“Thói quen vệ sinh” phản ánh tố chất thật sự của một người
- Ngọc Trúc
- •
Những người không có thói quen gọn gàng sạch sẽ, không chỉ khiến cuộc sống của họ giống như một mớ lộn xộn, mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nhân duyên của những người này vì vậy cũng bị ảnh hưởng, dù cho bản chất họ có tốt đến mức nào cũng khó lòng bù lại được sự ghét bỏ của người khác đối với họ.
Người sống bừa bộn sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi
Những ai bừa bộn sẽ chịu thiệt thòi nhất, người khác không nhìn thấy cái đẹp trong lòng họ mà sẽ chỉ thấy mặt không đẹp bên ngoài.
Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống gần nhà bà ngoại, có một người hàng xóm cực kỳ bừa bộn. Rác của nhà họ thường chất thành đống trước cửa, không chịu bước thêm vài bước bỏ rác ra điểm thu gom bên ngoài. Do đó, mỗi lần gió to là rác lại bay tứ tung, hàng xóm xung quanh cảm thấy rất khó chịu. Người nhà đó đều không được chào đón, mọi người không muốn tiếp họ, cũng không thích qua lại nhà họ, trong lòng mọi người đều vạch rõ ranh giới với nhà đó.
Sau này lớn lên, khi đi làm, tôi từng có một người đồng nghiệp rất bừa bộn. Bàn làm việc của anh ấy vô cùng lộn xộn. Từng chồng tài liệu chất cao như núi nghiêng nghiêng ngả ngả, tôi ngồi bên cạnh anh ấy mà bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị chồng tài liệu đổ vào người. Điều khó chấp nhận nhất là anh ấy bị viêm mũi, trên bàn có đầy khăn giấy dùng để lau nước mũi. Tuy nhiên, đến mấy ngày anh ấy cũng không vứt vào thùng rác, khiến cho người khác có cảm giác thật đáng sợ.
Chính vì thường xuyên làm việc trong môi trường bừa bộn như vậy, anh ấy làm việc quên trước quên sau. Có khi hợp đồng để đâu không tìm thấy, có lúc tài liệu quan trọng dính đầy vệt nước khiến lãnh đạo cùng đồng nghiệp cảm thấy anh ấy làm việc không đáng tin cậy.
Quan trọng hơn, thói quen làm việc lộn xộn của anh ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất làm việc của đồng nghiệp bên cạnh. Vì vậy, không có ai muốn hợp tác cùng người đồng nghiệp này.
Gọn gàng sạch sẽ có thể mang đến nhân duyên tốt
So với những người bừa bãi, ai cũng thích sống cùng những ai sạch sẽ hơn. Người thích sạch sẽ thường đều rất biết tự kiểm soát, làm gì cũng đều gọn gàng, sống cùng họ rất hạnh phúc. Họ thậm chí sẵn sàng làm nhiều hơn người khác để giữ vệ sinh môi trường xung quanh, tạo phúc cho mọi người.
Thời đại học, tôi có một người bạn cùng phòng rất thích sạch sẽ, bàn học của cô ấy được dọn dẹp rất ngăn nắp, giày luôn xếp thành hàng dưới gầm giường. Mỗi lần đi vệ sinh, nếu thấy dưới đất có nước, cô ấy đều sẽ lau khô để người đi sau thoải mái hơn. Mọi người đều rất cảm kích cô ấy, cũng nhờ có cô ấy mà ý thức giữ gìn vệ sinh của chúng tôi cũng được nâng cao hơn hẳn, ký túc xá của chúng tôi cũng trở nên gọn gàng sạch sẽ.
Tôi cũng có một người đồng nghiệp rất được yêu quý nhờ cách quản lý môi trường làm việc. Cô ấy sắp xếp bàn làm việc theo nguyên tắc “sắp xếp, chỉnh đốn, quét dọn, lau sạch sẽ”. Ví dụ như mỗi thứ cô ấy đều sẽ phân loại đặt vào vị trí cố định, mỗi lần dùng xong trả về chỗ cũ, chưa từng tùy tiện để lung tung ở đâu đó. Cô ấy cũng không bao giờ chồng chất đồ đạc, những thứ lâu ngày không dùng đến đều sẽ vứt đi. Cô ấy lưu số liệu quan trọng vào máy tính, giấy tờ quan trọng để vào ngăn kéo, vừa nghiêm túc vừa gọn gàng.
Mỗi lần trước khi làm việc, cô ấy đều sẽ dùng khăn lau bàn, trước khi tan sở lại sẽ dọn dẹp từng món đồ rồi mới yên tâm đi về. Bàn làm việc vừa gọn gàng vừa sạch sẽ của cô ấy khiến đồng nghiệp xung quanh rất ngưỡng mộ. Mỗi lần các đồng nghiệp phòng khác đến lấy tài liệu, cô ấy đều có thể giao một cách chính xác và nhanh chóng, hiệu suất làm việc của cô ấy là tốt nhất trong công ty.
Trong mắt tôi thì các đồng nghiệp thích sạch sẽ làm việc đáng tin cậy hơn những người bừa bộn, họ không chỉ có khả năng quản lý tốt bản thân, mà cũng có tố chất khiến người khác làm việc cảm thấy thoải mái.
Làm người, làm việc gì cũng thích sạch sẽ thì dễ được người khác đồng tình, đa số mọi người đều thích giao thiệp với những người sạch sẽ gọn gàng. Có thể nói rằng, sạch sẽ không phải là tiêu chuẩn cứng nhắc để phán đoán nhân phẩm, nhưng lại là nhân tố để nhận định tố chất một người. Vì vậy, khi giao thiệp cùng những người thích sạch sẽ, chúng ta sẽ vừa thoải mái, vừa yên tâm.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Người có văn hóa vệ sinh cá nhân Văn hóa ứng xử Thói quen tốt giữ gìn vệ sinh Sạch sẽ