7 vấn đề lớn của đại dương, và cách xử lý chúng
- Quốc Hùng
- •
Các đại dương là những nơi chứa nhiều sinh vật nhất trên trái đất này, nhưng cũng là bãi rác lớn nhất của nhân loại. Nghịch lý này có thể khiến người ta liên tưởng ngay tới những dấu hiệu của một thảm họa.
Con người nghĩ rằng họ có thể lấy đi những thứ tốt đẹp rồi ném rác vào đó, và phủi tay rằng mọi chuyện vẫn sẽ tiếp tục vui vẻ trôi qua… Đúng là các đại dương có thể cấp cho chúng ta những thứ tuyệt vời như đồ ăn ngon hay các nguồn năng lượng thay thế, nhưng chúng đang phải chịu đựng những áp lực nghiêm trọng. Dưới đây là 7 vấn đề lớn của đại dương, và một câu hỏi đặt ra là còn chút ánh sáng nào cuối đường hầm hay không?
1. Khai thác cá quá mức khiến nguồn sống dưới nước bị suy kiệt
Nạn khai thác quá đà đang tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các đại dương. Nó không chỉ xóa sổ các loài động vật bị con người đánh bắt, mà còn triệt luôn đường sống của những sinh vật biển khác vốn phụ thuộc vào chúng để sinh tồn. Việc khai thác cá quá độ có thể khiến các sinh vật biển khác chết đói, vì con người lấy thức ăn của chúng với số lượng quá lớn tới mức các nguồn thức ăn không kịp tái sinh sản để bù đắp lại số lượng ấy.
Ước tính hầu hết các vùng biển cần phải cấm đánh bắt cá dài hạn nếu muốn một số loài nhất định phục hồi số lượng. Ngoài ra cách đánh bắt cá của con người cũng còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, con người sử dụng một số biện pháp có lực phá hoại lớn, như lưới rà đáy vốn phá hủy môi trường sống ở đáy biển và vớt lên rất nhiều cá và động vật không mong muốn, những thứ sau khi sàng lọc sẽ bị con người ném qua một bên không thương tiếc. Cá cũng bị đánh bắt nhiều quá mức cần thiết của con người, khiến rất nhiều loại bị liệt vào danh sách bị đe dọa và đang gặp nguy hiểm.
Lý do của khai thác quá độ là khá rõ ràng, có rất nhiều người thích ăn rất nhiều cá. Cá đánh được càng nhiều, ngư dân càng có lợi. Tuy nhiên còn có những nhân tố khác gây tác động tinh vi hơn, ví như việc quảng cáo lợi ích sức khỏe của loài cá này hơn loài cá khác, hay lợi ích sức khỏe của dầu cá.
Để ngành ngư nghiệp đại dương có thể phát triển lành mạnh, điều bắt buộc là con người phải hiểu biết về loại hải sản mà họ đang tiêu thụ, con cá họ đang ăn là loại nào, phương thức đánh bắt ra sao, chúng có đang trong tình trạng nguy hiểm hay không?
Người ăn hải sản có thể hỏi những người phục vụ nhà hàng, những đầu bếp chế biến món sushi, hay những đầu mối cung cấp hải sản về nguồn gốc của con cá. Ngoài ra họ có thể đọc thông tin về món hải sản trên phần nhãn mác trong siêu thị, nếu có.
2. Loài động vật săn mồi quan trọng nhất của đại dương bị giết hại… chỉ để lấy vây
Khai thác quá mức là một vấn nạn không chỉ với những loài cá quen thuộc trong thực đơn hải sản của con người như cá ngừ vây xanh hay cá tráp cam (orange roughy). Đây còn là một vấn đề nghiêm trọng với cá mập. Cá mập bị giết hàng chục triệu con mỗi năm, chủ yếu để lấy vây. Người ta đã quen với chuyện bắt cá mập lên, cắt vây của chúng, rồi ném trở lại đại dương để chúng chết. Vây cá được bán để làm nguyên liệu cho các món súp. Và những gì bị lãng phí là kinh khủng phi thường.
Cá mập là loài động vật săn mồi nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn, đồng nghĩa với việc tỷ lệ sinh sản của chúng thấp. Số lượng cá mập không dễ dàng được phục hồi ngay cả khi ngừng khai thác. Bên cạnh đó, năng lực săn mồi của chúng còn giúp duy trì số lượng các sinh vật khác. Một khi một loài săn mồi chính bị loại ra khỏi cuộc chơi thì những sinh vật cấp thấp hơn trong chuỗi thức ăn sẽ bắt đầu sinh sôi vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường sống, tạo ra hệ quả mang tính phá hoại cho toàn hệ sinh thái.
>> Sự thật tàn nhẫn đằng sau bát súp vi cá mập thượng hạng
Săn cá mập lấy vây là một hành vi cần phải chấm dứt nếu chúng ta muốn duy trì sự cân bằng của đại dương. May thay, cộng đồng đang nhận thức ngày càng cao về tính phá hoại của hoạt động này và làm giảm đi sự nổi tiếng của món súp vi cá mập.
3. Axit hóa đại dương
Đây không hề là chuyện nhỏ. Đại dương bị axít hóa khi nó hấp thụ CO2 thông qua các quá trình tự nhiên, nhưng với tốc độ thải CO2 của con người ra khí quyển như hiện nay, hậu quả là sự cân bằng pH của đại dương thay đổi và không còn phù hợp cho các sinh vật sống trong đó.
“Axít hóa đại dương đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử trái đất”, Jelle Bijma, chủ tịch Ủy ban Khoa học của chương trình EuroCLIMATE kiêm nhà địa hóa sinh tại Viện Alfred-Wegener ở Bremerhaven nước Đức cho biết.
Thật kinh khủng khi tưởng tượng rằng, đến một lúc nào đó, đại dương sẽ bị axít hóa tới mức không thể duy trì sự sống, và điều này không phải ngày một ngày hai là có thể đảo ngược lại được. Nói cách khác, rất nhiều sinh vật sẽ bị quét sạch, từ các loài hai mảnh vỏ cho tới san hô và những loài cá phụ thuộc vào chúng.
4. Những rặng san hô chết và hậu quả đáng sợ
Bảo tồn các rặng san hô còn sống đang là một trong những chủ đề nóng hiện nay, một nhiệm vụ quan trọng vì chúng là môi trường sống của rất nhiều các sinh vật nhỏ – các loài này tới lượt mình lại hỗ trợ các sinh vật biển lớn hơn và con người, không chỉ vì chức năng thực phẩm mà còn về ý nghĩa kinh tế.
Sự ấm lên toàn cầu là một nguyên nhân chính dẫn đến nạn tẩy trắng san hô (coral bleaching), bên cạnh một số nguyên nhân khác. Các nhà khoa học đang làm việc để tìm ra các biện pháp, nhưng nó cũng đòi hỏi phải xây dựng các khu bảo tồn hải dương. Chúng ta cần tìm ra các biện pháp để bảo vệ “môi trường sống” này vì sức khỏe chung của các đại dương.
5. Các vùng biển chết xuất hiện khắp nơi, và đang gia tăng
Các vùng biển chết là những khu vực không tồn tại sự sống do thiếu khí oxy. Sự ấm lên toàn cầu là nghi phạm chủ yếu cho những thay đổi của đại dương dẫn đến sự hình thành các vùng biển chết. Số lượng các vùng này đang tăng lên với tốc độ đáng báo động, hiện đang có 400 khu vực như vậy được ghi nhận, và số lượng được cho là sẽ tiếp tục tăng.
Các nghiên cứu về các vùng biển chết cho thấy sự liên kết lẫn nhau trong nội tại hành tinh chúng ta. Bằng cách làm giảm hoặc loại bỏ phân bón và thuốc trừ sâu, đa dạng hóa các giống cây trồng, chúng ta có thể giúp ngăn chặn các vùng biển đáng sợ này.
6. Ô nhiễm thủy ngân đi từ than ra biển, vào cá và lên tới bàn ăn của chúng ta
Các chất ô nhiễm đang lan tràn trên khắp các đại dương, nhưng một trong những chất độc đáng sợ nhất là thủy ngân, vì nó có thể xuất hiện trên bàn ăn của chúng ta. Điều tồi tệ là lượng thủy ngân trong các đại dương đang được dự báo tăng. Vậy nguồn thủy ngân này đến từ đâu? Chủ yếu là từ các nhà máy nhiệt điện than.
Trên thực tế, theo Cục bảo vệ Môi sinh Hoa kỳ, các nhà máy nhiệt điện than là nguồn cấp thủy ngân công nghiệp cho ô nhiễm nhiều nhất tại Mỹ. Thủy ngân cũng đã làm bẩn các nguồn nước tại cả 50 bang, chưa cần kể đến các đại dương. Thủy ngân được các dạng sống ở cuối chuỗi thức ăn hấp thụ, và khi cá lớn nuốt cá bé, nó chạy ngược lên trên đỉnh của chuỗi thức ăn, cũng chính là con người chúng ta, phần lớn thông qua cá ngừ.
Bạn có thể tính được lượng cá ngừ có thể ăn (mà vẫn an toàn) là bao nhiêu, và mặc dù việc tính toán lượng cá có thể ăn để tránh bị ngộ độc là thật sự đau khổ, nhưng ít nhất chúng ta nhận thức được mối nguy hiểm để làm một điều ý nghĩa nào đó.
7. Đảo rác Thái Bình Dương, “kỳ quan” bạn có thể chiêm ngưỡng từ ngoài không gian
Trong danh sách này không thể thiếu Vùng rác nhựa khổng lồ với kich thước của bang Texas đang nằm ngay giữa Thái Bình Dương.
“Chiêm ngưỡng” vùng rác này là một cách trầm tĩnh để con người hiểu rằng đã không còn đường lùi với rác thải nữa, đặc biệt là rác thải nhựa khó phân hủy. Vùng rác do thuyền trưởng Charles Moore phát hiện ra, và ông cũng là người tích cực cất tiếng nói về nó nhất kể từ đó đến nay.
May mắn là, Vùng rác Thái Bình Dương đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức bảo vệ môi trường. Ví dụ như Dự án Kaisei là dự án dọn rác thử nghiệm đầu tiên, và David de Rothschild, một nhà thám hiểm, nhà môi trường học người Anh, sẽ lái một con tàu bằng nhựa đến bãi rác khổng lồ này để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
>> Vì sao các loài động vật biển không thể ngừng ăn rác thải nhựa?
Còn chút ánh sáng nào cuối đường hầm không?
Một số người cho rằng CÓ, mặc dù vẫn còn le lói. Một số giải pháp địa kỹ thuật đã được các nhà khoa học đưa ra và thử nghiệm để giải quyết các vấn đề kể trên.
Ví dụ như phương pháp đổ đá vôi xuống biển để cân bằng pH của đại dương và chống lại sự axít hóa từ CO2 mà con người thải ra khí quyển. Gần đây có người đã đổ bột sắt xuống đại dương hòng kích thích sự phát triển của các thực vật phù du, qua đó giải quyết vấn đề CO2. Tuy nhiên, kết quả thu được không được như họ mong muốn. Rõ ràng là còn rất nhiều điều mà con người chưa biết, và từ lý thuyết đến thực hành vẫn còn một khoảng cách rất xa. Nhưng nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng họ cứ phải thử xem sao.
Bên cạnh biện pháp địa kỹ thuật kể trên, còn có các biện pháp truyền thống như xây dựng các khu bảo tồn đại dương. Đây là việc khó khăn và tốc độ thực hiện cũng chậm trễ, nhưng ngày một nhiều các khu bảo tồn biển đang được lập nên.
Mặc dù vậy, suy cho cùng các biện pháp trên cũng chỉ có thể giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Muốn giải quyết được tận gốc những chuyện này, có lẽ cũng không phải là chuyện con người muốn là làm được. Ví như một quả táo đã hỏng, thì không sức mạnh khoa học nào có thể làm nó tươi ngon lại được nữa. Nước đã ô nhiễm, thì dù lọc tới đâu cũng không thể đưa nó về trạng thái tinh khiết ban đầu. Con người đang phải nhận lấy hậu quả từ những gì họ đã làm. Và ánh sáng cuối đường hầm, nếu có, cần xuất phát từ sự thay đổi căn bản tư duy khoa học – thứ đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay.
Từ khóa Bảo vệ động vật bảo vệ môi trường ngộ độc thủy ngân đại dương rác thải nhựa