“Mẹ chồng nàng dâu” luôn là chủ đề nóng ở nhiều gia đình. Nhất là khi nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ, người đàn ông luôn ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bên hiếu bên tình, biết chọn ai?

me chong va nang dau 2
Cả hai người phụ nữ đều có sự lệ thuộc vào cùng một người đàn ông mà họ coi là quan trọng trong cuộc đời mình. Người đàn ông tốt sẽ biết cân bằng giữa chữ Hiếu và chữ Tình. (Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

Sống chung dưới một mái nhà, giữa mẹ chồng và nàng dâu khó mà tránh hỏi nảy sinh các vấn đề. Con dâu thì phàn nàn rằng mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào việc nuôi dạy con cái; không công bằng giữa con gái và con dâu; mẹ chồng coi trọng con trai trong mọi việc; cảm thấy quyền riêng tư của mình bị xâm phạm; mẹ chồng không coi trọng gia đình nhà con dâu. Còn mẹ chồng lại phàn nàn rằng con dâu không hiếu thảo với bố mẹ chồng, không làm việc nhà, thích tiêu tiền, v.v.

Có thể nói rằng sự thay đổi của thời thế và sự chênh lệch về giá trị quan giữa hai bên chính là nguyên nhân khiến vấn đề mẹ chồng nàng dâu trở nên khó giải khai.

Các tài liệu trước đây đã chỉ ra rằng nếu mẹ chồng có những đặc điểm sau thì thường ít gặp vấn đề mâu thuẫn: Mẹ chồng không can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con cái, không cứng nhắc theo ý kiến ​​riêng của mình, không áp đặt con dâu với thái độ “người từng trải”, mà ngược lại họ thường sẽ có sự đồng cảm, cho con dâu không gian tự do và cuối cùng là nguyện ý cùng các con cố gắng xây dựng vun vén tốt mối quan hệ.

Còn con dâu, là phận con nên tất nhiên cần chủ động và tích cực giao tiếp với mẹ chồng để giải quyết những hiểu lầm, hơn nữa còn cần ân cần quan tâm đến mẹ. Khủng hoảng có thể xảy ra, nhưng nếu con dâu không so đo tính toán, mà ngược lại có thể coi trọng lòng tốt của mẹ chồng thì mối quan hệ giữa hai bên chắc chắn sẽ hài hòa.

Vai trò của người chồng

Để giải quyết vấn đề giữa mẹ chồng nàng dâu, ngoài việc là hai bên cùng lùi lại một bước và mở rộng tấm lòng thì người chồng cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Người chồng lúc này chính là chiếc cầu nối tốt nhất giúp hai mẹ con giảm bớt hiểu lầm. Trên thực tế thì những vấn đề ẩn giấu đằng sau cuộc chiến giữa mẹ chồng và con dâu cũng thường là rào cản trong giao tiếp giữa vợ chồng.

Kỹ năng giao tiếp tích cực nhưng không thiên vị của người chồng có thể giúp xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa mẹ chồng và con dâu.

Ví dụ, việc tranh luận trực tiếp với mẹ sau khi nghe lời phàn nàn từ vợ là không thích hợp, vì điều này sẽ làm xung đột trở nên trầm trọng hơn. Thay vì vậy hãy bày tỏ ý kiến ​​​​của mình với mẹ bằng một cuộc trò chuyện thoải mái, cởi mở, khéo léo dựa trên những lời phàn nàn của vợ mà nói chuyện cùng mẹ với một thái độ công bằng và hòa ái. Đặc biệt kiêng kỵ việc người chồng biểu đạt sự thiên vị hay bênh vực vợ hoặc mẹ trước mặt người còn lại.

Ngược lại, nếu người chồng có thái độ không liên quan gì đến vấn đề, trốn tránh hoặc đơn giản là dựng một bức tường phòng thủ và yêu cầu vợ kiên nhẫn thì có thể khiến người vợ rơi vào trạng thái cô lập, bất lực. Từ đó, làm sâu sắc thêm sự oán giận giữa hai bên, cuối cùng sẽ đẩy mâu thuẫn lên cao trào.

Đó thực sự không thể là mẹ và con gái

me chong va nang dau 1
Con dâu và mẹ chồng vốn là hai người xa lạ về ở chung một nhà. Nếu như đôi bên không hiểu Đạo thì sẽ gây ra những bất hòa, khiến gia đình ngột ngạt và khó có thể bình yên. (Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

Mẹ chồng và con dâu vốn là hai người từ hai thế giới khác nhau và không có mối quan hệ huyết thống máu mủ nào cả. Dưới quan niệm hiện đại, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu chỉ có thể là cố gắng tôn trọng lẫn nhau chứ khó có thể tình cảm thắm thiết giống như mẹ con.

Nếu người chồng nhận ra rằng mẹ và vợ có những giá trị và quan điểm rất khác nhau thì thực sự không cần thiết phải ép họ bất đắc dĩ mà phải làm các việc cùng nhau.

Vợ chồng không chỉ thông qua tình yêu, mà vẫn còn rất nhiều điều cần điều chỉnh trong cuộc hôn nhân. Bản thân người chồng cũng cần thường xuyên điều chỉnh, cư xử thật khéo léo để duy trì sự bình yên trong gia đình.

Tôn trọng và hạn chế xảy ra xung đột

Có thể bạn cũng nhận ra rằng, cho dù vợ chồng có bất hòa tới đâu thì cũng sẽ sớm qua đi. Nói không chừng sau mỗi lần tranh luận lại hiểu nhau hơn, tình cảm vợ chồng còn thêm mặn nồng.

Nhưng mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu thì khó mà được như vậy. Bất kể là nguyên nhân gì thì mọi người cũng đều cảm thấy con dâu là vấn đề của sự việc. Từ đó con dâu dù có bất bình lớn đến đâu cũng phải nhẫn nhịn. Nếu kìm nén như vậy thì họ sẽ không thể mở lòng và sẽ càng khó có thể hòa thuận với mẹ chồng. Con dâu nhìn mẹ chồng không hài lòng, mẹ chồng nhìn con dâu ưng không ưng ý, dần dần khoảng cách giữa hai người sẽ ngày càng bị nới rộng ra.

Sự khác biệt giữa các thế hệ rất khó thay đổi trong một thời gian ngắn. Việc hai bên yêu thương nhau như mẹ con là điều không thể nhưng thực ra họ có thể làm tốt vai trò trong mối quan hệ như họ hàng thân thích. Tìm cách chung sống hòa bình là điều tốt.

Nếu thực sự không mang lại tác hại gì thì đôi khi việc nhắm mắt làm ngơ để mọi người được tận hưởng cảm giác tự do của bản thân, thì mối quan hệ trong gia đình sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ thực sự rất biết ơn sự ủng hộ của bố mẹ chồng, điều này làm cho việc nuôi dạy con cái vốn vất vả sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sự giúp đỡ tích cực từ người lớn tuổi sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ hơn nữa cho giới trẻ.

Nếu việc giải hòa trong giao tiếp không hiệu quả và không thể tránh khỏi xung đột thì cố gắng giảm phát sinh thêm vấn đề cũng là một điều tốt!

Nếu mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu tốt thì người chồng chắc chắn là đóng vai trò then chốt. Kết hôn có nghĩa là hình thành một gia đình mới và nỗ lực xây dựng sự bền vững dựa trên phép tắc ứng xử là điều vô cùng quan trọng.

Vì vậy, các anh chồng ơi, đừng bao giờ nghĩ rằng mình chỉ là lớp kem mềm vô tội giữa hai chiếc bánh quy cứng, giống như thể đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà không thể làm gì được. Khi mắc kẹt giữa mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, người đàn ông hãy dùng tình yêu để cân bằng mối quan hệ giữa hai người phụ nữ mình yêu thương nhất nhé!

Tuệ Di t/h