Những người giàu trí tuệ cảm xúc (EQ) thường có nhiều thành công trong cuộc sống vì họ luôn khiến người xung quanh cảm thấy dễ chịu và an toàn. Ngược lại, người có chỉ số EQ thấp không chỉ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ giữa các cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chính họ.

EQ
Người có EQ thấp thường thích trên cơ, lấn lướt người khác, thích thể hiện bản thân và tranh phần thắng khi tranh luận. (Ảnh: Sergey Nivens/ Shutterstock)

Có thể thấy, “trí tuệ cảm xúc thấp” luôn là một chủ đề chưa bao giờ hết nóng và nó cũng là một vấn đề nhức nhối của nhiều người.

Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về vấn đề EQ thấp này. Và dưới đây sẽ là một số biểu hiện để bạn có thể hình dung ra nó một cách dễ dàng hơn.

1. Luôn cố gắng qua mặt người khác

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không khó để nhận thấy có một số người luôn muốn tranh cãi đúng sai trong mọi việc, dù người khác nói gì họ cũng sẽ bác bỏ và không bao giờ chịu nhượng bộ trong lời nói. Một người như vậy, nếu dùng một cụm từ để miêu tả thì chắc hẳn sẽ là “thùng rỗng kêu to”.

Có thể nói rằng việc liên tục cố gắng qua mặt người khác bằng lời nói là hành vi kém thông minh nhất về mặt cảm xúc của con người. 

Có một câu chuyện thú vị nơi làm việc như thế này: Một sinh viên tốt nghiệp trường đại học danh tiếng với thành tích học tập xuất sắc, sau khi đi làm, anh ta cũng biểu hiện rất tốt ở nơi làm việc. Mỗi khi bộ phận tổ chức họp và khi sếp hỏi ý kiến, anh ta đều có thể thoải mái nói và có chính kiến ​​của mình. Và tất nhiên sếp đã đánh giá rất cao về anh ta.

Tuy nhiên, các đồng nghiệp lại không thích anh ta, đặc biệt là khi cần điều phối mọi thứ. Không chỉ những người từ các bộ phận khác mà ngay cả những người cùng một bộ phận cũng ít ai sẵn lòng cùng anh ta phối hợp. Lý do là vì anh ta luôn muốn “trên cơ”, thích chèn ép người khác bằng chỉ số IQ, tài hùng biện và khả năng của mình. Bất cứ khi nào không đồng ý với người khác, anh ta sẽ phải nói cho đến khi bên kia “á khẩu” mới thôi.

Sau khi qua lại và tiếp xúc. Dường như không ai muốn kết thân, không muốn hợp tác với anh ta trong công việc, lại càng không muốn nghe anh ta chỉ huy.

Có thể thấy, khi một người luôn muốn chiếm ưu thế với người khác về lời nói, thì mục đích lời nói của họ không còn là để giao tiếp, mà là để khoe khoang và chiến thắng.

Không bao giờ nhượng bộ trong lời nói thực sự là một hành vi rất nguy hiểm. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như bạn đã thắng trong trận chiến ngôn từ này rồi. Nhưng thực tế bạn đã đánh mất tình cảm của mọi người và chỉ nhận lại sự xa lánh mà thôi.

Người có chỉ số EQ cao không những sẽ không dùng lời nói của mình để lẫn át người khác, mà họ còn biết nhận thua đúng thời điểm.

2. Thích chọc vào nỗi đau và vạch trần những vết sẹo của người khác

shutterstock 1443736121
Những người biết vết sẹo của người khác mà vẫn vạch trần chúng, ngoài việc thể hiện ra trí tuệ cảm xúc thấp kém của bản thân, họ còn thể hiện rằng khả năng tự tu dưỡng của mình là cực kỳ kém. (Ảnh: fizkes/ shutterstock)

Có một kiểu người luôn thích chọc vào nỗi đau hay vạch trần những vết sẹo của người khác và cảm thấy rất cao hứng. Việc họ thích làm nhất chính là dùng lời nói khiến người khác cảm thấy đau lòng để làm thú vui cho mình. Nhưng một khi bạn trách móc họ, họ sẽ quay lại chất vấn và chỉ trích rằng bạn là người không biết đùa giỡn.

Có lẽ ai cũng đều chất chứa những nỗi niềm riêng tư của chính mình, và có những thứ nặng nề đến mức họ không muốn chạm vào một lần nữa.

Những người biết vết sẹo của người khác mà vẫn vạch trần chúng, ngoài việc thể hiện ra trí tuệ cảm xúc thấp kém của bản thân, họ còn thể hiện rằng khả năng tự tu dưỡng của mình là cực kỳ kém.

Người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không xát muối vào vết thương của người khác. Thay vào đó, họ sẽ luôn quan tâm đến cảm xúc của mọi người, đây chính là điểm tốt nhất ở người có trí tuệ cảm xúc cao.

3. Không thể hiểu những gì người khác đang nói

Người có chỉ số EQ cao là người có đôi mắt và đôi tai nhạy bén, họ có thể nghe được những gì người khác nói và đưa ra những phán đoán chính xác về tâm lý của đối phương. Mọi người đều sẽ cảm thấy thoải mái và khá dễ dàng để giao tiếp với những người như vậy.

Ngược lại, người có trí tuệ cảm xúc thấp thường dùng suy nghĩ của mình mà suy đoán người khác, không những không nhìn ra sắc thái biểu cảm, mà còn không hiểu được người khác đang nói gì. Do đó rất khó để giao tiếp với một người như vậy.

Mặc dù không ai sinh ra là đã có trí tuệ cảm xúc cao. Nhưng nó có thể được trau dồi trong quá trình trưởng thành. Nếu bạn có những dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc thấp nêu trên, thì cũng đừng nản lòng. Từ hôm nay hãy sửa sai kịp thời và ghi nhớ điều đó, chắc chắn theo thời gian bạn sẽ có thể trở thành người có trí tuệ cảm xúc cao.

Trúc Nhi/ Theo Sohu Tình thương dạ độc

  • Mời xem video: Thông minh vĩnh viễn không bù đắp được thiếu hụt đạo đức