Những kỹ năng sinh tồn cơ bản bạn cần biết khi ở nơi hoang dã
- Nguyễn Việt
- •
Bị lạc là một kinh nghiệm mà bạn không mong muốn trải qua cũng như không có kế hoạch trước cho việc đó, do đó bạn cần phải trang bị một số kiến thức cơ bản để có thể ứng phó trong các tình huống như vậy.
Katherine Martinko phụ trách mục cuộc sống của Tree Hugger. Cô cũng viết blog tại Feisty Red Hair và là cựu cộng tác viên cho TLC Parentables cũng như với Huffington Post, The Green Parent (Anh), và tạp chí Geez. Cô tốt nghiệp Đại học Toronto, Canada và hiện đang sống ở vùng duyên hải Lake Huron xinh đẹp với gia đình. Katherine chia sẻ với các độc giả về những kỹ năng sinh tồn cần thiết trong trường hợp đi lạc như sau:
“Mùa hè năm ngoái, trong khi đang ngồi trò chuyện dưới mái hiên sau nhà một người bạn, tôi đã gặp một người phụ nữ kể cho tôi một câu chuyện rất khó quên. Trong khi cắm trại tại một công viên ở Ontario cách đây vài năm, hai cô con gái tuổi teen của cô ấy đã tự đi vào rừng để khám phá và không trở lại. Sau vài giờ, cô ấy đã vội vã thông báo cho các nhà chức trách địa phương và họ nhanh chóng cắt cử một đội tìm kiếm với chó nghiệp vụ, thợ lặn, máy bay trực thăng và đội tìm kiếm dưới mặt đất. Họ đã cố gắng tìm kiếm trong một ngày rưỡi và cuối cùng tìm thấy những cô gái này ở rìa bãi lầy cách khu vực cắm trại khoảng vài cây số. Tình trạng sức khỏe của họ vẫn tốt nhưng rất đói, lạnh và đầy các vết muỗi cắn.
Mẹ của các cô gái cho biết họ vẫn bình tĩnh trong suốt thời gian đó. Họ biết mình đã bị lạc và lo sợ nhưng không bị rơi vào trạng thái hoảng loạn. Họ đã bên nhau cả đêm để giữ ấm cơ thể và lọc lấy nước từ rêu làm nước uống. Các cô gái đã lên kế hoạch rằng nếu họ không được giải cứu sau 2 đêm, họ sẽ phải ăn thịt ếch vì cho rằng đó là con mồi dễ nhất để bắt và ăn mà không cần đến dao; may mắn thay họ đã không phải làm điều đó. Sau khi được giải cứu, mặc dù vừa trải qua cú sốc lớn, các cô gái đã lựa chọn tiếp tục hoàn thành chuyến cắm trại kéo dài một tuần, thay vì ngay lập tức trở về nhà. Và tất nhiên họ đã không đi lạc lần nữa.
Câu chuyện kể trên khiến tôi không khỏi nghĩ về những đứa con của mình. Chúng tôi cũng thường đi cắm trại rất nhiều nơi và ở nhà ông bà của chúng trong rừng Muskoka. Chúng sẽ làm gì khi một mình trong rừng rậm? Liệu có biết cách để sống sót không? Đối với vấn đề đó, ngay cả bạn có biết phải làm thế nào hay không?
Nhiều bạn đọc chắc hẳn đang có cuộc sống cách rất xa đối với các nơi hoang dã, nhưng việc dành thời gian để tìm hiểu một số kỹ năng sinh tồn cơ bản là rất đáng giá. Trong trường hợp xấu nhất, biết những điều này có thể giúp bạn tìm được sự sống.
Sau đây là các kỹ năng sinh tồn cơ bản mà tôi nghĩ mọi người đều nên biết. Những điều này dựa trên những kỹ năng mà cha mẹ đã dạy tôi khi còn là một đứa trẻ lớn lên trong rừng, những thứ tôi đã đọc trong các sách tự nhiên và kỹ năng sinh tồn cùng với những thông tin mà tôi sưu tầm trên mạng internet.
Một lưu ý nhỏ đó là những lời khuyên này giả định trong trường hợp không có điện thoại di động hoặc không thể thực hiện được cuộc gọi.
Sự chuẩn bị:
Tôi nhận ra rằng chúng ta không thể chuẩn bị “đầy đủ” cho việc sẽ bị lạc trong rừng, nhưng bạn có thể trang bị cho những đứa trẻ của mình và bản thân một số kỹ năng cơ bản khiến việc đi lạc trở nên bớt đáng sợ.
Đầu tiên là dành thời gian ở trong rừng. Có thể là đi bộ đường dài hoặc cắm trại. Bạn càng quen thuộc với môi trường xung quanh bao nhiêu thì sẽ càng ít sợ hãi hơn bấy nhiêu khi tình huống xấu xảy ra. Dạy cho trẻ biết rằng khu rừng không phải là điều đáng sợ, mà là nơi cần quý trọng và bảo vệ. Làm quen với việc nhận diện các cột mốc và theo dõi cách mặt trời di chuyển khi bạn đi qua các khu vực.
Tiếp theo hãy quen với việc mang theo một số công cụ cần thiết khi bạn đi vào rừng. Luôn chắc chắn rằng bạn phải có một con dao và hộp diêm quẹt. Nếu có một cái rìu thì thật tuyệt.
Cuối cùng, hãy có thói quen thông báo với một ai đó khi bạn muốn đi vào rừng và khoảng thời gian bạn dự định quay trở lại. Hãy để lại ghi chú nếu không có ai xung quanh hoặc có thể gửi tin nhắn cho mọi người và hãy chắc chắn rằng bạn sẽ nhớ thông báo cho họ biết khi bạn đã quay trở về nhà an toàn.
Nếu bạn bị lạc:
Điều quan trọng nhất là đừng hoảng sợ: Cơ hội sống sót của bạn sẽ nhiều hơn nếu bạn giữ được sự bình tĩnh và tỉnh táo. Ngay sau khi bạn nhận ra mình đã bị lạc, đừng cố đi tiếp khỏi khu vực đó, trừ khi bạn có một la bàn, nhận ra các dấu mốc và tự tin rằng có thể tìm được đường ra; bạn không nên tốn nhiều năng lượng không cần thiết. Chỉ di chuyển khi bạn thấy có vị trí tốt hơn, tức là nơi mà những người cứu hộ có thể nhìn thấy bạn dễ dàng hơn (như bờ hồ hoặc trên đỉnh đồi), củi khô hoặc cây xanh lá quanh năm sẽ là nguyên liệu tốt để thiết lập nơi trú ẩn an toàn.
Hãy thắp lửa: Hy vọng rằng bạn có diêm quẹt còn khô trong túi; nếu không, bắt đầu cọ hai que củi với nhau để tạo lửa. Khi bạn ở trong rừng, hãy tìm những cây củi khô, cành cây và vỏ cây khô; cành cây còn xanh sẽ ướt, khó bắt lửa và tạo nhiều khói. Tuy nhiên cũng cần thận trọng với lửa khi bạn đang ở trong khu vực khô hạn.
Thiết lập nơi trú ẩn: Điều này trở nên quan trọng hơn trong thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt, nó sẽ làm cho bạn cảm thấy an toàn hơn bất kể là đang vào mùa nào trong năm. Bạn có thể trú ẩn dưới một cây xanh lá quanh năm với những nhánh cây thấp, hoặc sử dụng các cành cây xếp chồng lại để tạo thành lều tạm.
Trong cuốn sách “The Big Book of Nature Activities”, Drew Monkman và Jacob Rodenburg đưa ra hướng dẫn để xây dựng lều tạm có thể giúp bạn sống sót trong thời tiết giá lạnh:
“Bắt đầu bằng cách đắp một gò lá cao ở gần gốc cây, chống một cành cây dài chắc khỏe khoảng 3m với 1 đầu tựa vào cây và bắc qua gò lá cao với đầu kia chống trên mặt đất. Sử dụng các nhánh cây khác để tạo khung cho lều ở cả 2 phía. Sau đó lá, cành cây, hoặc bất cứ thứ gì bạn có để che phủ lên trên lều. Chất đống càng nhiều loại vật liệu càng tốt cho tới khi độ dày đạt chừng cánh tay của bạn. Cũng lưu ý chất đống các vật liệu tương tự ở phía trong của lều. Hãy chắc chắn rằng bạn để lại một đống lá khô hoặc cành cây ở phía trước của lối vào. Sau khi bạn đã ở bên trong lều sử dụng cành cây rậm lá như là “cái cửa” ở lối vào. Lều tạm nếu được xây dựng tốt có thể giúp mọi người tồn tại ngay cả ở nhiệt độ dưới 0 độ C. “
Vào mùa cao điểm có côn trùng: Nếu bạn bị lạc nơi hoang dã trong mùa muỗi sinh sản và phát triển mạnh thì việc bảo vệ bản thân khỏi côn trùng là ưu tiên hàng đầu. Tạo một đống lá khô và chui vào bên trong nó. Bạn có thể sẽ gặp phải một số côn trùng khác, nhưng ít nhất chúng cũng không cắn bạn ghê gớm như những con muỗi.
Uống nước: Nguyên tắc chung là không bao giờ uống nước từ nguồn nước đọng; tốt nhất là tìm một con suối, mặc dù điều này có thể tương đối khó khăn hoặc tìm kiếm một nguồn nước đang chảy. Tôi chưa từng nghe nói về rêu mà các cô con gái của bạn tôi đã sử dụng, nhưng theo trang Survivopedia cho rằng “Vì tính axit cao và tính chất kháng khuẩn của rêu, nó có thể được sử dụng để lọc nước cho bạn”. Một gợi ý khác từ chuyên gia về kỹ năng sinh tồn Tess Pennington là lăn qua bãi cỏ ướt đậm để thấm sương, sau đó vắt quần áo để lấy nước uống.
Những gì bạn có thể ăn: Bạn có thể sống sót ngay cả khi không có thức ăn trong nhiều ngày, nhưng nếu vẫn không có dấu hiệu của sự giải cứu sau một thời gian, bạn phải tìm kiếm nguồn thức ăn cho cơ thể bạn. Hãy tránh xa các loại nấm và sâu bướm, tất nhiên bạn có thể ăn các loại côn trùng khác. Tốt nhất là nấu chúng nếu có thể, loại bỏ cánh, đầu và chân trước khi ăn. Cha tôi cũng đã dạy tôi rằng bất kỳ loại thực vật nào mọc bên dưới nguồn nước chảy thì an toàn để ăn, đó là một mẹo rất hữu ích. Cố gắng bắt một số con cá nhỏ và nuốt chúng. Bạn có thể tìm hiểu thêm các loại thức ăn hoang dã có thể sử dụng được khác.
Giữ khô: Mặc quần áo ướt là một ý tưởng tồi. Hãy phơi khô chúng dưới ánh nắng mặt trời hoặc bên cạnh ngọn lửa. Việc để cơ thể ẩm ướt là rất không tốt nhất là khi trời lạnh.
Hãy thiết lập các tín hiệu cầu cứu: Ba trong số những thứ thường được công nhận là dấu hiệu của sự cầu cứu đó là ba ngọn lửa nhỏ, ba nhánh cây tạo hình tam giác, hoặc ba dấu lớn trên cát.
Vào mùa đông: Hãy tiếp tục di chuyển. Nếu nhiệt độ ở mức đóng băng, bạn không thể mạo hiểm với việc đứng im một chỗ. Tạo một nơi trú ẩn bằng tuyết với những cây xanh lá quanh năm hoặc đào một cái hố tuyết để chui vào, tuy nhiên cần ý thức bản thân phải tỉnh giấc và di chuyển một cách thường xuyên.
Katherine Martinko/Tree Hugger
Nguyễn Việt
Xem thêm:
Từ khóa kỹ năng sinh tồn kỹ năng tự chăm sóc nơi hoang dã kỹ năng sống