Vườn thú Anh ấp nở 2 chú chim cánh cụt châu Phi, một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng
- Trúc Nhi
- •
Chim cánh cụt châu Phi (African penguin, còn gọi là chim cánh cụt mõm dài) là loài chim cánh cụt duy nhất còn sống ở châu Phi và đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách loài nguy cấp. Gần đây, hai chú chim cánh cụt châu Phi đã ra đời tại một vườn thú ở Anh, mang đến tin vui cho việc sinh sản của loài này.
Vườn thú Hertfordshire đã công bố trong thông cáo báo chí vào ngày 10 tháng 10 rằng hai chú chim cánh cụt non được ấp vào tháng 8 tại vườn thú này và được đặt tên là Liam và Noel.
Liam và Noel đã thể hiện tính độc lập khi mạnh dạn bước ra khỏi tổ, điều này xảy ra sớm hơn so với đặc điểm của loài. Những dấu hiệu này chứng tỏ chúng khỏe mạnh và đang phát triển rất tốt.
Hai chú chim cánh cụt con này là lứa chim cánh cụt con đầu tiên được ấp tại vườn thú trong năm nay. Chúng đã chứng tỏ rằng mình có tính cách rất đặc biệt. Tính cách hoạt bát và tràn đầy sức sống của chúng đã thu hút sự yêu mến của các nhân viên vườn thú và du khách, đồng thời cũng mang đến cho chúng biệt danh “những tên siêu quậy nhỏ” (the little terrors). Hai anh em luôn gắn bó với nhau, thể hiện tình cảm ấm áp.
Tom Clark, giám đốc bộ phận quản lý các loài chim của vườn thú Hertfordshire, đã chia sẻ sự phấn khởi của mình về việc ra đời của hai chú chim.
Ông nói: “Chúng tôi rất vui mừng chào đón Noel và Liam gia nhập đại gia đình vườn thú. Tính cách nghịch ngợm và sự phát triển sớm của chúng chứng tỏ rằng chúng đã nhận được sự chăm sóc tận tình từ đội ngũ nhân viên tận tâm của chúng tôi”.
Vườn thú cho biết chim cánh cụt châu Phi là một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, hiện chỉ còn khoảng 40.000 cá thể trong tự nhiên.
Hãng tin BBC trước đó đã báo cáo rằng chim cánh cụt châu Phi, có nguồn gốc từ Nam Phi và Namibia, có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học ước tính số lượng của loài chim này giảm khoảng 8% mỗi năm, và trong thế kỷ qua, chúng đã giảm tới 99%.
Alistair McInnes, nhà bảo tồn chim biển của Tổ chức ‘BirdLife Nam Phi’, cho biết: “Nếu tình trạng suy giảm này tiếp tục xảy ra trong tương lai gần, thì đến năm 2035, chúng ta có thể chứng kiến sự tuyệt chủng của chúng. Vì vậy, tình hình đang rất cấp bách”.
Hiện nay, hầu hết những chú chim cánh cụt châu Phi còn lại đều sinh sống ở bảy khu vực dọc theo bờ biển tây nam châu Phi. Những chú chim này có thân hình chắc khỏe và có sọc đen độc đáo bên hông. Chúng rất dễ bị tấn công bởi kẻ thù tự nhiên như hải cẩu và một số loại hải âu, nhưng kẻ thù lớn nhất của chúng lại là con người.
Việc con người thu thập phân chim (chim cánh cụt sẽ đào hang trong những đống phân này) đã phá hủy môi trường sống của chúng, trong khi việc khai thác cá mòi và cá cơm có giá trị kinh tế cũng làm giảm nguồn thức ăn của chúng.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Bão và lũ lụt đe dọa môi trường sống của những con chim nhỏ này, và với sự thay đổi dòng chảy cũng như nhiệt độ, việc tìm kiếm thức ăn ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Trong 15 năm qua, chính phủ đã thử nghiệm việc đóng cửa các khu vực đánh bắt cá. Các cuộc đàm phán kéo dài giữa ngành đánh bắt và các nhà bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đã diễn ra, trong đó đã lắng nghe ý kiến từ một nhóm chuyên gia quốc tế độc lập. Tuy nhiên, số lượng chim cánh cụt châu Phi vẫn tiếp tục giảm.
Các tổ chức bảo tồn như BirdLife Nam Phi cho rằng các biện pháp cấm đánh bắt hiện tại (tức là cấm đánh bắt cá quanh một số môi trường sống của chim cánh cụt châu Phi) không đủ rộng rãi và không được đặt ở những vị trí thích hợp để bảo vệ đầy đủ quần thể chim cánh cụt này.
Từ khóa tuyệt chủng chim cánh cụt