Giáo dục là “lấy nhân làm gốc”
- An Nhiên
- •
Tôi là một thầy giáo. Khi hướng dẫn cha mẹ cách nuôi dạy con cái, tôi thường nói với các bậc phụ huynh rằng khi một đứa trẻ làm rơi vỡ cái bát, hoặc làm hư đồ, thì đứa trẻ thường bị cha mẹ bị mắng nhiếc đến phát khóc, nhưng câu đầu tiên mà cha mẹ nên nói với đứa trẻ đó là:
“Con có bị sao không?”
Cha mẹ cần quan tâm và lo lắng cho sự an toàn của con, hơn là quan tâm đến cái bát mới đúng. Dù sao cái bát đã vỡ rồi, chỉ cần mua lại là được. Nếu như cha mẹ trách mắng, rồi tức giận đánh con, và làm tổn hại đến quan hệ thân thiết với con cái, thì việc này giống như làm rơi vỡ thủy tinh, bất kể cha mẹ hàn gắn như thế nào, thì vết thương đó vĩnh viễn không bao giờ hoàn toàn trở lại bình thường được.
Tại Đài Loan, giáo dục trước những năm 1990, trong khóa học tu thân có sách giáo khoa trung học “đạo đức và cuộc sống” đã từng viết về câu chuyện Lục Hương Hầu Lưu Khoan (quê Hoa Âm) là thái thú Quan Bái thời Đông Hán như sau:
Một lần nọ, Lưu Khoan mặc một bộ quần áo đẹp để chuẩn bị vào triều gặp vua, thì người nô tì bưng tới một bát canh thịt, vì không cẩn thận, người này đã làm đổ bát canh, và còn bắn tung tóe làm dơ quần áo mà Lưu Khoan đang mặc để chuẩn bị chầu vua. Khi đó, thái độ của Lưu Khoan không tức giận, thần sắc không thay đổi, mà lại còn quan tâm hỏi nô tì:
“Bát canh thịt có làm cô bỏng hay không?”
Lưu Khoan là một người khoan hồng độ lượng, luôn xem việc quan tâm đến người khác là quan trọng nhất.
Một lần khác, khi Lưu Khoan đánh xe bò ra ngoài, có một người mất bò đi tới, rồi chỉ vào con bò của Lưu Khoan và nói đó là bò của anh ta. Lưu Khoan không nói lời nào, lập tức xuống xe và đi bộ về nhà. Không lâu sau, người mất bò tìm được bò của mình, vội vàng đến trả bò lại cho Lưu Khoan, đồng thời cúi đầu nhận lỗi. Lưu Khoan lập tức đỡ anh ta lên và nói:
“Hình dáng của bò vì không khác nhau nhiều, nên anh nhìn lầm bò, đó là điều khó tránh khỏi, huống hồ anh lại không sợ phiền phức mà đem bò trả lại, việc này còn có gì phải tạ lỗi?”
Đức hạnh mẫu mực của Lưu Khoan thực sự là làm người khác phải kính phục!
Giáo dục là cuộc sống. Là một người giáo viên, tôi thường dạy đạo lý như thế, và đạo lý đó cũng chắc chắn ảnh hưởng đến tính cách của bản thân giáo viên, thay đổi các tật xấu bẩm sinh của giáo viên.
Nhớ lại vào đầu những năm 1980, lúc tôi vừa mới dạy học, có một lần trong lớp bóng bàn, tôi phụ trách chặn bóng, còn những đứa trẻ thay phiên nhau đánh bóng. Khi đến lượt một cậu học sinh họ Kha, cháu đập bóng rất hăng hái, vì tay không giữ chặt vợt, nên toàn bộ vợt bóng bàn rời khỏi tay bay ra, và đập vào ngay giữa trán của tôi, làm mắt kính gãy rời ra, 2 miếng kính đều bị vỡ.
Khi đó, tôi phát hiện nét mặt của cậu học sinh họ Kha kia trở nên trắng bệch, đứng sững sờ không nhúc nhích; rồi cũng trong nháy mắt đó, tôi vội vàng đi tới bên cạnh cậu học sinh họ Kha, và vỗ vào vai rồi nói:
“Không có gì, không có gì, đừng sợ!”
Tôi tự mình tìm nhặt mắt kính vỡ rồi tách ra thành 2 phần, gồm gọng kính cùng thấu kính bị vỡ, và thông báo:
“Tiếp tục tập luyện bóng bàn”.
Phải thừa nhận rằng, sau đó tôi đã cảm thấy quá ngạc nhiên với bản thân khi thấy mình trở nên khoan dung tha thứ và một chút tức giận cũng không có:
“Tôi ngày xưa không phải là người như thế này!”
Không thể phủ nhận rằng tư cách đạo đức nghề nghiệp của một giáo viên và câu chuyện lịch sử của Lưu Khoan đã thay đổi bản thân tôi. Khi một giáo viên giảng đạo lý cho học sinh của mình nghe, đạo lý đó một cách tự nhiên sẽ ấn tượng sâu sắc vào trong linh hồn người giáo viên, và không có cách nào mất đi được, đây là một điều vô cùng tốt.
Khi con người chung sống cùng nhau, thì cần quan tâm đến người khác, hơn là quan tâm đến tổn thất về tiền bạc. Cha mẹ nên yêu thương con cái, hơn là quan tâm đến hư tổn về vật chất, đây là giá trị nhân văn, đó là tinh thần “lấy nhân làm gốc”.
Một người luôn “lấy nhân làm gốc”, thì phản ứng đầu tiên khi gặp chuyện ngoài ý muốn là:
“Bạn có bị sao không?”
Theo Secretchina.com
Nguyên Phong (biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục con cái Giáo dục Làm cha mẹ