Ngọc trai – trang sức thể hiện sự kính trọng trong lễ tang Hoàng gia
- Trà Vân
- •
Trong suốt cuộc đời của mình, Nữ hoàng Elizabeth II luôn xuất hiện trong bộ trang phục lịch sự, nhã nhặn và quý phái. Điểm nhấn của các bộ trang phục là món nữ trang sang trọng mà có lẽ hầu hết chúng ta luôn nhìn thấy – đó chính là ngọc trai. Và đây cũng là “ngọc quý” đặc biệt được lựa chọn đeo trong tang lễ Hoàng gia, nhằm thể hiện sự kín đáo và tôn trọng đối với người đã khuất.
(Tân Vương phi xứ Wales đeo bông tai ngọc trai trong lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Getty Images)
Vào buổi lễ tang cấp nhà nước của Nữ hoàng Anh tại Tu viện Westminster vào thứ Hai (ngày 19/9) giờ địa phương, để bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng của Hoàng gia đối với bà, những phụ nữ tham dự sẽ đeo trang sức trang trọng này.
Các thành viên nữ trong dòng tộc đã tuân theo nghi thức Hoàng gia một cách thận trọng kể từ khi Nữ hoàng qua đời vào ngày 8/9 vừa qua. Họ mặc đồ đen, thường có mạng che mặt và sử dụng trang sức làm bằng ngọc trai và kim cương. Vậy tại sao ngọc trai lại trở thành một “viên ngọc quý” đặc biệt được lựa chọn đeo trong tang lễ Hoàng gia?
Tác giả và nhà sử học về trang sức Vivienne Becker cho biết: “Đây là một truyền thống có lịch sử nối liền hàng thế kỷ của Hoàng gia. Ngọc trai mang một màu sắc trang nhã, không quá nổi bật hay lấp lánh nhưng chúng lại ẩn chứa một sắc màu sáng trắng sang trọng và lịch thiệp. Bằng cách chọn chúng, người đeo đang thể hiện sự kín đáo và tôn trọng đối với người đã khuất.”
Ngọc trai tự nhiên được sinh ra bên trong phần vỏ của loài động vật thân mềm. Đây là một tuyệt tác quý hiếm của thiên nhiên đã mê hoặc con người từ thời cổ đại. Người Hy Lạp tin rằng ngọc trai được tạo ra từ nước mắt của các vị Thần. Trong văn hóa Ấn Độ, ngọc trai được liên tưởng với mặt trăng, tượng trưng cho trí tuệ và sự thuần khiết. Theo truyền thống Trung Hoa, một viên ngọc trai mang ý nghĩa bảo vệ cho con người.
Nhà thiết kế chuyên về trang sức ngọc trai cho thương hiệu Melanie Georgacopoulos và Tasaki, cô Melanie Georgacopoulos cho biết: “Thật thú vị khi ngọc trai mang nhiều hàm nghĩa trên khắp các nền văn hóa thế giới. Chúng là biểu tượng của sự thanh lịch tinh tế và mọi người có thể liên tưởng đến điều đó dù họ đến từ bất kỳ nơi nào.”
Trong thời kỳ Phục hưng, vì sự quý hiếm và giá trị của ngọc trai, chúng đã trở thành những viên ngọc quý gắn liền với sự giàu có và giai tầng cấp cao trong xã hội. Đối với Nữ hoàng Elizabeth I, bà muốn thể hiện hình ảnh của mình với tư cách là một Nữ hoàng trinh khiết, vậy nên ngọc trai đại diện cho sự thuần khiết và trong trắng, cũng như một hình ảnh truyền tải sự giàu có và quyền lực tối cao của bà.
Tuy nhiên, phải đến triều đại của Nữ hoàng Victoria thì ngọc trai mới trở thành một phần của các buổi lễ quốc tang của Hoàng gia. Bà mất đi người chồng yêu dấu của mình, Hoàng tử Albert, khi bà mới chỉ 42 tuổi vào năm 1861. Bà đã dành quãng đời còn lại của mình để tang chồng trong gần 40 năm. Cũng từ câu chuyện này của bà mà các quy tắc trong lễ tang Hoàng gia đã trở nên nghiêm ngặt và long trọng hơn.
Theo Clare Phillips, người phụ trách trang sức tại Bảo tàng Victoria và Albert đã viết trong cuốn sách Nữ trang và trang sức (Jewels and Jewellery) của mình rằng: “Các nghi thức trong tang lễ Hoàng gia trở nên khắt khe hơn từ thế kỷ thứ 19. Vào những năm 1860, trang phục để tang sẽ thường là màu đen với các món trang sức có màu sắc thiên về ánh đen. Dần dần, các quy tắc được thay đổi bằng món trang sức ngọc trai và kim cương, sau cùng hiện tại là đá màu.”
Phần lớn các thành viên Hoàng gia đều được dùng ngọc trai tự nhiên, không phải loại ngọc trai được nuôi cấy theo công nghiệp. Bản thân Nữ hoàng Elizabeth đã đeo chúng trong buổi lễ tang của cha bà, Quốc vương George VI sau khi ông qua đời vào tháng Hai năm 1952. Quốc vương mới lên ngôi đi cùng mẹ của bà, Nữ hoàng Mary đến thăm linh cữu của cha ông tại nhà ga Kings Cross, tất cả đều mặc trang phục màu đen và thoáng thấy một ánh sáng mềm mại của ngọc trai dưới tấm mạng che mặt của họ.
Công nương Diana của xứ Wales đã chọn ngọc trai khi bà tham dự lễ tang của Công nương Grace xứ Monaco, người đã chết thảm khốc trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1982. Công nương Diana cũng chọn một chiếc vòng cổ ngắn điểm các viên ngọc trai lớn khi bà tham dự đám tang của nhà thiết kế thời trang danh tiếng người Ý Gianni Versace sau khi ông bị sát hại vào tháng 7/1997.
(Công nương Diana đeo ngọc trai trong lễ tang của Công nương Grace của Monaco. Ảnh: Getty Images)
Nữ công tước xứ Cambridge đã đeo một chiếc vòng cổ ngọc trai trong tang lễ của Hoàng thân Philips vào tháng 4/2021. Đây là một chiếc vòng ngọc trai và kim cương có 4 sợi của Garrard, trong đó ngọc trai được chính phủ Nhật bản tặng cho Nữ hoàng vào những năm 1970.
Vào ngày 14/9, Nữ công tước Catherine đã kết hợp màu đen tang lễ với ngọc trai và kim cương lá kim khi cô tham dự buổi lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II tại Westminster. Vương phi xứ Wales này cũng đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng khi đeo một đôi bông tai làm bằng ngọc trai và kim cương. Đây là món trang sức vốn ban đầu là món quà từ nhà trang sức Collingwood dành tặng cho Công nương Diana trong đám cưới của bà và Thái tử Charles năm 1981.
Trong buổi tang lễ, Nữ công tước xứ Sussex đã kết hợp ngọc trai cùng với trang phục màu đen. Cô đã chọn món trang sức dạng hạt do Nữ hoàng ban tặng.
Hoàng hậu Camilla đã chọn đeo một đôi hoa tai ngọc trai và chiếc vòng cổ ngọc trai bốn sợi để bày tỏ lòng tiếc thương và sự kính trọng đối với Nữ hoàng.
Trong quá trình đưa linh cữu của Nữ hoàng từ Scotland đến London, Công chúa Anne đã đeo một đôi bông tai ngọc trai của nhà thiết kế Andrew Grima- món quà của Nữ hoàng và Thân vương Phillips dành tặng cho bà. Bà cũng đã đeo đôi bông tai này trong lễ tang của cha mình – Hoàng thân Phillips vào năm ngoái 2021. Trong buổi lễ tang của Nữ hoàng đang diễn ra vào ngày 19/9, Công chúa Anne đã mặc trang phục Hải quân Hoàng gia theo nghi thức của buổi lễ cùng với đôi bông tai đính hạt ngọc trai nhỏ đơn giản.
(Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ tang của Công nương Diana. Ảnh: Getty Images)
Khi gia đình Hoàng gia chuẩn bị để Nữ hoàng yên nghỉ, nhà thiết kế Georgacopoulos đã tự hỏi chính mình liệu chiếc váy đen và ngọc trai trắng trong lễ tang có phải là cách kết hợp để thể hiện nỗi buồn khi mất đi người thân yêu với tấm lòng biết ơn với cuộc sống mà họ đã được ban tặng. Khi thế giới đang tạm biệt vị vua trị vì nước Anh lâu nhất và chuẩn bị hướng tới một triều đại mới của Thái tử Charles, “ngọc trai đã trở thành một phần đại diện cho sự kết thúc một điều cũ và khởi đầu cho một điều mới khác.”
Từ khóa trang sức Công nương Diana Nữ hoàng Anh Ngọc trai Nữ hoàng Anh Elizabeth II tang lễ Nữ hoàng Anh tang lễ hoàng gia