Giới trẻ Nhật Bản rộ trào lưu “mỗi ngày ở một nhà”
- Hoài Anh
- •
Nhiều thanh niên Nhật Bản xem các ứng dụng như Airbnb là giải pháp giúp họ có được cuộc sống luôn mới mẻ và quen biết thêm nhiều bạn bè.
Ichihashi, 30 tuổi, là nhân viên marketing. Cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn 3 năm qua sau khi anh quen một sinh viên đại học lúc đi chung tàu điện ngầm.
Lối sống của cậu thanh niên này khiến Ichihashi bị thu hút. Ngày nào cậu ấy cũng tìm nơi ở mới trên Airbnb, điều đó khiến Ichihashi cảm thấy cuộc sống như vậy rất phong phú, không khiến anh cảm thấy nhàm chán và tẻ nhạt như những gì đã trở thành cố hữu – thuê một chỗ ở cố định tại Tokyo và sử dụng 1 tuyến tàu điện ngầm quen thuộc sáng đi tối về.
Mặc dù vậy, Ichihashi cũng không vội quyết định ngay. Anh cẩn thận lập kế hoạch và đưa ra các tính toán. Chẳng hạn anh nhận thấy chi phí sống “du mục” sẽ vào khoảng 120.000 yên, cao hơn mức 90.000 yên nếu thuê nhà cố định. Nhưng nếu sống “du mục”, anh không mất một khoản lớn để đặt cọc mấy tháng tiền nhà, tiền điện nước, cũng như không phải dọn dẹp nhà cửa.
Và ngày Ichihashi quyết định trả phòng cũng đến. Anh thanh lý hết đồ đạc trong căn hộ cũ, mang theo mình chỉ 5 kg đồ cá nhân thiết yếu và hướng mình theo lối sống mới. Ban đầu, Ichihashi chỉ muốn thử cách sống mới nhằm trải nghiệm nhưng nó đã kéo dài 3 năm và chưa có dấu hiệu kết thúc, anh hiện đam mê lối sống này.
“Mục đích của lối sống này là tìm hiểu thế giới tươi đẹp và có thêm bạn bè”, Ichihashi giải thích cho người thân, những người luôn hoài nghi: “Sống như vậy liệu có ổn, có tốn kém hơn cách sống cũ?”.
Nhưng những người như Ichihashi không phải là hiếm mà ngày càng nhiều hơn ở Nhật Bản. Cô Kobayashi, 27 tuổi, là đầu bếp tự do hiện cũng đang là fan của ‘lối sống xê dịch’ này cho biết cách sống mới khiến cô có thể tìm hiểu những hương vị ẩm thực khác biệt.
Aiko, một nhân viên ngân hàng 36 tuổi, chỉ sống “du mục” vào các ngày cuối tuần. Với mục đích kết hôn, cô muốn gặp gỡ những người mới bằng cách thay đổi môi trường sống và cô cho biết nó đã giúp cô gặp được nhiều đối tượng tiềm năng.
Khi số lượng người theo đuổi lối sống “mỗi ngày ở một nhà” tăng lên, Shotaro Ichihashi và những người bạn lập tức nắm lấy thời cơ. Họ cùng nhau tạo ra một dịch vụ có tên “phễu địa chỉ”. Theo đó, một người chỉ cần trả 40.000 yên hàng tháng, có thể chọn ở lại một nơi bất kỳ có trong dịch vụ, ví dụ như ngôi nhà xe lửa ở tỉnh Kumamoto, biệt thự suối nước nóng ở tỉnh Shizuoka, ngôi nhà cổ ở tỉnh Chiba…
Ban đầu, có hơn 1.100 người đăng ký nhưng số lượng tăng lên hàng ngày. Ichihashi cho hay, khi giới trẻ phải gánh một loạt các khoản thuế phí sau khi mua nhà có lẽ cách sống này tỏ ra phù hợp hơn.
“Tôi không chắc chắn tương lai sẽ như thế nào. Nhưng việc phá bỏ các khuôn mẫu cũ và sống một cuộc đời tươi mới, tiện ích hơn thực sự khiến cuộc đời trở nên đáng sống”, Shotaro Ichihashi nói.
Shotaro Ichihashi thậm chí đã tìm được bạn gái nhờ phong cách sống này. Anh và cô đầu bếp Kobayashi đã kết hôn hai tháng trước và hiện vẫn quyết định duy trì cách sống mới mẻ này bất chấp lời khuyên từ gia đình rằng họ nên sống cố định để sinh con đẻ cái. Ichihashi cho biết đã quen với cách sống hiện tại và tin rằng dù thêm con thì vẫn có cách giải quyết những khó khăn phát sinh.
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản lối sống giới trẻ du mục