Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không khó để bắt gặp những người “sợ bị thiệt”. Cũng có không ít người mang tâm lý thà để người khác chịu thiệt chứ không để bản thân chịu thiệt. Tuy nhiên những người già thời xưa lại thường khuyên bảo con cháu rằng: Chịu thiệt là phúc.

Trong lý niệm của cổ nhân có khái niệm “tích đức”, “tích phúc”. Để tích được đức thì ngoài hành thiện ra còn có chịu thiệt, nhún nhường. Bởi vậy cổ nhân gọi người hay làm điều thiện, người có tấm lòng bao dung là người “đức độ”. Lý niệm này có quan hệ mật thiết tới những đạo lý thâm sâu mà người xưa quan sát được, như “trong họa có phúc, trong phúc có họa”, “không mất thì không được, được thì phải mất”. Người biết chịu thiệt thì “vì mất mà được”, vừa có thể tu dưỡng bản thân, lại vừa có thể tích được phúc phận và âm đức.

Người xưa cũng có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.

Trí tuệ của cổ nhân: Chịu thiệt là phúc
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Ngụy Hy, một trong “Thanh sơ tam đại gia” đã từng nói: “Ta không hiểu rõ được thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng chịu nhận phần thiệt trong mỗi sự việc của người ấy là sẽ biết. Ta không hiểu rõ được thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc tranh giành phần lợi của người ấy là sẽ biết.”

Có thể nguyện ý chịu thiệt, khoan dung độ lượng, chịu nhẫn nhục, co được giãn được thì chính là hành vi của một chính nhân quân tử. Trái lại, nếu như luôn luôn mong muốn người khác phải chịu hại chịu thiệt, như thế thì người này tâm địa thật hẹp hòi, hơn nữa làm điều xấu thì chẳng phải là mất đức rồi sao? Đây không chỉ là khiến lương tri của bản thân tuột dốc, mà phúc phận cũng chịu tổn hại, thật sự là cái được không bù nổi cái mất.

Sử Ký của Tư Mã Thiên có chép “Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện”, trong đó có kể chuyện Lận Tương Như chịu thiệt như vậy.

Lận Tương Như bởi vì có công đem ngọc quý từ Tần trả lại cho vua Triệu mà được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha, một vị tướng giỏi của nhà Triệu.

Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha.

Không lâu sau, lúc Tương Như ở thành Hàm Đan, khi đoàn xe của ông từ xa nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông đã ra lệnh cho đoàn xe của mình rẽ vào một con hẻm để cho đoàn xe của Liêm Pha đi trước, tránh hai bên xảy ra xung đột.

Môn khách của Lận Tương Như thấy ông xử sự như vậy, liền cho rằng ông sợ nên đã nói: “Chúng tôi rời bỏ người thân gia đình đến hầu hạ ngài là vì ngưỡng mộ tiết nghĩa cao thượng của ngài. Bây giờ chức vị của ngài cũng tương đương với của Liêm Pha tướng quân. Tướng quân Liêm Pha mở miệng ra là nói lời ác, vậy mà ngài lại trốn tránh ông ta. Ngài quá sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải cũng cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là quan cao như ngài! Chúng tôi, những người không có tiền đồ, xin ngài cho chúng tôi được cáo từ!”.

Lận Tương Như kiên quyết giữ họ lại và nói: “Các vị thử nghĩ xem, Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?”

Mọi người trả lời: “Liêm Tướng Quân không bằng được Tần Vương.”

Lận Tương Như lại nói: “Với uy thế của Tần Vương, mà ta còn dám nói lý, quát mắng ông ta ngay trước triều thần nước Tần. Ta, Lận Tương Như mặc dù tài hèn, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Điều ta nghĩ đến là nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu chúng ta, là bởi vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân! Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Cho nên, ta nhẫn nhịn Liêm tướng quân như vậy là vì luôn đặt sự an nguy quốc gia làm đầu mà để chuyện cá nhân ở phía sau!”

Khi những lời này của Lận Tương Như được truyền đến tai Liêm Pha thì Liêm Pha vô cùng xấu hổ. Liêm tướng quân liền cởi áo, mang theo một cành mật gai đến gặp Lận Tương Như để chịu tội. Lận Tương Như thấy Liêm Pha đến xin chịu tội, vội vàng đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu.

Lận Tương Như bởi vì có thể chịu thiệt nên không gây tổn hại cho bản thân, hơn nữa lại càng không gây tổn hại cho nước Triệu, không khiến cho dân chúng lầm than, có thể nói là tích được âm đức lớn rồi. Hơn nữa Lận Tương Như cũng trở thành một tấm gương lưu danh sử sách, được khen ngợi là có phong thái cao thượng.

Người không tranh, nguyện ý chịu thiệt thòi là người quảng đại. Một người có tấm lòng quảng đại bao nhiêu thì phúc lộc cũng lớn bấy nhiêu. Hơn nữa, phúc báo của một người không phải cứ tranh giành là được, trái lại càng tranh giành danh lợi thì càng làm tổn hại phúc phận của bản thân.

Người chất phác tuy nhất thời chịu thiệt nhưng về lâu dài họ chẳng những không thiệt mà còn khiến cho công việc càng thêm thịnh vượng, các mối quan hệ ngày càng hài hòa, cuộc sống cũng trở nên sung túc hơn. Bởi vậy mà trong lịch sử từ xưa đến nay có rất nhiều hiền sĩ, rất nhiều bậc quân tử đều lấy “chịu thiệt” để yêu cầu, ước thúc bản thân mình và giáo huấn con cháu.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: