Chiến dịch mới giúp cha mẹ bảo vệ trẻ em khỏi điện thoại di động
- George Citroner
- •
Tuổi thơ là khoảng thời gian vui chơi không phải làm việc hay gánh vác trách nhiệm kinh tế. Quãng thời gian tự do này sẽ dần biến mất khi tuổi tác tăng lên và trách nhiệm ngày càng nặng nề. Việc vui chơi trong thời thơ ấu có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của mỗi người thành một người lớn khỏe mạnh, có năng lực và cân bằng về tâm lý.
Ngày nay, điện thoại thông minh đang nuốt chửng quãng thời gian tuổi thơ của trẻ em. Các bậc phụ huynh bắt đầu lo lắng về hậu quả của hành vi này, đồng thời nhận thức được các thực tế liên quan. Điều đó đã dẫn đến sự ra đời của một phong trào nhằm bảo vệ trẻ khỏi những tác dụng phụ của mạng xã hội, trò chơi điện tử và việc tiếp cận thế giới mạng một cách vô độ.
Lời kêu gọi hành động
Vào năm 2018, 65% thanh thiếu niên được khảo sát cho biết họ mong muốn bản thân có khả năng tự kiểm soát tốt hơn khi sử dụng điện thoại thông minh, và dành ít thời gian hơn cho thiết bị này. Hành vi mang tính ám ảnh và khó chịu này hiện nay có thể đã bắt đầu ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn. Năm 2015, chỉ có 11% trẻ 8 tuổi sở hữu chiếc điện thoại thông minh đầu tiên. Nhưng theo dữ liệu do SellCell tổng hợp, đến năm 2021, con số này đã tăng vọt lên 31%.
Bác sĩ tâm lý lâm sàng Anthony Anzalone, thuộc Trung tâm Y khoa Stony Brook (bang New York), nói với The Epoch Times rằng: nếu phụ huynh biết cần chú ý điều gì, họ có thể phát hiện ra các dấu hiệu trẻ đang sử dụng điện thoại quá mức. Những dấu hiệu đó bao gồm: trẻ nghiện Internet, dành quá nhiều thời gian lên mạng và thiếu tập trung vào các nhiệm vụ trong thế giới thực.
Ông nói: “Một số trẻ sử dụng điện thoại như một cách để trốn tránh vấn đề hoặc làm dịu cảm xúc tiêu cực.”
Phụ huynh cũng có thể nhận thấy rằng, khi trẻ bị yêu cầu bỏ điện thoại xuống để làm bài tập hoặc dành thời gian với gia đình, các em thường tỏ ra không vui.
Khi thời gian online ngày càng chiếm lấy tuổi thơ của các em, hậu quả có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nghiên cứu cho thấy việc lên mạng có thể dẫn đến những vấn đề phát triển nghiêm trọng. Hiện nay, một phong trào do phụ huynh khởi xướng có tên là “Đợi đến lớp 8” (Wait Until 8th) đang kêu gọi cha mẹ không cho con mình sử dụng điện thoại thông minh trước khi vào lớp 8.
Hơn 82.000 phụ huynh đã cam kết sẽ không cho con dùng điện thoại trước lớp 8. Những người ủng hộ cam kết này cho rằng, việc trì hoãn cho trẻ dùng smartphone sẽ giúp giảm áp lực xã hội, đồng thời bảo vệ các em khỏi những sự phân tâm và nguy hiểm do việc lên mạng không kiểm soát gây ra.
Tác động của việc dùng điện thoại thông minh quá sớm
Các chuyên gia cho biết, sử dụng smartphone quá sớm sẽ tước đi cơ hội phát triển nhiều kỹ năng nhận thức và xã hội cần thiết cho sự trưởng thành của trẻ, từ đó gây tổn hại đến sự phát triển toàn diện. Smartphone thúc đẩy việc so sánh xã hội, khiến trẻ tiếp xúc với bạo lực mạng và nội dung khiêu dâm, làm giảm thời gian chú ý, phân tán sự tập trung ở mức tối đa, và làm gia tăng tình trạng bắt nạt trên mạng, những vấn đề này phần lớn có thể được ngăn ngừa nếu trẻ không tiếp cận Internet từ sớm.
Tiến sĩ tâm lý Catherine Nobile, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học Nobile tại Long Island, New York, nói với The Epoch Times rằng, việc trẻ tiếp xúc với điện thoại và mạng xã hội trong giai đoạn đầu đời có thể trở thành yếu tố rủi ro trong nhiều giai đoạn phát triển quan trọng sau này của trẻ. Giai đoạn ấu thơ (0 đến 5 tuổi) là thời kỳ đặc biệt quan trọng.
Bà nói: “Trong thời gian này, việc trẻ dành nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình có thể cản trở sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.”
Những năm tiếp theo cũng cực kỳ quan trọng. Bà Nobile nói: “Trẻ trong giai đoạn giữa tuổi thơ (6 đến 12 tuổi) sẽ trải qua những thay đổi lớn về nhận thức, cảm xúc và kỹ năng xã hội.”
Phong trào “Đợi đến lớp 8” nhấn mạnh những rủi ro này, đồng thời cổ vũ cho các hoạt động ngoài trời, đọc sách và các sinh hoạt gia đình – thay vì để trẻ dành phần lớn thời gian vào mạng xã hội và trò chơi điện tử.
Sự hỗ trợ và tham gia từ cộng đồng
Cam kết này khuyến khích các bậc phụ huynh vận động sự ủng hộ trong trường học và kêu gọi những cam kết chung trong cùng khối lớp hoặc học khu. Để khởi động cam kết này, cần có ít nhất 10 gia đình trong cùng một trường cùng ký tên. Sau khi khởi động, các gia đình có thể xem danh sách những người đã tham gia cam kết và cùng nhau xây dựng chiến lược giúp trẻ em có một tuổi thơ không phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Bác sĩ Vera Feuer, chuyên gia tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên tại Trung tâm Y tế Northwell Health, bang New York, cho biết với The Epoch Times rằng, việc trẻ nhỏ dành nhiều thời gian trước màn hình có thể làm giảm khả năng đọc viết, đặc biệt là kỹ năng đọc ở giai đoạn đầu. Bà nói thêm, tác động đến sự phát triển không chỉ đến từ nội dung trẻ tiếp xúc, mà còn đến từ khoảng thời gian trẻ sử dụng thiết bị.
“Có hai yếu tố: một là ảnh hưởng trực tiếp của nội dung. (Yếu tố còn lại là) lượng thời gian bỏ ra,” bà nói. “Nhưng còn có một khái niệm gọi là ‘hiệu ứng lấn át’.”
Feuer giải thích rằng điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến sự trưởng thành và các giai đoạn phát triển, vì thời gian dành cho màn hình càng nhiều thì trẻ càng có ít cơ hội sử dụng các vùng não khác nhau. Bà cho biết, công nghệ có thể lấn át cơ hội cho các hoạt động như vận động cơ thể, tương tác xã hội, phản hồi qua lại, và giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt.
Bị mắc kẹt trong “hòn đảo điện thoại”
Nhà trị liệu tâm lý hành nghề tại thành phố New York, ông Noah Kass, nói với The Epoch Times rằng, vấn đề không nằm ở chỗ các thành viên trong gia đình dành ít thời gian bên nhau hơn trước, mà là họ “ở bên nhau nhưng lại cô lập mỗi người trên một ‘hòn đảo điện thoại’ riêng”, từ đó cắt đứt sự kết nối.
Ông Kass chỉ ra rằng những cuộc trò chuyện giữa các cặp vợ chồng và con cái thường bị gián đoạn bởi tin nhắn, cuộc gọi, email hoặc các thông báo tin tức. “Không phải tất cả thời gian trước màn hình đều giống nhau,” ông nói.
Ông nhắc đến hình ảnh kinh điển của các gia đình Mỹ những năm 1950 ngồi quây quần xem tivi và ăn tối cùng nhau
“Đúng là họ đang nhìn vào màn hình, nhưng họ cùng nhau làm việc đó – giao tiếp, cười đùa, đôi khi còn chia sẻ những trải nghiệm đầy cảm xúc,” ông nói. “Công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh, dường như đang tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn, bởi vì các thành viên trong gia đình không thật sự hiện diện cùng nhau và không nghe trọn vẹn tiếng nói của nhau.”
Ông Kass giải thích rằng khi các mối quan hệ giữa người với người bị ảnh hưởng, các gia đình sẽ trở nên mong manh cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất.
Ông nói: “Việc sử dụng điện thoại ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, khiến cha mẹ khó hiểu được cuộc sống của trẻ, và khiến trẻ cũng khó cởi mở, thành thật bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.”
Việc sử dụng điện thoại một cách “không kiểm soát, không có quy tắc và không có giới hạn,” đặc biệt là ở trẻ trong độ tuổi cuối tiểu học và đầu trung học cơ sở, có thể khiến trẻ khó xử lý các kích thích giác quan, kiểm soát cơn giận và nỗi sợ. Kass nói rằng điều này có thể làm tăng nồng độ cortisol – hormone gây căng thẳng – từ đó làm suy giảm khả năng đối phó với áp lực của trẻ.
Ông nói: “Những đứa trẻ này cũng sẽ yếu kém hơn trong các mối quan hệ ngoài đời thực, dẫn đến các triệu chứng trầm cảm gia tăng, như cảm giác buồn bã, thiếu năng lượng và cô đơn.”
Sự thay đổi trong thái độ của phụ huynh đối với công nghệ và tuổi thơ của con trẻ
Phong trào “Đợi đến lớp 8” thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của các bậc cha mẹ về cách Internet ảnh hưởng đến trẻ em. Khi ngày càng nhiều gia đình trì hoãn việc cho con sử dụng điện thoại thông minh, những người tổ chức phong trào hy vọng sẽ nuôi dưỡng một tuổi thơ đề cao sự tương tác xã hội và vui chơi tích cực thay vì cô lập và dán mắt vào màn hình.
Bác sĩ Michelle Dees, chuyên gia tâm thần học được cấp phép tại Trung tâm điều trị tâm thần cao cấp ở Chicago (Luxury Psychiatry Medical Spa), chia sẻ với The Epoch Times rằng, khi các thành viên trong gia đình không bị điện thoại làm phân tâm, mối liên kết giữa họ sẽ trở nên bền chặt hơn.
“Cách giao tiếp trực tiếp này giúp các thành viên trong gia đình bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ, từ đó xây dựng những mối quan hệ sâu sắc hơn,” bà nói. “Theo thời gian, những cuộc trò chuyện như vậy sẽ nuôi dưỡng sự ấm áp và lòng cảm thông – những yếu tố nền tảng của mọi gia đình.”
Bà bổ sung rằng, bằng cách trì hoãn việc sử dụng điện thoại, gia đình có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động mang tính tương tác như chơi các trò chơi trên bàn (board games) hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, điều này không chỉ cải thiện mối quan hệ mà còn tạo ra những ký ức bền lâu.
“Những hoạt động như vậy thúc đẩy sự kết nối thông qua tinh thần đồng đội và hợp tác,” bà nói. “Chúng tăng cường sự gắn kết trong gia đình, đồng thời, khoảng thời gian chất lượng bên nhau còn mở ra cơ hội để các thành viên chia sẻ những gì họ học được trong các hoạt động thường nhật.”
Bác sĩ Dees nhấn mạnh rằng trong môi trường không có điện thoại, trẻ sẽ dễ dàng học cách quản lý cảm xúc và áp lực hơn.
Bà nói: “Không còn bị điện thoại liên tục gây xao nhãng, trẻ sẽ học được cách tập trung vào hiện tại, từ đó nâng cao khả năng kiểm soát cảm xúc và căng thẳng.”
Bà cũng khuyến nghị nên dạy trẻ các kỹ năng chánh niệm (mindfulness) để giúp trẻ giảm căng thẳng và cải thiện sự minh mẫn, nhờ đó xử lý vấn đề hiệu quả hơn. Chánh niệm là khả năng chú tâm vào trải nghiệm cá nhân, bao gồm suy nghĩ và cảm xúc trong khoảnh khắc hiện tại.
Bà nói: “Hơn nữa, việc tập trung vào hiện tại có thể giúp nâng cao nhận thức cảm xúc và bối cảnh, từ đó thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển những năng lực tốt hơn”.
Bác sĩ Dees cũng cho biết, việc tránh xa các thiết bị sẽ giúp trẻ có thêm cơ hội tham gia các hoạt động giàu trí tưởng tượng như vẽ tranh hay kể chuyện – những hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cảm xúc.
“Những hoạt động này mang đến cho trẻ cơ hội phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo, từ đó nâng cao lòng tự trọng của các em,” bà nói. “Việc thể hiện sự sáng tạo như một liệu pháp điều trị đồng thời cũng là một hình thức đóng góp nghệ thuật, giúp ích cho sự phát triển cảm xúc của một người.”
Việc sử dụng điện thoại sớm ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển quan trọng
Nhà tâm lý học lâm sàng và cố vấn truyền thông của Quỹ Nghiên cứu Hy vọng cho Trầm cảm (Hope for Depression Research Foundation), ông Ernesto Lira de la Rosa, cho biết với The Epoch Times rằng quá trình trưởng thành của trẻ em trải qua nhiều giai đoạn quan trọng, và việc tiếp xúc với điện thoại hay mạng xã hội từ sớm có thể tác động khác nhau đến từng giai đoạn.
Giai đoạn ấu thơ (0–5 tuổi)
Ông Lira de la Rosa cho biết, trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu hình thành các kỹ năng cơ bản về giao tiếp, điều tiết cảm xúc và tương tác xã hội. Ông bổ sung: “Nếu trẻ tiếp xúc với màn hình quá nhiều, các em có thể gặp vấn đề như chậm phát triển ngôn ngữ, thiếu tập trung, và ít tham gia vào các trò chơi tưởng tượng – trong khi đây là những yếu tố then chốt cho sự phát triển nhận thức và cảm xúc ban đầu”.
Giai đoạn giữa tuổi thơ (6–12 tuổi)
Theo ông Lira de la Rosa, đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là sự gia tăng tính độc lập, phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội. Trẻ bắt đầu hình thành các mối quan hệ bạn bè vững chắc hơn và nâng cao nhận thức về bản thân.
“Việc sử dụng điện thoại và mạng xã hội trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ xây dựng tình bạn và có thể cản trở khả năng phát triển các kỹ năng xã hội lành mạnh thông qua tương tác trực tiếp”, ông nói.
Ông cũng cho biết, nếu trẻ tiếp xúc với mạng xã hội, các em có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của bắt nạt mạng, chịu áp lực từ bạn bè hoặc tiếp xúc với nội dung không phù hợp, những yếu tố có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và lòng tự trọng.
Giai đoạn vị thành niên (13–18 tuổi)
Lira de la Rosa cho biết, tuổi vị thành niên là thời điểm then chốt cho việc hình thành bản sắc cá nhân, điều tiết cảm xúc và phát triển chức năng điều hành của não bộ. Ông giải thích rằng, việc sử dụng điện thoại và mạng xã hội ở giai đoạn này dễ làm gia tăng sự so sánh xã hội, khiến thanh thiếu niên tiếp xúc nhiều với những hình ảnh cuộc sống được trau chuốt, không thực tế – từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cơ thể và giá trị bản thân. Ông cũng nói thêm: “Việc sử dụng điện thoại quá mức còn có thể làm rối loạn giấc ngủ, mà giấc ngủ lại là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển thể chất và tinh thần trong tuổi dậy thì”.
Đặt ra nguyên tắc sử dụng điện thoại cho trẻ
Bà Fair nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các quy tắc và thỏa thuận trong gia đình liên quan đến việc sử dụng điện thoại, và những nguyên tắc này cần được áp dụng cho tất cả các thành viên, bao gồm cả cha mẹ.
“Chúng ta phải đặt ra các nguyên tắc và quy định,” bà Fair nói. “Tốt nhất là nên bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, để các em dần dần có thêm quyền tự chủ, học cách tự định hướng và sử dụng công nghệ theo cách có lợi cho mình – như vậy sẽ tốt hơn nhiều.”
Bà khuyên các bậc phụ huynh nên giúp con hiểu và sử dụng điện thoại một cách có ý thức hơn. Fair gợi ý nên hỏi con một số câu như: “Con cảm thấy thế nào sau khi dùng điện thoại?”, “Con đã lãng phí thời gian như thế nào?”, “Con đã dành bao nhiêu thời gian trên điện thoại mà đáng lẽ con muốn dùng để làm việc khác trong ngày?”
Fair chia sẻ trải nghiệm của bà và con trai với việc sử dụng điện thoại. Bà đã cho con xem thời lượng mình sử dụng TikTok, và “chỉ sau hai ngày, nó đã xóa TikTok khỏi điện thoại,” bà kể.
Bà Fair nhấn mạnh rằng việc làm gương trong sử dụng điện thoại là điều vô cùng quan trọng đối với cha mẹ.
“Tôi biết điều đó sẽ khiến phụ huynh cảm thấy áp lực hơn, nhưng thực tế là vai trò làm gương rất quan trọng, bởi vì chính chúng ta cũng đang làm điều đó”, bà nói. “Chúng ta nghiện điện thoại, chúng ta bị phân tâm, và chúng ta không có thời gian trò chuyện với con cái, vì chúng ta cũng đang bận với hết thiết bị điện tử này đến công việc kia, hay những việc riêng của mình”.
Bà Fair cho biết, cách tốt nhất để dạy trẻ sử dụng điện thoại một cách có trách nhiệm là xây dựng một “kế hoạch gia đình”.
“Tất cả mọi người đều phải tham gia vào kế hoạch đó”, bà nói. “Tôi cho rằng khi trách nhiệm không chỉ đặt lên vai thanh thiếu niên, và khi chúng ta không soi mói thói quen của chúng dưới kính hiển vi, thì phản ứng của các em sẽ tích cực hơn”.
Bà Fair khuyến nghị cha mẹ và con cái nên xem đây là một vấn đề gia đình, cần cùng nhau giải quyết, và bà nói: “Chúng ta cần làm tốt hơn, cần dành thêm thời gian để tận hưởng những khoảnh khắc sum vầy”.
Một vấn đề khác phát sinh từ việc sử dụng điện thoại từ nhỏ, đó là trẻ thường dùng điện thoại như một cách để trốn tránh thế giới khi cảm thấy căng thẳng.
“Trẻ cần học cách tự trấn tĩnh bản thân mà không cần đến điện thoại”, bà Fair nói.
Thoát khỏi thế giới Internet
Bác sĩ tâm lý lâm sàng Jenny Seham thuộc Trung tâm Y tế Montefiore cho biết, khi trẻ đã sử dụng điện thoại quá mức, điều quan trọng là phải áp dụng cách tiếp cận từng bước một để hạn chế thời gian sử dụng.
Bà Seham chia sẻ với The Epoch Times rằng việc đột ngột giới hạn điện thoại có thể ban đầu khiến trẻ tức giận và phản ứng dữ dội, vì các em phải thích nghi lại với việc kiểm soát cảm xúc, xây dựng mối quan hệ với bạn bè, và giảm thời gian sử dụng thiết bị công nghệ. “Tin tốt là nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cũng như lợi ích đối với trẻ, sẽ sớm trở nên rõ rệt – chỉ trong vài ngày,” bà nói.
Bà đề xuất các bước phụ huynh nên thực hiện như sau:
- Dành nhiều thời gian hơn cho con: Việc giảm thời gian dùng điện thoại cũng đồng nghĩa bạn cần dành nhiều thời gian hơn để ở bên con – điều này cũng mang lại lợi ích cho chính cha mẹ.
- Tạo “bộ công cụ ứng phó”: Cùng con xây dựng một kế hoạch và tìm hiểu những hoạt động mà trẻ yêu thích. Tập trung vào những điều mang lại niềm vui cho trẻ, như đọc sách, ra ngoài chơi, dắt chó đi dạo, vẽ tranh, tham gia các hoạt động nghệ thuật khác, đi ăn ngoài hay vui chơi cùng bạn bè. Bộ công cụ này không chỉ giúp hạn chế việc dùng điện thoại hay internet mà còn chỉ cho trẻ biết cần làm gì khi gặp khó khăn.
- Làm gương và thực hiện những gì bạn yêu cầu ở con: Hãy chứng minh qua hành động rằng bạn cũng đang cố gắng thoát khỏi thói quen nhắn tin, đăng bài hay lướt mạng xã hội – dù điều đó không dễ dàng.
- Trò chuyện với con: Hãy thảo luận với con về việc tham gia các hoạt động xã hội mà không cần đến điện thoại sẽ như thế nào, và cùng nhau xây dựng chiến lược. Lập danh sách các cách ứng phó hoặc kỹ năng giao tiếp mà trẻ có thể sử dụng.
Bà Seham cũng khuyên nên nói chuyện với con về cách các em có thể trao đổi với bạn bè về chủ đề sử dụng điện thoại.
“Khuyến khích trẻ tận hưởng thế giới xung quanh bằng cách nói về sự ‘tự do’,” bà nói. “Các em có thể cùng bạn bè lên kế hoạch cho các hoạt động không dùng điện thoại và mời những người khác tham gia phong trào ‘tự do khỏi điện thoại’ này”.
Lâm Mộc theo Epoch Times
Từ khóa bảo vệ trẻ khỏi điện thoại
