Thiên tài toán học G. Perelman không màng những giải thưởng quốc tế trị giá hàng triệu đô la mà chỉ muốn ở ẩn, sống yên bình với mẹ già và tập trung vào nghiên cứu.

thiên tài toán học
(Ảnh: Wikipedia)

Vị thiên tài toán học “lập dị” này sinh ngày 13 tháng 6 năm 1966 tại Leningrad (Saint Petersburg hiện nay) nước Nga, trong một gia đình gốc Do Thái. Tên khai sinh đầy đủ của ông là Grigori Yakovlevich Perelman. Cha của ông đã di cư đến Israel từ lâu, còn mẹ Liuba Leibovna là giáo viên dạy toán tại một trường dạy nghề. Bà chính là người nuôi dưỡng tình yêu toán học cho cậu con trai duy nhất ngay từ khi còn nhỏ.

Đầu năm lớp 5, Grigori bắt đầu tham gia các buổi hội thảo tại Trung tâm Toán học ở Cung Thiếu nhi Leningrad được phụ trách bởi Giáo sư Sergei Rukshin – chuyên gia hàng đầu của Khoa khoa học tự nhiên. Đây chính là bước đầu tiên đánh dấu sự nghiệp toán học huy hoàng của Grigori.

Đến năm lớp 9, Grigori chuyển đến trường trung học phổ thông 239 ở ngoại ô thành phố. Tuy phải đi học xa nhưng ngôi trường này lại giúp ông thỏa sức thể hiện niềm đam mê với toán học. 

Năm 16 tuổi, Grigori Perelman là một trong sáu thành viên của Liên Xô tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 23 tổ chức tại Budapest (Hungary). Ông giành được Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối, 40/40.

Sau khi về nước, ông được đặc cách vào Đại học Quốc gia Leningrad (LGU). Với thành tích học tập xuất sắc, tân khoa Grigori nhận được học bổng toàn phần để chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa Toán của LGU (chuyên nghiên cứu về hình dạng của các vật thể trong không gian), ông Grigori về làm việc tại Chi nhánh Leningrad của Viện Toán cao cấp Steklov (LOMI, nay là PDMI). 

Năm 1991, G. Perelman được Hội Toán học trẻ Leningrad trao tặng giải thưởng nhờ những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn. Đây là giải thưởng duy nhất mà ông đồng ý nhận trong suốt cuộc đời.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Gülşah Tutma (@gulsah.ttma) chia sẻ

Ông nhận được nhiều lời mời đến thuyết trình luận án tại nhiều trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Ông đồng ý, nhưng lại từ chối ở lại làm việc dài hạn. G. Perelman trở về quê hương và tiếp tục làm việc tại LOMI với niềm đam mê nghiên cứu cháy bỏng. Trong quá trình làm việc tại đây, hành động “lập dị” đầu tiên của nhà khoa học trẻ là từ chối bảo vệ luận án tiến sĩ do đồng nghiệp đề xuất.

Năm 1996, G. Perelman được trao giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ của Hiệp hội Toán học Châu Âu (EMS) nhưng ông đã từ chối nhận. Đúng một thập kỷ sau, Liên minh Toán học Quốc tế (IMU) trụ sở tại Berlin (Đức) quyết định trao tặng Huy chương Fields (một giải thưởng cao quý được mệnh danh là “Giải Nobel Toán học”) cho G. Perelman nhưng ông từ chối đến Madrid (Tây Ban Nha) – nơi tổ chức hội nghị IMU để nhận giải thưởng.

Lúc này cả thế giới đã biết đến G. Perelman như một thiên tài xuất chúng. Trong bài viết tổng kết cuối năm, tạp chí học thuật Sience đã tôn vinh ông với danh hiệu “Breakthrough of the Year” (Phát hiện của năm). Ông là người đã chứng minh được Giả thuyết hình học của Thurston, từ đó mở ra con đường cho việc khám phá Giả thuyết Poincare. Sau hơn một thế kỷ tồn tại, đây là lần đầu tiên tạp chí Sience mới trao danh hiệu này cho lĩnh vực toán học.

Giả thuyết Poincare (hay còn được gọi là công thức chung của vũ trụ) được nhà toán học kỳ cựu người Pháp Jules Henri Poincare (1854-1912) trình bày vào năm 1904. Đây là một trong những mệnh đề toán học hóc búa không ai giải được trong suốt một thế kỷ.

Đến đầu năm 2010, Viện Toán học Clay (CMI) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Cambridge (Massachusetts, Mỹ) – đã đồng ý trao giải Thiên niên kỷ kèm theo phần thưởng 1 triệu đô la cho nhà toán học Nga G. Perelman vì đã chứng minh được Giả thuyết Poincar. Nhưng cũng như giải thưởng quốc tế trước, lần này ông vẫn tiếp tục từ chối.

G. Perelman sống cùng mẹ già trong một căn hộ ở quận Kupchino. Khi các cơ quan báo chí địa phương hỏi ông về lý do từ chối giải thưởng, ông trả lời: “Tôi đã có tất cả những gì tôi muốn, vì vậy tôi không quan tâm đến tiền bạc hay danh vọng!”.

Các đồng nghiệp tại PDMI cho biết G. Perelman đã lặng lẽ rời bệnh viện, chuyển về ở ẩn và nghiên cứu tại nhà.

“Đôi khi anh ấy có vẻ hơi điên rồ, nhưng đó là biểu hiện phổ biến ở các nhà khoa học tài năng” – Phó Giám đốc PDMI Sergei Novikov cho biết.

Năm 2007, nhật báo The Daily Telegraph của Anh đã xếp nhà toán học Grigori Perelman ở vị trí thứ 9 trong danh sách “100 thiên tài đương đại còn sống”. Danh sách này còn có hai người Nga khác là đại kiện tướng cờ vua thế giới Garry Kasparov ở vị trí 25 và nhà phát minh ra súng tiểu liên tự động Mikhail Kalashnikov AK-47 ở hạng 83.