Người thực sự thông minh sẽ không “đối nghịch” với người khác
- Trúc Nhi
- •
Mỗi người đều có quan điểm và nhìn nhận khác nhau. Do đó chúng ta không thể hy vọng người khác hiểu mình, cũng đừng cố gắng đi hiểu người khác một cách gượng ép. Cách tốt nhất để dung hòa chính là sự tôn trọng và bao dung! Thế nên người ta mới nói rằng người thực sự thông minh sẽ không “đối nghịch” với người khác.
1. Muốn thay đổi người khác thực chất là đang làm khó chính mình
Rất nhiều người có thói quen như thế này: Khi người khác nói một câu thì bản thân phải đáp lại vài câu, còn khi người khác làm gì đó cảm thấy không thuận mắt thì vội vàng “uốn nắn”.
Mỗi người ít nhiều cũng đều có tính nóng trong người, cho nên đôi khi giọng điệu cảm xúc của người khác dễ khiến bản thân nổi giận. Khi không thích một người nào đó, bạn sẽ cảm thấy người đó nói gì hay làm gì cũng như là đang “đổ thêm dầu vào lửa”, rất là khó chịu.
Có người nói: “Kỷ luật tự giác lớn nhất của người trưởng thành chính là kiềm chế việc bản thân thích đi uốn nắn người khác!”
Nếu người khác nói sai, lời nói và việc làm không đúng đắn, thì đó là do họ nhất thời không kiểm soát được cái khẩu khí của mình. Nhưng nếu chỉ vì như vậy mà bạn cảm thấy chán nản thì chứng tỏ rằng bạn đã trở thành một “cái bao thu gom tất cả mọi thứ”, chẳng phải tự bản thân sẽ ôm về rất nhiều cảm xúc tồi tệ hay sao?!
Muốn thay đổi người khác thực ra là đang tự làm khó mình. Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, những quan điểm cũng sẽ không hoàn toàn giống nhau, giống như trên cây không thể có 2 chiếc lá giống nhau. Do đó bạn đừng mong người khác hiểu mình, cũng đừng ép buộc mình phải hiểu người khác, hãy đối diện với mọi người bằng tâm thái “chúng ta là không giống nhau”.
Một người thực sự thông minh sẽ không “đối nghịch” với người khác. Có thể làm cho người khác hài lòng thuận ý, cùng sống chung hòa thuận mới là điều đúng đắn nhất.
2. Đem lại sự thoải mái cho người khác cũng là một loại giáo dưỡng
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, Daniel Gorman đã từng nói: “Bạn có thể khiến người khác thoải mái đến đâu là đều phụ thuộc vào năng lực của bạn.”
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những tình huống như thế này: Ở trạm xe buýt, có người luôn chen ngang khi xếp hàng và còn nói rất to, căn bản cũng không quan tâm là đang có người già và trẻ nhỏ ở đó; ở trên tàu, bạn đã mua một chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ, nhưng lại bị người khác tới chiếm mất chỗ, hơn nữa lại còn không muốn đổi lại cho bạn; hay là trong thư viện, ai đó đang xem video trên điện thoại di động và mở âm thanh rất lớn, v.v.
Tất cả đều là thói quen sinh hoạt của bản thân gây ảnh hưởng đến cảm xúc và khiến người khác cảm thấy khó chịu. Bề mặt là có thái độ “thích gì làm nấy”, hơn nữa lại còn cảm thấy rất thoải mái, nhưng thực tế lại không biết rằng bản thân đang “xúc phạm” người khác và đang tạo ra một tấm gương xấu.
Không thể phủ nhận là ai cũng có tính khí nóng nảy, nhưng cũng không nên lấy lý do rằng mình là người nóng tính mà tùy ý làm người khác khó chịu. Khi tiếp xúc với người khác, ai có thể kiềm chế được tính nóng nảy của mình thì người đó sẽ vượt trội hơn người khác.
Một người có giáo dưỡng sẽ hiểu rằng “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, khách khứa thuận theo chủ nhà. Hãy để bản thân có thể hòa hợp được với môi trường xung quanh, hòa hợp được với một tập thể lớn, khi này bạn sẽ gặp được thuận lợi mọi bề.
Một người có học sẽ không bao giờ tranh cãi với người khác bất cứ lúc nào và không biết điểm dừng. Nếu người khác không hợp lý, họ sẽ im lặng và để người khác thắng. Không cần phức tạp hóa vấn đề, điều này chỉ là phí lời mà thôi, bởi vì thời gian sẽ cho cả hai câu trả lời thích đáng nhất.
Khi làm bất cứ điều gì, hãy nghĩ xem nó có giá trị và có ý nghĩa hay không, nếu nó vô nghĩa thì thà buông bỏ còn tốt hơn. Bạn càng buông bỏ nhiều thứ, càng buông bỏ nhiều mối quan hệ không cần thiết, thì những người xung quanh khi tiếp xúc với bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái.
Nếu bạn không có thái độ chống đối người khác, thường là do bạn đã hiểu được sự khôn ngoan của việc “thuận theo tự nhiên”. Để mọi thứ thuận theo dòng chảy là điều khiến người khác và bản thân được thoải mái nhất. Hãy cùng người hòa đồng, nhường nhịn, khi ấy thế giới của bạn tự nhiên sẽ rộng mở.
3. “Đối nghịch” với người khác chẳng khác nào đang “vạch lá tìm sâu”
Có một câu chuyện nhỏ như thế này: Một người phụ nữ đến chùa dâng hương, cô đột nhiên thấy rằng có một số mảnh sơn trên tượng Bồ tát đã rơi ra. Người phụ nữ nói với vị trụ trì trong chùa rằng: “Hãy nhìn xem, lớp sơn trên người Bồ Tát đã bong ra, làm sao Ngài có thể bảo hộ cho người khác?”
Người chủ trì nói: “Chỉ cần giữ Bồ Tát trong lòng, chỉ cần trong tâm có Phật, thì ai cũng sẽ được bảo hộ.”
Người phụ nữ lại nói: “Ông chỉ nói xạo, hơn nữa chính là đang phá hỏng phong thủy trong chùa. Mấy ngày nữa, hãy nhanh chóng tìm người tu sửa tượng đi, vậy mới là đúng.”
Khi thấy người phụ nữ dây dưa mãi không thôi, vị chủ trì không còn cách nào khác là đành từ bỏ và không tranh luận với cô. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn cố chấp “ép” ông phải thừa nhận sai lầm của mình.
Có câu nói: “Nhân vô thập toàn.” Bức tượng Bồ tát là do một tay con người tạo ra, do đó nó cũng sẽ có những khiếm khuyết nhỏ và không hoàn hảo. Trăm người nhìn bức tượng, thì trăm điểm nhìn thấy có thiếu sót.
Nếu bạn luôn muốn đối nghịch với người khác, chẳng phải bạn đang cho phép hạt cát rơi vào mắt mình, nếu như càng chà xát mạnh, sẽ lại càng đau. Nhưng bạn có biết rằng cát trong mắt bạn không phải do gió thổi vào mà đó là chính bạn đưa vào, đây chẳng phải là ngốc nghếch sao?
Người thực sự thông minh sẽ không “đối nghịch” với người khác, khi nhìn thấy khuyết điểm của người khác cũng biết cách “nhắm mắt làm ngơ” coi như mình chưa thấy gì.
Hòa đồng, nhiệt tình và thiện ý nhắc nhở người khác thì không sao, nhưng cố chấp vạch sẹo, tìm moi khuyết điểm của người khác thì quá là thô lỗ rồi.
Đánh người không tát vào mặt người, vạch người không vạch khuyết điểm. Một người không chịu buông tha cho người khác, kỳ thực là trong lòng có đầy oán hận, ánh mắt cũng đầy căm hờn. Nhưng họ không biết rằng điều đó chính là đang hủy hoại chính mình, những người như vậy liệu sức khỏe và tâm trạng có tốt được chăng?
4. Không “đối nghịch” với người khác là một loại trí tuệ cảm xúc cao đẹp
Ở nơi làm việc, trí tuệ cảm xúc (EQ) mới là điều quyết định bạn có được thăng tiến hay không.
Bất kể là bạn có năng lực đến đâu nhưng nếu không biết cách cư xử với người khác, bạn sẽ không được cấp trên đánh giá cao, đồng nghiệp cũng sẽ không nguyện ý hòa đồng với bạn. Nếu ai đó nói một chút về bạn, bạn liền muốn quay lại nói cho ra lẽ, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng bạn chẳng có chút khiêm tốn nào, thậm chí còn dễ bị người khác lợi dụng.
Ví dụ như khi đồng nghiệp đang tán gẫu cùng nhau, có người cố ý nói bóng gió khiến bạn rất bực mình, bạn liền phản bác lại, cuối cùng còn dính líu đến bên thứ 3 và bị cuốn vào chuyện thị phi không đáng có.
Thực chất có nhiều chuyện, càng giải thích lại càng thấy không rõ ràng. Cho nên hãy giữ im lặng, quan sát người khác nói gì, làm gì rồi mới nêu ý kiến mới có thể tránh khỏi sai lầm đáng tiếc.
Người khôn ngoan sẽ biết nói những lời đúng đắn, làm những điều đúng đắn, suy nghĩ những điều đúng đắn. Đối với lời nói của người khác, bạn nên tăng cường “khả năng miễn dịch” của mình và đừng quá coi trọng nó, đối với lời nói của mình, bạn nên “tiết chế hết sức có thể”, ít nói và đừng gây rắc rối.
Tương tác giữa người với người là tương hỗ, bất kể bạn có thái độ như thế nào với người khác, thì người khác cũng sẽ đối xử với bạn bằng thái độ như vậy. Bạn luôn giữ sắc mặt tốt, tại sao người khác phải mỉm cười với bạn?
Nếu bạn muốn được người khác giúp đỡ, bạn cần làm cho họ thoải mái. Làm việc gì cũng đừng để bị cảm xúc tiêu cực chi phối. Vui vẻ nhìn và lắng nghe người khác nói, mới là người thông minh thực sự. Cách tốt nhất để có thể dung hòa với người làm bạn khó chịu chính là im lặng, rồi lặng lẽ bước đi và rời xa nơi rắc rối.
Trúc Nhi/ Theo Aboluowang
Từ khóa đối nhân xử thế thông minh đối nghịch thay đổi người khác