William Cowper có câu nói rằng:“Cái ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ trôi qua thôi, nếu như bạn sống tới ngày mai”. Chỉ cần sống tới ngày mai, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp dần lên.

di qua giong bao phan 1 1
(Ảnh minh họa: Ungar-Biewer/ Shutterstock)

Đã bao giờ bạn nhìn lên bầu trời và quan sát một cơn giông khi mây đen đang ập đến chưa?

Có người bạn ví một năm đầy biến cố vừa qua với Thu như là một năm đương đầu với giông bão của cô vậy. Người phụ nữ chưa đầy 36 tuổi, sống cuộc sống bình dị tại khu tập thể cũ cùng chồng và ba con nhỏ ở Hà Nội, bố mẹ đẻ cô sống trong Sài Gòn xa xôi mà ấm áp. Hàng năm hoặc cách năm cô mới có thể thu xếp vào thăm gia đình bên ngoại của mình. Năm ngoái vì mới sinh con út nên cô chưa về thăm bố mẹ. Dịp Tết, cả nhà còn hẹn đến hè sẽ cho trẻ con vào thăm ông bà thì vừa đầu năm, mẹ cô bị ngã gãy xương, sức khỏe bà yếu dần đi rồi không may qua đời khi bà còn chưa kịp biết mặt đứa cháu ngoại mới sinh. Thu suy sụp suốt một thời gian thì tới cuối năm, chồng Thu cũng bỏ cô ở lại cùng ba đứa con thơ.

Khi lần lượt mất đi những người thân yêu nhất, mất đi chỗ dựa tinh thần ở nơi xa lạ, sự nghiệp bấp bênh, con cái còn nhỏ dại, Thu luôn nhắc mình phải cố gắng vì các con, nhưng quả thực mọi thứ không hề dễ dàng…

Kể từ khi anh rời bỏ cô và các con sang một thế giới khác đã hơn 100 ngày, dù luôn thầm mong anh sẽ đến một thế giới tốt đẹp hơn cõi tạm ở thế gian này, nhưng nhiều lúc cô vẫn chưa tin vào sự thật quá phũ phàng.
Vợ chồng cô sống với nhau chưa tròn 10 năm, có với nhau ba mặt con cả trai cả gái đủ cả. Trong những năm hôn nhân ngắn ngủi, gia đình họ có lúc rất vui vẻ hạnh phúc, cũng có những lúc mâu thuẫn tưởng chừng đường ai nấy đi, nhưng cuối cùng họ vẫn chọn bên nhau dù cuộc sống mưu sinh bao vất vả nhọc nhằn.

Sự ra đời của cậu con trai út đúng vào năm đại dịch Covid vừa là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn, vừa tăng thêm thử thách cho gia đình nhỏ, khi công việc của hai vợ chồng bị ảnh hưởng, sức khỏe của chồng cô cũng giảm sút đi.

Sau đám tang của bà ngoại, Thu nhận thấy trong miền Nam có khí hậu và nhiều cơ hội việc làm đa dạng phù hợp với khả năng của hai vợ chồng, cô quyết tâm rủ anh chuyển cả gia đình vào trong Sài Gòn tìm kiếm cơ hội, và sống gần gia đình để tiện chăm sóc cho bố cô (sau khi bà mất, ông suy sụp nên sức khỏe ngày càng kém đi).

Rời xa môi trường cũ, gia đình Thu rất hào hứng với cuộc sống ở thành phố mới, mang bao hi vọng vào những điều tốt đẹp phía trước.

Nhưng..

Số phận thật biết trêu đùa lòng người, sức khỏe của chồng Thu ngày càng kém đi mà không rõ nguyên do. Nên gia đình bên nội quyết tâm đưa anh ngược ra ngoài Hà Nội thăm khám, chạy chữa, còn cô và các con ở lại trong miền Nam.

Ngày biết kết quả xét nghiệm của anh, cả nhà đều suy sụp. Anh không muốn cô phải khổ theo mình, nên hết lần này lần khác tìm mọi cớ để từ chối đề nghị ra chăm anh của cô, nói rằng cô chỉ cần chăm lo cho các con là giúp anh rất nhiều rồi. Gia đình bên nội dù không muốn cũng đành thuận theo ý anh, không đồng ý để mẹ con Thu ra lại Hà Nội. Trong Sài Gòn lúc đó, Thu rất đau khổ khi thấy anh như vậy.

Cuối cùng, vượt lên trên hết mọi trở ngại, cô vẫn quyết tâm cùng các con ra lại Hà Nội chăm sóc anh với hi vọng anh sẽ vui vẻ, tinh thần phấn khởi mà khỏe lên. Nhưng, ngày đoàn tụ, giây phút hội ngộ, cô nhận ra anh yếu đi nhiều và quá nhanh so với thời điểm anh và cô chia tay nhau trong Sài Gòn. Những việc vệ sinh cá nhân, ăn uống sinh hoạt cũng cần sự trợ giúp, khuôn mặt anh biến dạng do khối u chèn ép khiến các con sợ mà không dám lại gần cha. Những ngày cô chăm anh, dù cứng miệng nhưng thực lòng anh cảm động lắm. Anh luôn không muốn bản thân làm vợ vất vả, vì các con còn quá nhỏ, cô còn phải chăm sóc cho bọn trẻ. Nhưng cô gạt đi, cô nói với anh rằng: “Vợ chồng sướng khổ có nhau, lúc này là lúc anh cần em nhất. Em xa anh sao đành!”

Bao nhiêu việc nhà, nâng đỡ, chăm bón anh cô làm hết chẳng nề hà, có nhiều khi anh đau quá mà nặng lời với Thu, cô cũng chẳng buồn lòng. Cô chỉ cần được nghe thấy tiếng anh nói, nghe tiếng anh còn thở khe khẽ, chỉ vậy thôi là cô vui và hạnh phúc lắm rồi! Với người phụ nữ, không điều gì hạnh phúc hơn là được chăm sóc cho chồng cho con mạnh khỏe, vui vẻ.

Niềm vui đoàn tụ chẳng được bao lâu, rồi cái ngày đó cũng tới…chỉ một đêm cô cùng các con chuyển về căn nhà cũ, dự định sáng hôm sau sẽ đón anh về cho tiện chăm sóc, và đưa đón trẻ con đi học thì… cũng là ngày anh xa cô, xa các con mãi mãi.

Lúc Thu nhận cuộc gọi thông báo từ mẹ chồng là giây phút cô chết lặng!

Cố nén nước mắt, cố giấu thương đau, Thu cùng gia đình bên chồng lo hậu sự cho anh thật chu đáo. Khoảnh khắc Thu “nhận chồng” ở nhà xác bệnh viện lạnh lẽo, cô không gượng nổi nữa, cả trời đất sụp đổ dưới chân cô. Trong suốt đám tang cho anh, cô như người vô hồn, run rẩy lẻ loi đứng cạnh quan tài làm lễ, ai nói sao thì Thu làm vậy. Khi trở về nhà, đứa con trai út mới hơn 1 tuổi trông thấy di ảnh của anh là gọi “Ba ơi! Ba ơi!” khiến trái tim cô quặn thắt, nước mắt lã chã.

di qua giong bao phan 1 2
(Ảnh minh họa: Tinnakorn jorruang/ Shutterstock)

Thỉnh thoảng sống trong căn nhà cùng các con, bao nhiêu kỉ niệm về gia đình đầy đủ năm người lâu lâu lại ùa về, gặm nhấm trái tim cô. Ngày mẹ đẻ rời xa cô, cô còn có anh bên cạnh sẻ chia, động viên nhau cùng lo cho các con. Ngày anh mất, cô phải chống chọi một mình, dù có anh chị em bạn bè động viên, cũng không thể nào khỏa lấp được nỗi trống vắng trong lòng cô.

Đỉnh điểm nhất là ngày cúng tuần đầu tiên, cô suy sụp, suy nhược đến mức ngất lịm đi, toàn thân mềm nhũn, hơi thở yếu ớt, hàng xóm vội vàng đưa cô đến bệnh viện cấp cứu, mọi người đều thương bọn trẻ, nên liên tục động viên cô cố gắng vượt qua đau thương. Nằm lẻ loi và đau đớn trong bệnh viện, cô không còn động lực nào sống, chỉ muốn buông xuôi hết tất cả, nhưng nghĩ đến bọn trẻ đang bơ vơ, nghĩ đến lời chồng dặn trước khi ra đi: “Em cố gắng chăm sóc cho các con”, cô đành gắng gượng xin xuất viện sớm, hàng ngày nỗ lực vì con.

Nếu như trước đây, cô đi làm và chỉ việc lo chăm sóc con, còn mọi việc sửa chữa, điện nước, v.v. những việc nặng trong nhà anh đều chủ động làm tất cả. Thì từ nay, nào bóng đèn cháy, nào vòi nước hỏng, rồi phích cắm điện lung lay, tất cả mọi việc cô đều phải quán xuyến và bận tâm. Cô phải học cách quấn dây điện, học cách đóng đinh sao cho chắc chắn, từ nay không ai quan tâm, không ai thay cô làm nữa. Trước kia, khi con có điểm cao hay được cô giáo khen là về nhà khoe với mẹ với cha chúc mừng, thì nay chỉ còn có mình mẹ. Hay khi cô học được món ăn ngon, nấu cho cả nhà cùng ăn, nấu ăn dở có anh góp ý, thì giờ chỉ có các con. Bao việc nhà việc họ, hay áp lực khi đi làm có anh cùng sẻ chia, thì giờ đây chỉ còn có cô và các con, chúng còn quá nhỏ để có thể hiểu được nỗi đau và mất mát đang diễn ra.

Sức khỏe chưa tốt nên cô cũng chưa xin đi làm việc được ở đâu, tài chính trong nhà ngày cạn kiệt dần, khó khăn chồng chất khó khăn. Hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp liên tục động viên, thăm hỏi mẹ con cô nhưng vẫn chưa thể giúp cô nguôi ngoai nỗi mất mát. Vừa phải làm mẹ vừa làm cha, đơn thân nuôi dạy con cái thật không hề dễ dàng…

( Hết phần 1)

Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Little Daisy

Đăng tải theo sự cho phép của tác giả