Những cặp vợ chồng trung niên thường thiếu điều gì nhất?
- Tuệ Nhi
- •
Thời gian như nước chảy qua cầu, tưởng chừng như mới hôm qua, còn thanh xuân thắm thiết, thế mà nhìn lại đã nửa đời trôi qua, tóc đã điểm bạc nhuốm phong sương, yêu thương dường như cũng phai nhạt theo năm tháng. Liệu có phải chúng ta đối với nhau đã thiếu sót điều gì?
Ở tuổi trung niên, mọi người đều có áp lực lớn trong cuộc sống. Những cơm áo gạo tiền, lo toan cho con cái học hành, công việc, lo cha mẹ ốm đau là những nhiệm vụ to lớn. Chúng chiếm phần lớn sức lực và thời gian của cả hai vợ chồng. Vì vậy, các cặp vợ chồng trung niên ít có thời gian để chia sẻ, tâm sự cùng nhau như lúc mới kết hôn.
1. Vợ chồng trung niên thiếu lời yêu thương dành cho nhau
Hầu hết các cặp vợ chồng trung niên đều không nghe được nhiều lời yêu thương ngọt ngào, đây cũng là dấu hiệu lớn cho thấy tình cảm giữa hai vợ chồng đang có sự suy giảm.
Nhiều người trung niên mới nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu thì cả đời đã làm việc chăm chỉ và đã quen với cuộc sống đi làm, thời gian họ dành cho vợ mỗi ngày chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi tan sở. Bây giờ đã nghỉ hưu, có thể dành nhiều thời gian hơn cho vợ, nhưng không biết làm thế nào để trở nên hòa hợp, hai người dường như thiếu điểm chung và kết quả là họ không còn biết phải làm gì. Nếu hai người không tìm được sở thích chung thì có thể nảy sinh tâm trạng bực bội, thậm chí mối quan hệ vợ chồng có thể càng trở nên tồi tệ hơn.
Thật ra chỉ cần trầm tĩnh một chút, tinh tế một chút, quan tâm thêm một chút, thì sẽ không khó để nhìn ra điểm tốt của nửa kia, cũng không khó để làm người ấy hài lòng. Yêu thương không phải chỉ là lời nói đầu môi, nó là kết quả của cả một quá trình đồng hành và gắn kết. Khi bạn thật tâm yêu thương người ấy, bạn nhất định sẽ tìm ra cách để người ấy hạnh phúc.
2. Thiếu hài hước
Hài hước là gia vị của một cuộc sống lành mạnh, nó có thể giải quyết, xoa dịu những xung đột và loại bỏ những rào cản.
Người ta nói “Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”, tình cảm vợ chồng bền lâu công phu ở một chữ “Nhẫn”. Ngược lại, khi một bên tâm trạng không tốt hoặc hai bên mâu thuẫn, lời lẽ khó chịu chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào lửa, hoặc cằn nhằn không ngừng sẽ khiến cho mâu thuẫn càng gia tăng. Thế nhưng, sự hài hước nho nhỏ giữa vợ chồng thường sẽ tạo ra tác dụng đặc biệt, có thể chuyển biến cơn giận của nửa kia thành niềm vui, nước mắt trở thành tiếng cười.
3. Thiếu sự đánh giá cao lẫn nhau
Cha mẹ yêu thương con cái, có thể đánh giá cao và khen ngợi con cái khi chúng làm điều tốt hoặc đạt được thành tích nào đó. Thế nhưng người ta lại quen nhìn bạn đời của mình bằng ánh mắt soi mói, thiếu sự đánh giá nhìn nhận. Điều này về lâu dài sẽ làm tổn thương tình cảm giữa hai vợ chồng, khiến cho sự ổn định của hôn nhân trở nên suy yếu.
Thật ra khi họ đồng ý trở thành vợ/chồng của bạn, khi họ sẵn sàng cùng bạn gồng gánh gia đình, nguyện ý cùng bạn vượt qua khó khăn để đồng hành trên con đường hôn nhân của hai người, họ đã phải cố gắng rất nhiều, chịu đựng rất nhiều. Chừng đó thôi lẽ nào không đủ để khiến bạn cảm động? Vì vậy đừng tiếc lời khen dành cho người bạn đời của mình.
Nếu có thể, hãy dành lời khen ấy cho nửa kia khi có mặt bạn bè hoặc người thân của bạn. Một chút hành xử tinh tế này cũng đã khiến cho nửa kia của bạn cảm thấy hãnh diện và càng muốn bản thân trở nên tốt đẹp hơn, sao cho càng xứng đáng hơn với lời khen ấy của bạn.
4. Thiếu giao tiếp
Những cuộc trò chuyện thẳng thắn, nhiệt tình và thái độ thương lượng, bàn bạc mọi chuyện cùng nhau có thể là một lợi thế trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa vợ chồng. Nhưng kiểu thẳng thắn này không có nghĩa là có thể ăn nói thiếu suy nghĩ đến cảm nhận của nửa kia.
Bản thân bạn muốn được yêu thương và tôn trọng. Vợ/chồng của bạn cũng vậy. Vì vậy, đừng để vô ý làm tổn thương vợ/chồng của bạn. Trong lời nói hãy nhẹ nhàng hơn một chút, đồng cảm hơn một chút. Sự bao dung của bạn sẽ khiến nửa kia cảm động, khoảng cách giữa hai người sẽ ngày càng được rút ngắn, tình cảm sẽ ngày càng bền chặt hơn.
5. Thiếu sự thông cảm
Tục ngữ có câu: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Đạo lý hòa hợp giữa vợ chồng cũng như vậy. Dù bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng cần bao dung những khuyết điểm và hiểu những khó khăn của nhau. Như vậy, mối quan hệ, tình cảm vợ chồng mới có thể lâu dài, thắm thiết hơn.
6. Thiếu sự lãng mạn
Học cách tạo ra bầu không khí lãng mạn cũng giống như thổi luồng gió mới vào cuộc sống hôn nhân buồn tẻ, khiến tình cảm vợ chồng trở nên thú vị, bền chặt hơn.
Một ánh mắt hay một nụ cười thấu hiểu, cùng nhau nắm tay đi mua sắm, cùng dắt cháu trai đi chơi công viên hay cùng chuẩn bị bữa tối, một chút ấm áp chính là sự lãng mạn.
7. Thiếu sự hồn nhiên như trẻ thơ
Giữ được sự hồn nhiên, giản dị và có nhiều sở thích, tò mò là điều rất quan trọng để tăng thêm hạnh phúc trong hôn nhân. Những người có sự hồn nhiên như trẻ thơ thường có cuộc sống dễ dàng hơn, tâm trạng vui vẻ hơn và khám phá những điều thú vị trong cuộc sống tốt hơn. Đôi vợ chồng già cũng có thể học cùng con cháu, có thể chơi những trò chơi nhỏ và đùa giỡn với nhau, điều đó có thể làm vơi bớt cuộc sống nhàm chán và đơn điệu.
8. Thiếu sở thích chung
Để các cặp vợ chồng trung niên có thể hòa hợp với nhau, điều quan trọng là phải có những chủ đề và sở thích chung. Nếu không có như vậy thì cuộc sống hôn nhân sẽ rất nhanh chóng trở nên nhàm chán. Vì vậy, cần từ từ phát triển một số sở thích chung để đạt có được hạnh phúc lâu dài trong hôn nhân.
Vision Times,
Tuệ Nhi biên tập
Từ khóa vợ chồng trung niên