì
- Minh Nguyệt
- •
Dù bạn là một người hướng nội hay hướng ngoại, thì đôi khi bạn cũng sẽ có những khoảnh khắc bối rối và khó xử khi trò chuyện mà không biết phải nói gì.
Cảm giác lo lắng có thể tăng lên khi chúng ta cố tìm kiếm những từ ngữ đúng để diễn tả, và điều này thường làm chúng ta xao nhãng với việc chú ý vào chủ đề cần nói.
Vậy tại sao lại xảy ra tình huống như thế? Khi chúng ta tiếp xúc với những người bạn mới hay trong một nhóm người mới tiếp xúc lần đầu. Khi bạn bị cuốn vào cuộc đối thoại trước khi tìm thấy tiếng nói chung, tìm thấy những điểm tương đồng, sẽ rất khó để tương tác suôn sẻ và tự nhiên vì chúng ta không tự tin về những gì nên nói và không nên nói.
– Làm cách nào để có thể đối thoại với những người bạn không thân?
Tốt nhất bạn nên trang bị một ít kỹ năng cần thiết cho một số tình huống cụ thể. Điều đó không chỉ giúp bạn trở nên dễ gần gũi, giúp bạn xây dựng những mối quan hệ bè bạn trong tương lai mà còn trong cả những mối quan hệ xã hội giúp ích cho sự nghiệp của mình.
– Đừng chỉ chăm chú vào việc làm cho mình trở nên thú vị
Nhiều người tin rằng, để xây dựng một mối quan hệ, họ nhất định phải trở nên thật thú vị hoặc thật hóm hỉnh. Thực tế, điều đó là không cần thiết. Sự tương tác không nhất thiết phải sâu sắc thì mới có ý nghĩa. Đừng tự nghĩ rằng mình không biết cách nói chuyện, hãy chỉ nói một cách thật tự nhiên.
Chúng ta thường không nhớ được mình đã nói gì trong suốt buổi trò chuyện, cái còn đọng lại chỉ ấn tượng về người đã tiếp xúc với mình. Thế nên đừng cố gây ấn tượng, bạn chỉ cần là chính mình.
– Hãy để đối phương nói về họ bằng cách đặt những câu hỏi
Thông thường người ta thường thích nói về bản thân mình hơn. Không phải bời vì họ tự cao tự đại mà bởi vì đó là chủ đề an toàn, và họ hoàn toàn có thể nói một cách tự tin. Do đó, khi bạn không biết phải nói gì hãy khéo léo đưa ra những câu hỏi về người đối diện.
Đưa ra những câu hỏi cũng thể hiện được mức độ bạn quan tâm đến đối phương cũng như cho người đối diện cảm nhận được sự chú ý của bạn.
Chỉ cần chú ý và quan sát đến người đối diện bạn sẽ biết mình nên đưa ra những câu hỏi như thế nào. Chẳng hạn khi bạn nhìn thấy họ có vẻ mệt mỏi, hãy hỏi xem họ đã làm gì ngày hôm qua. Nếu bạn nhận thấy người ấy mặc một trang phục nhìn đẹp mắt, hãy hỏi xem cô ấy mua ở đâu và bạn cũng muốn mua một chiếc tương tự.
Quan trọng chính là bạn nên hỏi những câu hỏi mở để họ trả lời hơn là chỉ hỏi những câu hỏi đơn giản với lựa chọn CÓ hoặc KHÔNG. Những câu hỏi mở khiến người nghe có thể tập trung hơn, làm cho cuộc trò chuyện được tiếp tục đồng thời giúp bạn hiểu rõ hơn về người đối diện.
– Hãy trò chuyện về các món ăn
Trọng điểm ở đây chính là việc chúng ta tìm một chủ đề phổ biến để câu chuyện không bị gián đoạn trong vô vọng. Tất cả mọi người đều có niềm đam mê riêng và họ sẽ có những kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mà họ yêu thích, trong khi đó không phải chúng ta ai cũng am hiểu về các sản phẩm công nghệ mới hoặc về thời trang. Nhưng các món ăn thì lại là đề tài dễ dàng để tiếp tục trong khi đối thoại.
Trong bữa ăn chính là thời điểm dễ dàng bắt đầu một câu chuyện, vì chúng ta có thể bình luận về các món ăn, nói về những món ăn khác nhau mà bạn đã từng thử hoặc những loại thực phẩm mà bạn đã nếm qua. Hoặc bạn có thể bạn hỏi xem nếu lần sau đi ăn thì bạn nên ăn món gì, nhờ người ấy đề nghị một số món, đây chắc chắn sẽ là một chủ đề để bạn có thể tiếp tục câu chuyện.
– Chỉ cần lặp lại một cái đơn giản những điều người đối diện vừa nói ra
Đôi khi câu chuyện sẽ chùng xuống nếu bạn không thể theo kịp chủ đề đang được nhắc đến. Do bạn không quá am hiểu về vấn đề đó nên sẽ khó cho thêm ý kiến, và lúc này có thể những khoảng lặng sẽ gây nên sự lúng túng.
Một mẹo để vượt qua tình huống này, chính là bạn nên lặp lại một cách tổng quát những gì người ấy đã nói. Điều này không chỉ cho thấy bạn quan tâm đến chủ đề đó và sẵn sàng lắng nghe, đồng thời cũng tạo cơ hội cho họ chỉ ra những sự khác biệt hoặc giải thích chi tiết hơn khi thấy bạn quan tâm đến vấn đề đang thảo luận.
– Chia sẻ một ít thông tin về bản thân mình
Đối với những người hướng nội thì chia sẻ những thông tin của bản thân là một việc khá khó khăn. Tuy nhiên, chia sẻ một ít những điều nho nhỏ không chỉ cho người khác thấy bạn muốn họ hiểu thêm về bạn mà còn làm cho câu chuyện trở nên dễ dàng hơn. Như đã đề cập trước đây, mọi người sẽ không nhớ hết từng câu mà bạn đã nói. Nhưng họ sẽ nhớ cảm giác im lặng lúng túng thông qua một cuộc trò chuyện dường như vô nghĩa về những gì bạn đã ăn vào ngày hôm qua hoặc một món gì đó bạn đã mua.
Điều quan trọng là bạn tự tin trong việc đưa ra một chủ đề bất kỳ để duy trì câu chuyện trong trường hợp bạn cảm thấy bắt đầu lúng túng, người kia sẽ cảm thấy biết ơn đối với nỗ lực trong khi duy trì cuộc đối thoại, do đó bạn đừng nghĩ quá nhiều về những lời nói của mình.
– Sự “biết tuốt” không phải là thế mạnh để trở thành một người đối thoại giỏi
Hãy luôn nhớ rằng, kiến thức rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực cũng không giúp bạn dễ dàng bắt chuyện với ai đó.
“Sự biết tuốt” có khuynh hướng làm cho người đối diện bị bội thực, dẫn đến việc họ có thể chuyển sang chế độ im lặng. Tốt nhất là bạn nên tự kiểm soát những kiến thức của mình, và nên chọn những đề tài phổ biến để kéo dài câu chuyện. Hãy nhớ rằng bạn đang tìm kiếm những người bạn mới và kết nối với họ một cách đơn giản nhất. Đừng lạm dụng những kiến thức của mình.
Theo Life Hack
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa kỹ năng giao tiếp nghệ thuật giao tiếp nguyên tắc nói chuyên