Tháng 7 là bước ngoặt, là ranh giới phân chia sự thức tỉnh ý thức của con người?
Lý Ngọc
•
Chia sẻ FB
Chia sẻ Twitter
Bình luận
Khi bước sang tháng 7/2025, manga (truyện tranh) Tương lai tôi đã nhìn thấy của tác giả người Nhật – Ryu Tasuki một lần nữa trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Đặc biệt, việc khu vực ngoài khơi Kagoshima – Nhật Bản gần đây liên tục xảy ra động đất khiến nhiều người không thể không liên tưởng đến lời tiên đoán về “thảm họa ngày 5/7” trong bộ manga của bà.Vào tháng 7, thế giới có thể sẽ chứng kiến một thay đổi lớn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Manga tiên tri gây sốt và những tác động
Cơn sốt bắt đầu từ bộ manga Tương lai tôi đã nhìn thấy, xuất bản lần đầu năm 1999. Tác giả Ryu Tasuki tự nhận đã mơ thấy trận đại động đất 11/3/2011 (thảm họa kép sóng thần Fukushima) và sau khi sự kiện xảy ra thật sự, bà lập tức trở nên nổi tiếng vì “tiên đoán trúng”.
Đến năm 2021, bà cho ra mắt bản “hoàn chỉnh” (hoàn toàn phiên) của manga, bổ sung thêm giấc mơ vào ngày 5/7/2021. Trong đó, bà đề cập rằng vào tháng 7/2025, một vụ nổ dữ dội sẽ xảy ra dưới đáy biển giữa Nhật Bản và Philippines, kéo theo một cơn sóng thần khổng lồ – gấp 3 lần trận đại địa chấn Nhật Bản năm 2011!
Ở cuối cuốn sách, bà còn viết rõ ràng: “Nếu giấc mơ trở thành sự thật, thì ngày thảm họa chính là 5/7/2025”. Chính tuyên bố này đã làm dấy lên làn sóng thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, thậm chí trở thành lý do khiến nhiều du khách ngần ngại du lịch Nhật Bản gần đây.
Tác động lan rộng từ Manga tiên tri
Kể từ khi phát hành, cuốn sách đã bán chạy tại Nhật Bản, với tổng doanh số (bao gồm cả bản điện tử) vượt mốc 1,06 triệu bản. Thậm chí còn có bản tiếng Trung được phát hành tại Hồng Kông và bán rất chạy. Nhà xuất bản còn treo quảng cáo trong các chuyến tàu điện tại Nhật.
Dù từ chối phỏng vấn truyền thông, Ryu Tasuki đã thông qua nhà xuất bản Asuka Shinsha gửi đi tuyên bố: “Việc mọi người quan tâm đến sự kiện này chính là minh chứng cho ý thức phòng chống thiên tai được nâng cao. Nếu điều đó giúp ích được phần nào trong thảm họa, tôi cũng sẽ cảm thấy an ủi”.
Bà cũng kêu gọi: “Thay vì sợ hãi trước lời tiên đoán, hãy nhân cơ hội này để kiểm tra lại sự chuẩn bị phòng chống thiên tai của chính mình”.
Cuốn sách mới làm rõ thêm – “Di ngôn của Thiên thần”
Tháng 6 vừa qua, Ryu Tasuki phát hành cuốn tự truyện có tên Di ngôn của Thiên thần. Trong đó, “thiên thần” tượng trưng cho sự dẫn dắt và bảo hộ, còn “di ngôn” mang ý nghĩa như lời tuyên bố cuối cùng đầy cảm xúc. Bà cho biết mục đích viết cuốn sách này là để “truyền đạt những điều mình thật sự muốn nói”, nhằm lan tỏa sức mạnh tích cực và thấu cảm, thay vì để những hiểu lầm và sự thổi phồng trên mạng gây ra hoảng loạn và tin đồn thất thiệt.
Về phần giấc mơ “tiên đoán” gây tranh cãi, Ryu Tasuki cũng thẳng thắn thừa nhận: Trong bản Tôi đã nhìn thấy tương lai: Hoàn chỉnh, một số phần có thể không hoàn toàn phản ánh đúng ý của bà, do chịu sự định hướng từ phía nhà xuất bản. Đặc biệt, việc ghi rõ “ngày tháng cụ thể” có thể là sai sót trong quá trình thảo luận hoặc viết vội trong lúc bận rộn.
Bà nhấn mạnh: “Ngày xuất hiện trong giấc mơ không đồng nghĩa là ngày thảm họa thực sự xảy ra”.
Tuy vậy, bà không rút lại thời điểm “tháng 7 năm 2025”, mà còn tổng hợp lại 5 hình ảnh biểu tượng trong giấc mơ như sau:
Tiếng nói từ âm phủ: Trong mơ bà nghe thấy cái tên “Hades” – vị thần âm phủ Hy Lạp, biểu thị thảm họa đến từ lòng đất, có thể là động đất, núi lửa, thậm chí mang yếu tố tâm linh.
Ba chiếc du thuyền hư hỏng: Trên tàu có hành khách từ nhiều quốc gia bị nạn – tượng trưng rằng đây không chỉ là thảm họa của riêng Nhật Bản, mà là cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Địa hình biến đổi dữ dội: Trong giấc mơ, bà thấy lục địa châu Á được nối liền lại – tượng trưng cho sự sụp đổ và tái cấu trúc nhận thức của nhân loại.
Thử thách nhân tính trong khan hiếm vật tư: Một ly nước và một mẩu bánh mì trở nên vô cùng quý giá – dự báo xã hội hậu thảm họa sẽ đối mặt với những lựa chọn sinh tồn và đạo đức khắc nghiệt.
Bước ngoặt của thời gian: “Tháng 7” chưa chắc là thời điểm xảy ra thảm họa, mà là ranh giới của sự thức tỉnh trong ý thức con người.
Trước làn sóng quan tâm đến lời tiên tri, Cục trưởng Cơ quan Khí tượng Nhật Bản – ông Nomura Ryuichi – phát biểu rằng: với trình độ khoa học hiện nay, con người vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời gian và địa điểm xảy ra động đất.
Ông kêu gọi người dân: Dù có tin vào lời tiên đoán hay không, thì Nhật Bản luôn có khả năng xảy ra động đất bất cứ lúc nào. Đây là cơ hội tốt để mỗi người tự kiểm tra lại sự chuẩn bị phòng chống thiên tai trong cuộc sống hàng ngày.