Hãy là người mà bạn muốn trở thành!
- Ngọc Chi
- •
Chúng ta thường hay nhìn vào người khác và đánh giá họ kỷ luật như thế nào khi làm mọi việc trong khi tự phàn nàn về bản thân vì không thể làm được như họ…
Chúng ta đôi khi tự hứa với bản thân là sẽ dậy sớm hơn, tập thể dục, ăn uống lành mạnh hơn; trở thành người bạn, người lãnh đạo hay nhân viên tốt hơn… nhưng sau đó chúng ta lại buông lơi và quay trở lại với thói quen hàng ngày. Có thể chúng ta cũng đã cải thiện một chút ở một phương diện nào đó nhưng nó không đáng kể…
Vậy phải làm thế nào đây? Làm thế nào để ta có thể thay đổi được những thói quen không tốt thâm căn cố đế để có được cuộc sống tốt đẹp hơn? Hay chỉ đơn giản là dậy sớm lúc 5h sáng?
Bàn về động lực, người ta nói rằng động lực chỉ là thứ tạm thời và hay thay đổi. Điều bạn thực sự cần chính là tính kỷ luật. Nhưng nếu không có động lực thì làm sao bạn có thể chạy bộ hay nghiến răng nâng tạ? Làm sao có thể tiếp tục làm những việc mình không thích? Ồ chắc chắn là bạn sẽ có thể làm được, nhưng chỉ trong ngày một ngày hai thôi.
Dưới đây là cách để bạn có thể thay đổi bản thân mà không cần gượng ép.
1. Đánh giá tình trạng hiện tại
Trước hết, chúng ta bắt đầu bằng cách xác định mình là ai – không phải là người mà chúng ta muốn trở thành – mà là chính con người ở hiện tại: thói quen, sở thích, ưu điểm, nhược điểm, nơi nào hay thường xuyên lui tới, tính cách, sức khỏe, bạn bè, gia đình, công việc, thu nhập, tình hình tài chính…
Hãy lấy một mảnh giấy và viết tất cả những điều này xuống, chi tiết từng khía cạnh. Đây chính là hồ sơ của bạn. Đây chính là bạn. Bạn không cần phải trình bày điều này với bất kỳ ai. Chỉ cần viết lên các trang giấy và kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên!
Chúng ta thường nhìn nhận bản thân mình tốt hơn hoặc xấu hơn so với thực tế. Thông qua bài tập này, bạn sẽ hiểu được bản thân mình theo góc nhìn của người thứ ba mà không có quá nhiều sự thiên vị. Hãy dành thời gian khoảng 2-3 ngày để làm việc này. Bạn chỉ cần động não và viết ra bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm trí.
2. Sáng tạo cá nhân
Bây giờ, hãy sắp xếp những gì bạn đã viết thành các phần. Viết những phần này xuống một tờ giấy trắng khác và để nó qua một bên. Hãy suy nghĩ sâu sắc về người mà bạn muốn trở thành. Bài tập đầu tiên là phân tích, còn bài tập này là sáng tạo. Đừng viết ra những điều bạn muốn đạt được như thức dậy lúc 5 giờ sáng hoặc tập thể dục hàng ngày. Không, đó không phải là điều bạn cần phải làm, đó chỉ là những hoạt động. Khi bạn tập trung vào các hoạt động, bạn sẽ giới hạn bản thân theo nhiều cách khác. Để thay đổi vĩnh viễn, bạn cần phải thay đổi chính con người bạn.
Hãy lấy một ví dụ: Bạn muốn trở thành một doanh nhân thành đạt. Mọi người thường làm gì? Họ tham gia các lớp học, thử một số ý tưởng, kết nối với những người cùng chí hướng, v.v. Không nghi ngờ gì tất cả những điều này đều tốt nhưng vẫn chỉ là những hành động. Để trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn cần phải là một doanh nhân thành đạt. Nghĩa là, bạn cần thay đổi toàn bộ bản thân, bao gồm cả môi trường sống của bạn, để phản ánh con người bạn muốn trở thành.
Bạn chưa phải là một doanh nhân thành đạt, nhưng bạn cần ăn mặc như một doanh nhân thành đạt, cần nói chuyện như một doanh nhân thành đạt và cần phải sống như một doanh nhân thành đạt. Tất nhiên, bạn sẽ không thể mua được một ngôi nhà lớn hơn. Nhưng bạn cần sắp xếp lại ngôi nhà của mình theo cách một doanh nhân thành đạt sẽ sắp xếp. Bạn cần phải làm việc chăm chỉ. Bạn phải kết bạn với những người giống như một doanh nhân thành đạt sẽ có xung quanh anh ta. Và, dần dần, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ như một doanh nhân thành đạt. Lúc đó, việc trở thành một doanh nhân thành đạt sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Hãy quay trở lại với bài tập. Lúc này bạn đã có một hồ sơ rõ ràng và chi tiết về người mà bạn muốn trở thành. Hãy áp dụng càng nhiều đặc điểm của người đó thì càng tốt cho bạn. Hãy là người mà bạn muốn trở thành. Các hành động sẽ là sản phẩm phụ của việc chuyển đổi: bạn sẽ tự động thức dậy lúc 5 giờ sáng, bạn sẽ thích dậy sớm và rất khó để ngủ dậy muộn, bởi vì đó không phải là bạn nữa.
Theo Vision Times
Ngọc Chi
Xem thêm:
Từ khóa Ý chí ước mơ Bài học cuộc sống