Những bài học trong cuộc đời nên biết càng sớm càng tốt
- Trúc Nhi
- •
Cho đến khi người ta vấp ngã hay lúc đã trưởng thành, người ta mới nhận ra có những bài học đáng lẽ mình nên biết sớm hơn. Bởi vì có những điều sẽ không được học trong sách giáo khoa nhà trường, nó là những tinh hoa được tích lũy sau khi một người đã nếm trải rất nhiều sóng gió trong cuộc đời.
Học tập để trưởng thành, hòa nhã để vui vẻ, có thể nhẫn được biển trời và giao thiệp tốt để tâm được an lạc, coi nhẹ được mất để tự tại, rung động trước cuộc đời khiến trái tim dịu dàng…, đây chính là điều bạn cần học trong cuộc đời.
1. Học cách thừa nhận sai lầm
Người ta thường không chịu thừa nhận lỗi lầm của mình, họ cho rằng mọi việc đều là lỗi của người khác, cho rằng mình đúng, nhưng bản thân họ không biết rằng thực ra không chịu nhận lỗi chính là một sai lầm.
Học cách thừa nhận sai lầm là điều tốt đẹp và là một bài học vô cùng tuyệt vời mà ai cũng cần có.
Người xưa có thể duy trì gia phong, khiến gia đình hưng thịnh, là vì ai ai cũng tôn kính lẫn nhau, có trên có dưới, lại biết bao dung mà xây dựng được không khí hòa thuận. Giữa các thành viên gia đình, để bao dung lẫn nhau thì có một bí quyết, chính là “nhận lỗi về mình”.
Khi xã hội thay đổi và hội nhập, nét văn hóa nói lời cảm ơn và xin lỗi càng nên được giữ gìn, làm thành nền tảng giáo dục căn bản của một người, và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá một xã hội có văn minh hay không.
2. Học cách dịu dàng
Con người có răng cứng mà lưỡi mềm, đến cuối đời thì răng lại rụng hết nhưng lưỡi thì không. Cho nên hãy luôn mềm mại uyển chuyển, đây mới là thứ lâu bền vĩnh cửu nhất, bởi vì nếu quá cứng nhắc thì ngược lại càng thua thiệt đau khổ.
Chỉ bằng cách mềm mại, người ta mới có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và bền vững hơn.
3. Học cách nhẫn
Nhẫn một chút sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Có thể làm được chữ Nhẫn thì tai ương có thể được tiêu trừ.
Ở đời, công phu cũng chỉ là ở một chữ Nhẫn này, nó là chìa khóa để giải quyết và hóa giải.
Anh em nhẫn nhịn nhau thì nhà cửa giàu sang, tình cảm khăng khít. Vợ chồng nhẫn nhịn nhau thì yêu thương mới được trọn vẹn, tình nghĩa không phai nhạt. Bạn bè nhẫn nhịn nhau thì danh nghĩa chẳng hao mòn. Bản thân mà biết nhẫn nhịn thì chẳng lo tai họa đến.
4. Học cách giao thiệp
Không biết cách giao thiệp sẽ dẫn đến đúng sai, tranh chấp và hiểu lầm. Cho dù đó là thành viên gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, điều quan trọng nhất là giao tiếp, là hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau.
Làm sao có hòa bình nếu tất cả mọi người đều giống như nước với lửa, tranh cãi và không giao tiếp với nhau? Thật khủng khiếp nếu thể giới chỉ có lạnh lùng, vô cảm và chiến tranh.
Suy cho cùng, mỗi người đều có chính kiến và giá trị quan riêng của bản thân, họ suy nghĩ về cùng một sự việc từ những góc độ khác nhau và đưa ra những quyết định khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần giải thích quan điểm và ý tưởng của mình cho người khác thì mới có thể hóa giải được hiểu lầm và hợp tác được suôn sẻ.
5. Học cách buông tay
Một người đàn ông đang ngồi xe trên đường cao tốc, đã không cẩn thận làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa xe, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc nuối cho ông. Nhưng càng bất ngờ hơn khi ông ấy đã ném luôn chiếc thứ hai ra ngoài cửa.
Hành động này của ông khiến mọi người vô cùng sửng sốt, khi ấy ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày của tôi bất luận có đắt đỏ như thế nào, nhưng bây giờ nó đã không còn ý nghĩa gì nữa, tuy nhiên nếu có ai nhặt được cả đôi, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”
Thật ra mọi điều chúng ta gặp phải trong cuộc sống đều đã được an bài định sẵn. Đối với những nỗi đau hay sự tiếc nuối không thể vãn hồi, thì mỉm cười buông tay là điều tốt nhất.
Thời gian của cuộc đời là có hạn, chỉ có thừa nhận sai lầm, tôn trọng, bao dung thì mới có thể hòa hợp, và chỉ có buông bỏ thì trong tâm mới có thể nhẹ nhàng.
6. Học cách cảm nhận
Thấy người gặp may mắn thì vui, thấy người tốt việc tốt thì cảm động. Loại cảm động này chính là một loại tình yêu thương và vị tha.
Khi thấy cha mình nhuộm tóc, anh con trai đã đùa rằng: “Cha ơi, sao cha đã gần 60 tuổi rồi mà vẫn còn nhuộm tóc? Cha vẫn muốn có vận may đào hoa à?”
Cha anh bảo rằng: “Mỗi lần cha về quê đều nhuộm tóc đen, để bà nhìn thấy sẽ cho rằng cha còn trẻ và bà cũng chưa có già.”
Đọc xong mẩu chuyện ngắn này, hẳn trong lòng bạn sẽ thấy xúc động và muốn chăm sóc và quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn phải không?
Vì vậy, chúng ta cũng hãy cố gắng luôn làm những điều tốt để cảm động lòng người, để yêu thương được lan tỏa.
7. Học cách tồn tại
Để tồn tại, người ta cần biết giữ gìn sức khỏe tốt và tinh thần dũng mãnh để đối với sóng gió cuộc đời. Khi bước ra khỏi mái nhà quen thuộc, bạn sẽ phải trải qua một cuộc sống thăng trầm, và có lúc sẽ rất khắc nghiệt. Nếu không có một sức khỏe tốt và một ý chí mạnh mẽ, thì rất khó để tồn tại.
Đọc những cuốn sách quý và trau dồi cho mình những phẩm chất tốt đẹp là cách tốt nhất để rèn luyện cho bản thân một tấm lòng khoan dung, rộng lớn và một ý chí mạnh mẽ cao xa.
Những điều này không dễ để thực hiện, nhưng đó đều là những bài học quý giá mà chúng ta cần trạng bị trong suốt hành trình cuộc đời của mình.
Vision Times
Từ khóa kinh nghiệm sống Trưởng thành bài học trong cuộc đời