Hồ Kelimutu đổi màu kỳ diệu trên ngọn núi thiêng ở Indonesia
- An Chi
- •
Núi lửa Kelimutu có những hồ nước nằm cạnh nhau nhưng có thể thay đổi màu sắc khác nhau một cách kỳ diệu. Nơi tự nhiên này được bao quanh bởi những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa phân tích được quy luật thay đổi màu sắc của chúng.
Núi lửa Kelimutu nằm trong Công viên Quốc gia Kelimutu (Kelimutu National Park) của Indonesia. Mặc dù 3 hồ miệng núi lửa bí ẩn này đều nằm trên đỉnh Núi lửa Kelimutu (cao 1.639 mét so với mực nước biển) và chúng ở rất gần nhau, nhưng màu sắc của chúng rất khác nhau, đặc biệt là khi nhìn từ trên không, chúng trông giống như có 3 màu. Vì vậy, nó còn được gọi là “hồ ba màu”.
Đây được coi là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm bởi những kỳ quan miệng núi lửa đầy màu sắc. Trong công viên có đài quan sát để khách du lịch có thể ngắm nhìn hoặc chụp ảnh những hồ nước.
Điều tuyệt vời hơn nữa là màu nước của 3 hồ này cũng thay đổi theo thời gian khiến du khách không thể biết trước rằng các hồ sẽ có màu gì khi đến tham quan. Bởi vì không có những quan sát thường xuyên về núi lửa, các nhà khoa học cũng không có đủ dữ liệu để tạo ra các mô hình dự đoán thời điểm các hồ sẽ thay đổi màu sắc.
Đài quan sát Trái đất của NASA đã chụp ảnh vệ tinh của 3 hồ vào những ngày khác nhau và cho rằng sự thay đổi màu sắc là do phản ứng oxi hóa khử giữa các khoáng chất có trong hồ. Đây được cho là nguyên nhân gây ra bởi hoạt động khí núi lửa. Giống như máu người, nước hồ có màu đỏ sẫm hoặc thậm chí là màu đen khi có đủ oxy và có màu xanh ngọc lục bảo hoặc xanh lục khi có ít oxy hơn.
Bộ Du lịch Indonesia lưu ý rằng ngoài màu xanh lam, xanh lục, đỏ và đen, hồ Kelimutu đôi khi còn có màu trắng đục hoặc thậm chí là màu sô-cô-la. Ngoài ra, lượng mưa và mực nước ngầm cũng ảnh hưởng đến màu sắc của chúng.
Điều đáng nói là tên của 3 hồ nước này cũng rất bí ẩn, người ta tin rằng những cái tên này xuất phát từ truyền thuyết cổ xưa của địa phương. Một hồ có tên là hồ Thanh niên (Tiwu Nuwa Muri Koo Fai – nghĩa là trong sáng), hồ này thường có màu xanh lục. Một hồ tên là hồ Ma lực (Tiwu Ata Polo – nghĩa là xấu xa), nó chứa sắt trong địa chất nên nước hồ thường có màu đỏ. Hồ còn lại tên là hồ Ông già (Tiwu Ata Mbupu – nghĩa là Thiện lành), nó thường có màu xanh lam.
Núi lửa Kelimutu rất linh thiêng đối với bộ lạc Lio địa phương, họ tin rằng linh hồn của người chết sẽ đi vào những hồ nước này. Các vị thần cai quản của 3 hồ sẽ dựa vào quan niệm sống và đặc điểm tính cách lúc còn sống của họ để quyết định họ sẽ vào hồ nào.
Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đều công nhận rằng thời điểm tốt nhất để leo lên miệng núi lửa là vào sáng sớm sau khi sương tan, lúc này hồ trông rất sống động và sẽ thay đổi màu khi mặt trời mọc.
Từ khóa Hồ Kelimutu Núi lửa Indonesia