2016 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử
- thiện tâm
- •
Rất có khả năng năm 2016 sẽ là năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu thậm chí còn cao hơn so với nhiệt độ kỷ lục trong năm 2015. Theo một đánh giá của Tổ chức khí hậu thể giới (WMO) ngày 14/11, dữ liệu sơ bộ cho thấy nhiệt độ toàn cầu năm 2016 cao hơn khoảng 1,2°C so với mức tiền công nghiệp (mức nhiệt độ trước khi xảy ra công nghiệp hóa).
Nhiệt độ đang tăng lên
Nhiệt độ toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2016 cao hơn 0,88°C so với mức trung bình 14°C trong giai đoạn tham khảo từ 1961-1990. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ tăng vọt trong những tháng đầu năm vì hiệu ứng El Nino 2015 và 2016. Thống kê sơ bộ vào tháng 10 cũng cho thấy năm 2016 đang là “ứng cử viên cho danh hiệu” năm nóng nhất trong lịch sử thế giới.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas: “Mỗi năm ta có một kỷ lục mới. Nhiệt độ cao kỷ lục trong năm 2015 đã bị đánh bại bởi nhiệt độ năm 2016”
Năm nay, nhiệt độ của phần lớn các khu vực trên trái đất đều cao hơn nhiệt độ trung bình trong gian đoạn 1961-1990. Tại khu vực Bắc Cực trong phạm vi nước Nga – xung quanh cửa sông Ob và Novaya Zemlya, nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 6 đến 7°C.
Tại nhiều vùng tại Bắc Cực trong lãnh thổ của Nga, Alaska và phía tây bắc Canada cũng ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình ít nhất 3°C. Nhiệt độ hơn 90% diện tích đất của Bắc bán cầu bên ngoài vùng nhiệt đới cao hơn mức trung bình ít nhất 1°C.
Nhiệt độ tăng ít cực đoan hơn ở Nam bán cầu, nhưng nhiệt độ nhiều khu vực vẫn ở mức cao hơn 1°C hoặc hơn nữa so với mức trung bình, bao gồm bắc Nam Mỹ, phía bắc và phía đông Australia, và đa số khu vực của miền nam châu Phi.
>> Mạc Ngôn: “Tôi cảm thấy nhân loại đang đối mặt với nguy hiểm lớn nhất”
Đại dương ấm lên và mực nước tiếp tục tăng
Nhiệt độ đều ở trên mức bình thường tại hầu hết các vùng biển. Điều này góp phần làm bạc màu các rặng san hô ngầm lớn và phá vỡ hệ sinh thái biển ở một số vùng biển nhiệt đới, bao gồm Great Barrier Reef ngoài khơi bờ biển phía đông Australia, và các quốc gia đảo Thái Bình Dương như Fiji và Kiribati. Thống kê trong các khu vực của Great Barrier Reef cho thấy tỷ lệ các rặng san hô chết lên đến 50%.
Mực nước biển toàn cầu đã tăng khoảng 15mm từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 2 năm 2016, là kết quả của hiện tượng El Nino, cao hơn rất nhiều so với xu hướng tăng từ 3 – 3,5mm kể từ năm 1993 và đạt mức tăng kỷ lục mới vào đầu năm 2016.
Venice trong cơn triều cường
Nồng độ khí nhà kính đạt kỷ lục mới
Nồng độ CO2 toàn cầu trung bình hàng năm lần đầu tiên đạt 400 phần triệu (ppm) trong năm 2015. Quan sát ban đầu cho thấy nhiều kỷ lục mới trong năm 2016 đã diễn ra.
- Tại Cape Grim (Australia), nồng độ CO2 trong tháng trung bình là 401,42 ppm, so với 398,13 ppm trong tháng 8 năm 2015.
- Tại Mauna Loa (Hawaii), nồng độ CO2 trung bình hàng tuần đo được ngày 23/10 là 402,07 ppm, so với 398,50 ppm cùng thời điểm này trong năm 2015.
- Nồng độ CO2 tại Hawaii tháng 5/2016 là 407,7 ppm, đây là giá trị hàng tháng cao nhất được ghi nhận.
Băng và tuyết thấp kỷ lục
Diện tích đóng băng biển Bắc cực ở dưới mức bình thường trong suốt cả năm nay. Diện tích đóng băng tối thiểu theo mùa được ghi nhận vào tháng 9 là 4,14 triệu km2, thấp kỷ lục kể từ sau năm 2012. Diện đóng băng tối đa tại tháng 3 cũng là thấp kỷ lục. Mức độ đóng băng vào mùa thu cũng được ghi nhận là chậm hơn rất nhiều so với bình thường.
Tại biển Nam cực, sau vài năm xảy ra hiện tượng đóng băng cao hơn mức bình thường, diện tích đóng băng đã giảm xuống xung quanh mức bình thường vào những tháng bắt đầu của năm 2016. Thời điểm đóng băng tối đa theo mùa đến sớm hơn bình thường 1 tháng. Vào tháng 10 năm nay, diện tích đóng băng đã giảm xuống dưới mức bình thường.
Tốc độ băng tan chảy vào mùa hè ở các dải băng Greenland trên mức trung bình của giai đoạn 1990-2013 ở mức đáng kể với tốc độ nóng chảy đặc biệt cao trong tháng bảy, nhưng vẫn thấp hơn so với năm băng tan kỷ lục 2012.
>> Hội chứng ếch luộc, chúng ta đang bị “nấu chín” mà không hay biết!
Hậu quả nhân đạo
Những thay đổi của khí hậu thế giới mỗi năm và dài hạn có thể làm gia tăng thêm các áp lực xã hội, nhân đạo và môi trường. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, các thảm họa tự nhiên liên quan đến thời tiết, cạnh tranh và xung đột về tài nguyên và mực nước biển dâng lên, khiến nhiều khu vực ven biển và vùng thấp không thể sinh sống được, sẽ dẫn đến hiện tượng di cư tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, năm 2015 đã có 19,2 triệu người phải chuyển nơi ở vì nguyên nhân liên quan đến thời tiết, nước, khí hậu và các mối nguy hiểm địa vật lý tại 113 quốc gia, hơn gấp đôi so với xung đột và bạo lực. Trong số này, các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết khiến 14,7 triệu người phải chuyển chỗ ở. Nam Á và Đông Á là khu vực có người phải chuyển nơi ở cao nhất, nhưng không có khu vực nào thế giới không bị ảnh hưởng.
Thời tiết khắc nghiệt và các hiện tượng liên quan đến khí hậu ảnh hưởng bởi hiệu ứng El-Nino mạnh trong 2015-2016 đã có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới, có hơn 60 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng này.
Từ khóa biến đổi khí hậu nóng lên toàn cầu nhiệt độ