Cuộc sống trí tuệ của đôi vợ chồng già người Nhật
- Minh Tâm
- •
Vợ chồng thật sự không phải là ai giỏi hơn ai, ai thắng ai, mà là ai nhường nhịn ai. Nhường nhịn cũng là cấp cho mình và nửa kia một khoảng không gian riêng, đây là sự tôn trọng và cũng là bí quyết giữ gìn tình cảm vợ chồng.
Vợ chồng hòa thuận là luôn có thể “giả bộ làm ngơ” trước những thiếu sót của nhau, bổ sung cho nhau. Nếu hai người chuyện gì cũng phải làm cho rõ, cho ra lẽ thì chắc chắn sẽ không ngừng chiến tranh, như đi trên lớp băng mỏng, sống không hề thoải mái, vui vẻ.
Ở Nhật có một đôi vợ chồng rất bình thường nhưng khiến mọi người cảm động. Khi còn trẻ, ông Shuichi là một kiến trúc sư sống bận rộn mỗi ngày, còn bà Eiko thì luôn cùng ông chăm sóc gia đình ngăn nắp, trật tự đâu ra đó.
Nhưng trong lòng ông Shuichi luôn biết mong muốn của bà Eiko. Sau khi ông nghỉ hưu, việc đầu tiên mà ông làm là xây một căn nhà gỗ cho bà ở quận Aichi, mỗi một chiếc cột đều do tự tay ông thiết kế.
Phía trước căn nhà có một vườn rau xinh xắn, ông còn sắp xếp để cho vườn rau này một năm bốn mùa đều thu hoạch được 70 loại rau củ, 50 loại trái cây, khi mở cửa sổ ra là có thể nhìn thấy rừng cây xung quanh nhà.
Mỗi ngày ông Shuichi đều viết những tấm thiệp và đạp xe đi gửi thư, bà Eiko thì luôn mua thịt và hải sản ở một quầy hàng cố định vì bà nói rằng bà “chọn người” khi mua đồ, bà tin vào người nào bán thực phẩm khiến bà yên tâm, quả nhiên “người” là nhân tố rất quan trọng.
Từ khi còn trẻ đến lúc về già, ông Shuichi luôn đứng phía sau bà Eiko, ông nói bà muốn làm gì, ông đều ủng hộ. Nhưng bà Eiko thì luôn cổ vũ ông, từ việc bà cho ông sở hữu một chiếc thuyền đắt tiền để ông tự do ra biển chơi, cho đến việc bà luôn nhìn ông rất tình cảm khi ông nói chuyện, bà còn chú ý chuẩn bị cho bước tiếp theo của ông Shuichi.
Bà Eiko thường nấu cơm trong bếp suốt cả ngày, khi trời mưa, bà nấu các loại trái cây thành mứt ngọt ngào, tối đến, bà đan áo len, thêu thùa.
Để chăm sóc bà Eiko, ông Shuichi treo những tấm bảng gỗ màu vàng khắp nhà để nhắc nhở bà. Đây là cách trò chuyện cùng nhau rất đặc biệt của họ.
Ông Shuichi thường viết những lời nhắc nhở hoặc ghi chú trên các tấm bảng, ví dụ như nhắc bà Eiko đi lại cẩn thận. “Chú ý, sẽ bị đau đấy.”, ông còn làm một cái chậu với dòng chữ “Đây là chậu tắm của chim non, hoan nghênh đến tắm.”
Cuộc sống của ông bà cứ thế bình yên trôi đi, rất giản dị bình thường mà khiến cho nhiều người xúc động.
Vợ chồng luôn sống bên nhau bốn mùa xuân hạ thu đông, mỗi ngày lặp đi lặp lại, cùng nhau làm những việc từ nhỏ nhặt cho đến quan trọng nhất.
Những điều rất đỗi nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày chẳng phải đã cho thấy mặt chân thực nhất trong cuộc sống vợ chồng sao? Người xưa có câu “tu trăm năm có duyên cùng thuyền, tu ngàn năm mới có duyên chung gối”, có thể thấy, để trở thành vợ chồng là một điều không hề dễ dàng, vậy nên những ai đã là vợ là chồng của nhau thì hãy nên biết trân quý mối duyên ngàn năm này.
Minh Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Người Nhật Bài học cuộc sống Vợ chồng hạnh phúc gia đình Tình cảm vợ chồng