Lòng can đảm: Tồn tại hay không tồn tại?
Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với định nghĩa về ‘lòng can đảm’. Theo từ điển Đại học Merriam-Webster, lòng can đảm là “một dạng sức mạnh tinh thần giúp nuôi dưỡng đức tính kiên trì, sự dấn thân và khả năng chống cự với những nỗi hiểm nguy, sợ hãi hay cả những khó khăn.”
Tại sao chúng ta lại bắt đầu bằng một khái niệm? Bởi vì con người hầu như không có thói quen định nghĩa một điều gì rõ ràng, nhất là với những điều gần gũi. Trong tiềm thức, chúng ta thường chỉ giữ những ý niệm mơ hồ về chúng. Ví dụ nhé, nếu tôi nói với bạn rằng ‘lòng can đảm’ và ‘lòng dũng cảm’ là hai khái niệm khác nhau, bạn có thấy lạ lẫm không? Chúng nghe có vẻ rất tương tự, nhưng thật ra không phải cùng một phẩm chất.
Lòng dũng cảm là đặc tính sẵn có của một người nào đó; trong tâm trí người dũng cảm, sự sợ hãi vốn không hề có chỗ trú chân. Người dũng cảm thường rất quả quyết và táo bạo. Trái lại, một người can đảm là người dù trong tâm trí họ vẫn còn chấp chứa nhiều lo sợ nhưng họ vẫn cố gắng tiến về phía trước. Lòng can đảm không phải là trạng thái mặc định của tinh thần, nó là nỗ lực khi một người dám mạo hiểm vượt qua rào cản của bản thân vì một lý do xứng đáng nào đó.
Truy tìm về nguồn gốc của hai khái niệm này, ‘dũng cảm’ (brave) xuất phát từ chữ “bravo” trong tiếng Ý, có nghĩa là sự nguyên sơ và hoang dã. Còn ‘can đảm’ (courage) lại đến từ tiếng Pháp, “coeur” có nghĩa là trái tim.
Còn trong tiếng Việt chúng ta, có phải bạn vẫn thường nghe nói rằng ai đó cần “lấy hết can đảm” để làm gì đó, chứ hiếm khi nghe thấy ai đó cần “lấy hết dũng cảm”? Bởi vì so với lòng dũng cảm thì lòng can đảm đòi hỏi nhiều cố gắng hơn.
Hầu như không phải ai sinh ra cũng là một người dũng cảm; và sự dũng cảm “hoang sơ” không biết sợ hãi là gì ấy cũng chưa hẳn là điều tốt.
Nguồn cơn của những nỗi sợ hãi có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, mà tâm trí chúng ta lại thường dễ bất an. Vậy làm thế nào để bản thân trở nên can đảm hơn?
Đối mặt với nỗi sợ hãi
Cách nhanh nhất để vượt qua một điều gì đó là hãy đối mặt với nó. Bạn phải chế ngự nỗi sợ hãi của mình, kiểm soát nó và từ đó hạ thấp nó. Mỗi khi bạn cần bắt đầu một công việc quan trọng và khó khăn, không nghi ngờ gì nữa, sự hoảng loạn sẽ ùa đến. Sợ hãi thường là tín hiệu kèm theo trước những thời khắc quyết định. Và lúc này, bạn phải biết cách triệu tập sức mạnh to lớn bên trong mình, sử dụng từng “nơron” ý chí để khuất phục cảm giác sợ hãi. “Cuộc chiến” không khoan nhượng này thực chất chỉ cần diễn ra trong tâm trí. Và một khi hành động bắt đầu, bạn sẽ có đủ can đảm để tiến về phía trước, còn nỗi sợ sẽ lùi về sau.
Huấn luyện tâm trí
Làm sao bạn có thể đối mặt với một thứ khi bạn thậm chí còn không nói rõ được cụ thể nó là gì? Thay vì để nỗi sợ cứ mãi là những bóng ma vô hình lởn vởn trong tâm trí, bạn hãy lập một danh sách và đặt tên cho từng mối lo âu của mình. Hãy chủ động “huấn luyện” bản thân để đến lúc phải đối mặt với nỗi sợ hãi, bạn có thể tự xử lý chúng. Giả sử bạn sợ đứng nói chuyện trước đám đông, vậy không còn cách nào hiệu quả hơn việc bạn hãy tự đứng trên sân khấu và tập làm một diễn giả. Cố gắng từng chút một, bắt đầu từ những nhóm khán giả nhỏ rồi thuận theo sự tiến bộ của bản thân, bạn có thể chuyển sang những đối tượng lớn hơn.
Cái tâm của chúng ta thường thích bận rộn. Nếu không có việc gì làm chúng sẽ nghĩ ra những câu chuyện, vẽ lên một số kịch bản thái quá mà dĩ nhiên sẽ chẳng bao giờ xảy ra rồi tự đi tìm những lời bào chữa. Khi bạn huấn luyện được tâm trí mình và bắt tay vào hành động thay vì nghĩ ngợi lung tung, bạn sẽ thấy chẳng có kịch bản nào trong số chúng diễn ra trong thực tế. Lúc này cái tâm sợ hãi của bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận để bạn tiến về phía trước. Hãy tự hỏi mình, rốt cuộc bạn sợ điều gì? Càng hiểu rõ về nguồn gốc của những nỗi sợ hãi trong tâm, bạn sẽ càng ít thấy sợ hơn.
Rèn luyện
Lòng can đảm cũng giống như những bắp cơ trên thân thể, nếu bạn không liên tục tập luyện chúng sẽ yếu dần đi. Lòng can đảm cần được nuôi dưỡng tương tự cách một bộ não cần được liên tục cung cấp kiến thức. Những nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ sẽ giúp bạn “thuần hóa” nỗi sợ của mình.
Giả sử bạn là thành viên trong một dàn nhạc giao hưởng và bạn cần phải biểu diễn cho những đối tượng khán giả rất khó tính. Vậy thì hãy cố gắng tự làm quen với dàn âm thanh trên sân khấu ấy và tập luyện liên tục mỗi ngày. Cảm giác quen thuộc sẽ giúp làm dịu thần kinh của bạn vào ngày biểu diễn.
Tập trung
Tập trung cao độ vào những gì bạn đang làm, đừng suy nghĩ viển vông, đừng mường tượng lung tung, đừng mãi lẩn quẩn quanh cái tôi của bản thân. Tại sao bạn quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nghĩ về bạn? Chính bởi vì bạn quan tâm quá nhiều đến bản thân mình. Điều này dễ dẫn đến một loại trạng thái tâm lý phức tạp được gọi là “phức cảm tự ti”.
Hãy tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Liên tục rèn dũa và cố gắng nhất có thể. Khi bạn chạm đến một ngưỡng hiệu suất nhất định, khán giả tự nhiên sẽ chào đón bạn. Điều này là thành quả đến từ sự tự tin chân chính mà bạn đã dày công xây dựng.
Đức tin
Rất nhiều người lựa chọn gửi gắm tâm linh của mình vào một đức tin. Chính niềm tin vững chãi ấy có thể giúp phục hồi sự can trường bên trong mỗi chúng ta. Khi một tín đồ ủy thác bản thân cho một Đấng quyền năng và họ cảm thấy an toàn dưới sự bảo hộ của vị Thần ấy, khi họ thật sự tin vào quy luật nhân quả giữa cái thiện và cái ác thì họ sẽ có đủ động lực để tiến bước dù có bao nhiêu sợ hãi bủa vây. Cái chết, điều được xem là nỗi sợ vĩnh hằng của loài người, cũng không thể nào giữ được chân các tín đồ. Bởi vì họ thật sự tin rằng, vị Thần của họ vẫn sẽ chăm sóc cho họ ở thế giới bên kia.
Như một bài trắc nghiệm tâm lý, thỉnh thoảng bạn hãy thử làm điều gì đó mà bản thân bạn cảm thấy sợ hãi xem, thử kiểm tra cảm xúc của bản thân đang ở mức độ nào. Bởi vì như đã nói, khi bạn đã biết rất rõ về điều gì đó thì bạn sẽ dễ dàng đối mặt với nó hơn.
Theo Vision Times
Đỗ Hoàng biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa sợ hãi lòng dũng cảm Lòng can đảm