Thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết
- Minh Minh
- •
Thực phẩm siêu chế biến chứa nhiều chất béo, muối và đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết vì chúng thúc đẩy tình trạng viêm mãn tính trong ruột của chúng ta.
Một nghiên cứu trên tạp chí Gut đã cho thấy các khối u ruột kết lấy từ những người có chế độ ăn uống kém có mức chất sinh hóa gây viêm cao hơn, đồng thời các chất có khả năng giảm viêm và chữa lành lại phát triển kém hơn.
“Không có gì bất ngờ khi những bệnh nhân có chế độ ăn uống không lành mạnh có tình trạng viêm nhiễm tăng cao trong cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm này xuất hiện ở các khối u đại tràng. Nếu bạn ăn thực phẩm siêu chế biến hàng ngày thì khả năng chữa lành vết thương của cơ thể sẽ giảm xuống. Tình trạng viêm nhiễm và ức chế hệ thống miễn dịch là nguyên nhân dẫn đến hệ quả này. Và kết quả cuối cùng là ung thư sẽ dần phát triển, mà ung thư thì giống như một vết thương mãn tính không thể lành lại”, Tiến sĩ Timothy Yeatman, giáo sư phẫu thuật tại Khoa Y của Đại học Nam Florida, cho biết.
Để tạo ra thực phẩm siêu chế biến, người ta sẽ sử dụng các phương pháp công nghiệp để bơm chất béo, tinh bột, đường, muối và dầu hydro hóa không lành mạnh vào chúng. Các chất phụ gia đó giúp sản phẩm có hương vị thơm ngon hơn và có thời hạn sử dụng lâu dài hơn.
Một số thực phẩm siêu chế biến phổ biến có thể kế đến thức ăn nhanh, kem, thịt nguội, xúc xích, khoai tây chiên, ngũ cốc ăn sáng, đồ uống có ga, bữa tối đông lạnh, súp đóng gói.
Theo Phòng khám Cleveland, thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì và tiểu đường loại 2.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích 162 mẫu ung thư ruột kết lấy từ những bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tampa ở Florida.
Kết quả cho thấy chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến mức độ hóa chất giúp chống lại hoặc phát triển ung thư ruột kết trong cơ thể.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu cho biết thực phẩm chưa qua chế biến và lành mạnh như cua, cá hồi, cá bơn, rau bina, cải Brussels và các loại thịt nạc có xu hướng làm tăng mức độ hóa chất ức chế tình trạng viêm.
Nhà nghiên cứu Ganesh Halade, phó giáo sư tại Viện Tim mạch thuộc Đại học Nam Florida, giải thích rằng: “Cơ thể chúng ta được thiết kế để chủ động giải quyết các tình trạng viêm thông qua các hợp chất lipid [chất béo] hoạt tính sinh học có nguồn gốc từ chất béo lành mạnh, ví dụ như quả bơ. Lipid hoạt tính sinh học là những phân tử rất nhỏ có nguồn gốc từ thực phẩm chúng ta ăn và nếu các phân tử này có nguồn gốc từ các sản phẩm thực phẩm chế biến, chúng sẽ trực tiếp làm mất cân bằng hệ thống miễn dịch và gây ra tình trạng viêm mãn tính”.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể tiếp cận một phương pháp mới và tự nhiên để phòng ngừa ung thư.
“Hệ thống miễn dịch của con người có thể hoạt động cực kỳ mạnh mẽ và gây tác động lớn đến môi trường vi mô của khối u. Nếu được khai thác đúng cách thì điều này có thể mang đến cho chúng ta sức khỏe thể chất và tinh thần rất tốt. Nhưng chúng ta không thể nhận được những lợi ích như vậy nếu cơ thể bị ức chế bởi lipid gây viêm từ thực phẩm chế biến”.
Các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên ăn thực phẩm lành mạnh chưa qua chế biến, chăm chỉ hoạt động thể chất và nâng cao chất lượng giấc ngủ để bảo vệ sức khỏe.
“Những phát hiện này có thể cách mạng hóa công cuộc điều trị ung thư hiện tại. Ngoài việc sử dụng thuốc, chúng ta có thể khai thác các quá trình chữa bệnh tự nhiên hơn. Đây là một bước quan trọng hướng tới việc giải quyết tình trạng viêm mãn tính và ngăn ngừa bệnh tật trước khi chúng bắt đầu”, Yeatman cho biết.
Từ khóa ung thư ruột kết Thực phẩm siêu chế biến