Giữa người với người quá thân thiết cũng là một loại tổn thương
- Bảo Ngọc
- •
Sự giao tiếp giữa con người với nhau, chính là một kỹ năng ứng xử quan trọng, muốn làm tốt việc ấy, thật không dễ dàng gì. Nếu khoảng cách giữa hai người quá xa, mối quan hệ sẽ dần trở nên mờ nhạt, nhưng nếu xích lại quá gần, lại phát sinh hàng loạt mâu thuẫn.
Cho dù là người thân bạn bè, hay là bạn học đồng nghiệp, lúc yêu thương có thể chia sẻ cho nhau từng miếng cơm manh áo, giận nhau thì tới chết cũng không muốn nhìn mặt.
Đời người như cây thước, phải có chừng mực; tình cảm như bề mặt, đừng vượt qua ranh giới. Con người khi tiếp xúc với nhau, nhất định phải nắm rõ chừng mực, mối quan hệ dù có tốt tới đâu cũng không nên quá gần gũi, nếu không về sau càng ngày khoảng cách sẽ càng xa hơn.
Quá ràng buộc một ai đó, đều chỉ mang lại sự tổn thương mà thôi
Giữa bạn bè với nhau nếu như quá thân cận sẽ không tốt: không chú ý cách ăn nói sao cho chừng mực, không rõ ràng về tiền bạc, hành động thiếu tôn trọng đối phương, về lâu về dài, ai rồi cũng sẽ rời xa kiểu người như vậy.
Giữa người thân với nhau, ngày nào cũng chạm mặt, bỗng một ngày nào đó nghe nói gia đình bạn xảy ra chuyện, họ cũng sẽ đến và chia sẻ, an ủi bạn một chút, nhưng dần dà, họ sẽ cảm thấy phiền, thấy ghét, cuối cùng sẽ rời xa bạn.
Người trong cùng một nhà, mà lúc nào bạn cũng can thiệp vào đời sống riêng tư của gia đình con cái, kiểm soát mọi thông tin cá nhân của vợ/chồng, mỗi ngày dính lấy người ta đến nỗi đánh mất cả bản thân mình, rồi tình cảm sẽ có ngày trở thành rào cản.
Vì vậy, nếu muốn cùng người nhà, người thân và bạn bè hòa thuận với nhau, bạn phải để cho họ có không gian riêng.
1. Giữa vợ chồng nên để cho đối phương có khoảng trời riêng
Cách tốt nhất để vợ chồng hòa hợp với nhau, chính là cả 2 người biết giữ khoảng cách cho nhau. Mối quan hệ giữa vợ và chồng cực kỳ thân mật, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc giữa 2 người không hề có bí mật nhỏ nào giữ cho riêng mình.
Đặc biệt là các cặp vợ chồng có sở thích trái ngược nhau, không thể ép đối phương phải thay đổi sở thích cho giống mình. Phải cho người ấy có không gian riêng, chấp nhận sở thích của người ấy, sau đó là việc người ấy có bạn bè của riêng họ. Điều cần thiết nhất chính là phải hòa thuận, vui vẻ với nhau.
2. Trong mối quan hệ với con cái, nên biết giữ khoảng cách bằng “một tô canh”
Theo đà phát triển xã hội, càng ngày càng có nhiều bậc phụ huynh chấp thuận việc giữ một khoảng cách nhất định với con cái. Nhưng đừng xa quá, khoảng cách làm sao để 2 bên có thể chăm sóc lẫn nhau, lại còn có tác dụng tránh khỏi những mâu thuẫn và phiền toái.
Có giới hạn, có khoảng cách, có liên lạc, có trông nom, khoảng cách tuyệt vời nhất chính là “khoảng cách một tô canh”. Trong cuộc sống, nên biết giữ khoảng cách bằng “một tô canh” với con, thường đến thăm con, đưa cho con một tô canh, đừng vì “nhiệt tình” quá mà vô tình làm con phải “bỏng”, cũng đừng lãnh đạm quá để khiến trái tim phải nguội lạnh.
3. Giữa người thân, không thể không tôn trọng nhau
Tình thân, là một loại cảm xúc thật khó buông bỏ. Khi ở cùng người thân, đừng tùy tiện quá, phải có lòng tôn trọng. Nhận được sự giúp đỡ từ họ, nên cảm ơn, khi họ gặp khó khăn, nên kịp thời hỗ trợ.
Những chuyện xảy ra trong nhà người thân, họ đã đồng ý thổ lộ thì bạn nên chuyên tâm lắng nghe. Khi họ không muốn nói, thì đừng nên nhiều chuyện, đừng can thiệp, càng không nên xen vào mà không kiêng nể gì cả.
Trong lòng mỗi người đều chứa đựng những góc tối không muốn ai biết quá nhiều, vì thế tôn trọng họ cũng chính là tôn trọng tình thân giữa bạn và người đó.
4. Giữa bạn bè, hãy luôn nhớ những gì bạn muốn
Có vài người thấy tình bạn của mình đã tiến triển tốt hơn một chút, liền đặt ra vô vàn yêu cầu, nếu bạn mình không thể đáp ứng, liền oán trách. Làm bạn với những người này, càng làm ta cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Tình bạn chân thành rất thuần khiết, không mang ý đồ nào cả. Một người bạn giúp đỡ bạn là họ thể hiện tình cảm dành cho bạn, không giúp bạn thì đó là nghĩa vụ mà bạn phải tự mình làm, không thể dùng đạo đức để trói buộc họ, yêu cầu họ đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.
Tình bạn của nhiều người ngày càng đi vào ngõ cụt là bởi vì yêu cầu của họ đối với bạn mình quá nhiều. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra sự trở mặt.
4. Với người lạ, khi nói chuyện phải giữ chừng mực
Có một số người lần đầu tiên chúng ta gặp mặt, có một số người một năm chỉ gặp dăm ba lần, tiếp xúc với những người xa lạ như vậy, cho dù ấn tượng đầu tiên có tốt như thế nào cũng không thể không có chừng mực.
Đừng cố gắng hỏi những vấn đề cá nhân của người khác, nói chuyện phải biết điểm dừng, đừng nên làm khó người ta, nói chuyện gì cũng phải lựa thời điểm thích hợp.
Khi tuổi ngày một cao ta mới dần phát hiện, tình yêu, tình thân, tình bạn, cái nào cũng quan trọng, cho nên dù trong mối quan hệ nào, cũng đừng quá thân thiết, nên dành cho mình đường lùi, cũng là dành cho người không gian riêng, đây mới chính là khoảng cách lý tưởng nhất. Không cần thiết phải quá thân mật, ai cũng có cuộc sống của riêng mình, cũng không cần thiết phải quá lạnh nhạt, trong cuộc sống vẫn cần những mối quan hệ xã hội. Khoảng cách tạo ra vẻ đẹp, thực chất chính là, tôn trọng nhau, trân trọng nhau.
Bảo Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Tình cảm gia đình con cái Tình cảm vợ chồng mối quan hệ bạn bè