Mới đây, vụ việc thương tâm của cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên ô tô 29 chỗ khi đi học lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông. Để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra, việc cha mẹ trang bị cho trẻ kỹ năng thoát hiểm là điều vô cùng cần thiết.

thoat hiem tre o to 2
Cha mẹ cần trang bị cho trẻ kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố mắc kẹt trên xe ô tô. (Ảnh: axis213/ Shutterstock)

Khi xe ô tô tắt máy và phơi nắng ngoài trời, nhiệt độ bên trong xe sẽ tăng dần lên do cửa kính xe hấp thụ nhiệt từ ánh nắng. Trẻ em bị mắc kẹt trên xe trong thời gian dài sẽ dễ bị say nắng, chóng mặt, ngạt thở…

Trước mối nguy hiểm đáng báo động này, Thạc sĩ Hoàng Ngọc Tân – trưởng bộ môn kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Lạc Hồng đã chia sẻ một số nguyên tắc rất đơn giản mà cha mẹ, thầy cô giáo hoàn toàn có thể áp dụng để dạy trẻ nhỏ cách thoát hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô.

1. Dạy con cách giữ bình tĩnh

Điều đầu tiên và cũng là điều vô cùng quan trọng khi gặp tình huống nguy hiểm chính là giữ bình tĩnh. Bởi nếu con hoảng sợ, mất bình tĩnh và la hét thì có thể rơi vào tình trạng mất sức và hôn mê.

2. Dạy con cách bấm còi xe

Hầu hết các dòng xe ô tô hiện nay dù đã tắt máy và rút chìa khóa thì vẫn có thể bấm còi. Lý do là bởi hệ thống còi xe kết nối trực tiếp nguồn điện của bình ắc quy. Nguồn điện trong bình hoàn toàn có thể cung cấp điện cho còi bấm trong nhiều giờ liên tục.

Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn cho con biết rằng trong trường hợp chẳng may bị bỏ quên trên xe mà không có các thiết bị liên lạc hoặc không thể thoát ra ngoài thì con hãy đến vị trí của còi xe ở vô lăng, bấm còi liên tục để thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Đây là cách đơn giản và đỡ tốn sức nhất mà hầu như trẻ em nào cũng có thể thực hiện nếu được hướng dẫn từ trước.

bam coi
Bấm còi xe ô tô là cách nhanh chóng giúp trẻ có thể cảnh báo cho những người xung quanh. (Ảnh: SeventyFour/ Shutterstock)

3. Bấm đèn khẩn cấp

Tương tự còi, đèn khẩn cấp (đèn hazard – biểu tượng tam giác màu đỏ ở bảng điều khiển) cũng có thể hoạt động khi xe đã tắt điện và dù cho có bị khóa từ bên ngoài. Chỉ cần bấm nút đèn báo khẩn cấp được lắp ở 2 góc phía trước và 2 góc phía sau xe ô tô thì đèn sẽ chớp liên tục, ở một số xe còn kèm theo tiếng báo động, điều này sẽ giúp thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.

4. Mở cửa sổ xe

Dù xe đã đóng kín hay khóa cửa thì người bên trong vẫn có thể mở cửa sổ của xe để kêu cứu. Bạn hãy dạy con và cho con thực hiện nhiều lần cho thành thục thao tác này.

5. Đứng ở phần kính phía trước vô lăng để cầu cứu

Nhiều xe thường dán decal màu để hạn chế ánh nắng chiếu vào. Tuy nhiên, phần kính phía trước vô lăng sẽ luôn là kính trong suốt để tài xế nhìn đường. Do đó, cha mẹ hãy dạy trẻ đi tới vị trí này để cầu cứu và báo hiệu cho người phía ngoài nhìn thấy.

thoat hiem tre o to 1
Hãy dạy trẻ đi tới vị trí phần kính phía trước vô lăng của xe để cầu cứu và báo hiệu cho người phía ngoài nhìn thấy. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

6. Tìm nút mở khóa ở ghế tài xế

Trong trường hợp xe đang đậu ở nơi gần như không có người xung quanh, hãy dạy con cách tìm đến các nút bên hông ghế người lái. Ở đó, nhiều dòng xe hiện nay thường sẽ có 2 nút bấm có hình ổ khóa mở và ổ khóa đóng. Con chỉ cần bấm vào nút ổ khóa mở, sau đó kéo tay cầm cửa hướng ra ngoài và đẩy ra là mở được cửa.

7. Dùng búa thoát hiểm

Hãy dạy con trong trường hợp nguy hiểm thì tìm búa thoát hiểm thường được để trên vách xe để đập phá cửa kính. 

Điều này không hề dễ dàng đối với trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên, trẻ từ 4 đến 6 tuổi đều có thể sử dụng được nếu được trang bị kỹ năng tốt. Ngay cả khi trẻ không thể dùng búa đập vỡ kính thì vẫn có thể gây ra tiếng động để gây sự chú ý của cha mẹ và những người xung quanh.

8. Dùng vật dụng gây chú ý

Nếu ở trong xe kín thì dù có la hét thì người ngoài chưa chắc đã nghe thấy, vì vậy bạn hãy chỉ con cách dùng những vật dụng có sẵn trên chẳng hạn như áo khoác, nón mũ và vẫy liên tục để gây chú ý. Ngoài ra, con cũng có thể dùng bất kể vật cứng nào được tìm thấy trong xe để gõ vào thành xe tạo tiếng động, đây cũng là một cách gây chú ý cho mọi người.

Những thứ cha mẹ cần trang bị ngoài việc dạy con kỹ năng thoát hiểm

Ngoài việc hướng dẫn trẻ kỹ năng sống, thoát hiểm khi bị mắc kẹt trên ô tô, cha mẹ cần trang bị thêm những phụ kiện, vật dụng khác như:

1. Dán film cách nhiệt cho xe ô tô

Dán film cách nhiệt ô tô sẽ giúp tăng độ an toàn tối đa cho trẻ nhỏ trong khi chờ cha mẹ và người khác đến giải cứu. Hiệu quả chống nóng cao, kéo dài thời gian không khí trong cabin xe khi thời tiết nắng nóng và giảm nguy cơ trẻ bị ngạt thở.

Film cách nhiệt ô tô không chỉ có tác dụng khi có sự cố xảy ra mà trong quá trình sử dụng cũng sẽ tạo ra một môi trường nhiệt độ bên trong xe lý tưởng cho cả gia đình.

2. Trang bị thiết bị thông minh 

Đồng hồ thông minh là phụ kiện giúp trẻ xem giờ, đồng thời cũng vô cùng cần thiết để hai bên dễ dàng liên lạc với nhau trong những tình huống khẩn cấp.

dong ho thong minh 1
Trang bị đồng hồ thông minh để để có thể dễ dàng liên lạc với con trẻ trong những tình huống khẩn cấp. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Tính năng của đồng hồ thông minh đơn giản hơn rất nhiều so với điện thoại nên cha mẹ có thể hướng dẫn cơ bản cho con về các nút bấm gọi. Như vậy, trong những tình huống nguy hiểm, trẻ sẽ biết dùng nó để liên lạc với cha mẹ để cứu chúng.

Ngoài ra, với ứng dụng định vị kết nối với đồng hồ của trẻ, phụ huynh có thể dễ dàng biết con mình đang ở đâu hoặc gọi điện tìm con khi không thấy chúng.

Trang bị những kỹ năng trên đây không những cần thiết khi trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô mà còn giúp trẻ hình thành thói quen, hành động tự cứu mình trong cuộc sống hằng ngày.

Trúc Nhi, Tuệ Di t/h