Các nhà nghiên cứu Nhật Bản xác nhận rằng hạt vi nhựa đã hiện diện trong các đám mây. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Chemistry Letters hôm 27/9 vừa qua.

hạt vi nhựa
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Được biết, các nhà khoa học đã leo lên núi Phú Sĩ và núi Oyama để thu thập nước từ sương mù bao phủ trên các đỉnh núi này.

Sau đó họ áp dụng kỹ thuật hình ảnh tiên tiến với các mẫu phẩm để phân tích tính chất vật lý và hóa học của chúng. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 9 loại polyme khác nhau và một loại cao su trong các hạt vi nhựa kích thước từ 7,1 đến 94,6 micromet.

Ngoài ra, mỗi lít nước mây chứa từ 6,7 đến 13,9 mẩu vụn nhựa. Các tác giả Nhật Bản đã nhấn mạnh trong nghiên cứu của họ: “Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về hạt vi nhựa trong giọt nước mây”.

Bên cạnh đó, có rất nhiều polyme ưa nước, cho thấy các hạt vi nhựa đã đóng vai trò đáng kể trong hình thành đám mây nhanh chóng.

Giáo sư của Đại học Waseda (Nhật Bản), ông Hiroshi Okochi, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết rằng khi các hạt vi nhựa tiếp cận tầng khí quyển phía trên và tiếp xúc với bức xạ cực tím từ ánh sáng Mặt Trời, chúng sẽ phân hủy, góp phần tạo ra khí nhà kính. Hạt vi nhựa, được định nghĩa là các hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm, xuất phát từ nước thải công nghiệp, dệt may, lốp ô tô tổng hợp, sản phẩm chăm sóc cá nhân và nhiều thứ khác.

Trong khi đó, Đại học Waseda ngày 27/9 thông báo nghiên cứu mới chỉ ra rằng con người, động vật đã hít hoặc ăn hạt vi nhựa và chúng được phát hiện trong nhiều cơ quan như phổi, máu, tim, nhau thai.

Các nhà khoa học thậm chí đã phát hiện hạt vi nhựa bên trong cơ thể những con cá sống ở nơi sâu nhất của đại dương. Tuy nhiên, cơ chế di chuyển của chúng vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu về di chuyển của hạt vi nhựa trong không khí được cho là vẫn còn hạn chế.

Phan Anh

Video: “Văn hóa sợ hãi” mà ĐCSTQ dựa vào để trị quốc