Kẻ cướp ngân hàng có vũ trang nay trở thành giáo sư khoa luật
- Ngọc Trúc
- •
Năm 20 tuổi, Shon Hopwood là một tên cướp ngân hàng có vũ trang, nhưng năm 40 tuổi, anh lại trở thành giáo sư khoa luật tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì trong 20 năm qua?
Sa ngã phải ngồi tù nhưng đã tìm lại ước mơ nhờ một quyển sách
Năm 1997, Shon Hopwood sống tại thành phố David thuộc tiểu bang Nebraska bị tòa phán quyết là có tội và phải ngồi tù liên bang, khi đó anh chỉ mới 20 tuổi. Tội của anh là tham gia vào băng cướp có vũ trang tổ chức đánh cướp 5 ngân hàng ở tiểu bang Nebraska. Sau khi bị bắt, Shon lập tức hối tiếc và cảm thấy tội lỗi bởi vì tất cả chỉ là một trò đùa hứng thú nhất thời, nhưng mọi thứ đều đã quá muộn.
Ngày 28/10/1998, khi đó thẩm phán Richard Knopf tuyên án anh 12 năm 3 tháng tù giam.
Sau khi đi tù, Shon làm việc tại thư viện của nhà giam. 6 tháng đầu, anh không hề động đến một quyển sách nào. Ban đầu anh đến thư viện làm việc chỉ là bởi vì việc sắp xếp sách nhẹ nhàng hơn phải rửa chén ở nhà bếp.
Cho đến năm 2000, anh mới mở quyển sách đầu tiên ra và đó là sách có liên quan đến luật pháp. Là bởi vì anh được biết Tòa án tối cao của Mỹ đã công bố các quy định mới, anh nghĩ có thể các pháp quy của liên bang cũng sẽ sửa đổi theo.
Anh chia sẻ với phóng viên Epoch Times rằng: “Khi đó, đột nhiên tôi có động lực muốn thay đổi số mệnh của mình, nếu được giảm án, tôi có thể ra ngoài sớm để làm lại từ đầu. Vì vậy, tôi bắt đầu đọc những quyển sách có liên quan đến pháp luật”.
“Có công mài sắt có ngày nên kim”
Từ sách vở, anh Shon biết được một số kiến thức pháp luật, thế nên anh đã tự mình viết một đơn kiến nghị. Tuy sau đó không được giảm án, nhưng lại gợi mở cho anh hứng thú đối với việc nghiên cứu pháp luật.
Khi được hỏi lý do vì sao anh lại bị pháp luật thu hút, anh Shon cho hay: “Từ việc đọc sách, tôi đã phát hiện ra pháp luật là một môn khoa học rất thú vị, giống như tằm không ngừng nhả tơ, hay không ngừng gợi mở câu đố vậy, ghép những mảnh ghép pháp luật lại với nhau một cách logic thật sự rất thú vị”. Thế là anh ngày càng để tâm đến việc nghiên cứu văn bản pháp luật và phân tích các vụ án, anh bắt đầu giúp những người bạn tù của mình viết đơn xin.
Bởi vì ngày càng có nhiều người tìm anh Shon giúp đỡ nên anh đã quên mất tên của người bạn tù đầu tiên nhờ anh viết đơn, nhưng anh lại nhớ rất rõ tên của người thứ hai nhờ anh giúp, bởi vì sau đó người này đã thật sự được giảm án. Người ấy tên là John Fellers, anh Shon sẽ mãi mãi không bao giờ quên cái tên này.
Mỗi năm, Tòa án tối cao của Mỹ đều nhận được hàng ngàn lá đơn xin, thường thì có không quá 100 người được giảm án, mà lá đơn xin thứ hai anh Shon viết giúp cho anh John lại chính là một trong số chưa đến 100 người ấy. Đối với anh Shon, điều này thật sự là một lời khích lệ mà Thượng Đế dành cho anh. Sau khi ra tù, anh Shon lại giúp hơn 30 người viết đơn xin.
Thông báo tiếp nhận của khoa Luật đã thay đổi cuộc đời anh
Vào năm 2009 khi anh Shon ra tù, bằng sự hiểu biết của mình về pháp luật, anh đã ghi danh vào khoa luật của trường Đại học Washington, kết quả là anh đã trúng tuyển. Sau khi ra tù, anh được nhận học bổng toàn phần của “Chương trình hỗ trợ dịch vụ pháp luật công cộng Gates” từ vợ chồng Bill Gates để đi học. Những tờ đơn xin mà anh viết trong tù là một chuyện, còn khi thật sự trở thành sinh viên khoa luật thì lại là việc hoàn toàn khác, Shon biết rằng số mệnh của anh đã bắt đầu thay đổi.
Năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho tòa án Janice Rogers Brown. Sau đó anh vượt qua kỳ thi chứng chỉ tư cách luật sư của tiểu bang Washington và trở thành luật sư vào năm 2015.
Hiện nay, anh là giáo sư của trường Đại học luật danh giá Georgetown.
Một trong những lớp mà anh Shon dạy là lớp “Luật nhà tù”, nhờ vào những kinh nghiệm bản thân khi còn trẻ nên anh có được “vũ khí bí mật” để giảng dạy, bởi vì các sinh viên đều muốn biết về trải nghiệm của anh trong tù cũng như việc anh thay đổi cuộc đời một cách thần kỳ.
Dù vậy, các sinh viên đều không để tâm đến quá khứ của anh mà chỉ tò mò về tâm lý của người bị ngồi tù cũng như tình hình thực tế trong tù.
Anh Shon biết khá rõ về vấn đề trạng thái tâm lý thay đổi ra sao trong quá trình một tội phạm bị bắt, bị phán xử và bị ngồi tù.
Anh nói: “Tôi biết những quyền lợi mà Hiến pháp dành cho những người thụ án, tôi cũng biết pháp luật gây ảnh hưởng gì đối với họ”, không phải giáo sư khoa luật nào cũng có thể giảng giải rõ ràng được những điều này.
Quyết tâm cải cách hệ thống nhà tù để đền đáp xã hội, khiến kẻ xấu trở thành người tốt
Chắc hẳn anh Shon là giáo sư luật duy nhất từng ngồi tù của Mỹ. Những lớp anh dạy ở trường Đại học Georgetown bao gồm “Tư pháp hình sự” và “Luật nhà tù”, nội dung bàn về vấn đề nhân quyền cơ bản của những người thụ án sau khi ngồi tù, ví dụ như quyền lợi về y tế và tự do ngôn luận.
Nhằm đền đáp xã hội, thường thì khi tan sở, anh Shon trở thành một người nhiệt tình thúc đẩy cải cách tư pháp hình sự và nhà tù. Vài tháng trước, anh còn nhiều lần đến thăm Nhà Trắng để xây dựng các mối quan hệ, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà lập pháp. Anh chủ trương giảm thời gian thụ án cho rất nhiều tội danh, điều quan trọng là phải để người chịu án nhận được những sự hỗ trợ tích cực hơn như bồi dưỡng nghề nghiệp, được chữa trị cai nghiện và tư vấn sức khỏe tâm lý…
Với sự nhiệt tình của anh trong việc cấp thiết cải thiện hệ thống nhà tù, có lẽ người bình thường sẽ hiểu lầm việc này là ý muốn của riêng anh. Nhưng anh cho hay, những giáo sư khoa luật mà anh gặp đều có suy nghĩ giống như anh. Đó chính là hệ thống cũ này đã không còn phù hợp với thời đại nữa, nhà tù khiến cho con người ta trở nên xấu đi có thể còn nhanh hơn trở nên tốt lên, bản thân điều này chính là vấn đề, việc tăng thời gian thụ án hoàn toàn không khiến kẻ xấu trở thành người tốt.
Anh Shon rất biết ơn các đồng nghiệp khoa luật đã luôn đối xử khoan dung với anh. Anh chưa từng phải chịu bất cứ sự kỳ thị nào vì quá khứ của mình. Anh càng biết ơn trưởng khoa luật trường đại học Washington, ông Kellye Testy đã đồng ý tuyển dụng anh, nếu không anh không thể nào có cơ hội được vào trường luật. Anh vô cùng cảm ơn khi gặp được rất nhiều quý nhân trên con đường làm lại cuộc đời, vì vậy từ tận đáy lòng, anh khao khát hệ thống nhà tù cần phải giúp người ta trở nên tốt hơn mới có ý nghĩa.
Anh Shon chia sẻ: “Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều sẽ nghĩ đây là thật ư?”. Hiện nay anh đang nỗ lực để giúp những người ngồi tù cũng có cơ hội làm lại cuộc đời giống như anh. Anh quyết tâm mang đến cơ hội xoay chuyển cuộc đời cho nhiều người hơn.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa tâm lý tội phạm Luật sư tội phạm kỳ tích cướp ngân hàng