Điều gì sẽ xảy ra với chúng ta khi máy bay mất áp suất?
- Quốc Hùng
- •
Hầu hết các chuyến bay của chúng ta đều bắt đầu với một danh sách những thứ cần chuẩn bị: vớ, quần áo, áo khoác… Để một chuyến đi thành công, bạn phải chuẩn bị rất nhiều thứ, và máy bay cùng các hãng hàng không cũng vậy. Có một danh sách dài phức tạp (và quan trọng) hơn rất nhiều danh sách của bạn. Phi hành đoàn kiểm tra lại danh sách này trước khi cất cánh để đảm bảo rằng họ không quên điều gì đó, ví như chuyện tăng áp suất cho cabin.
Nhưng phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu 9W 697 (ngày 20/9/2018) của hãng hàng không Jet Airways đã quên mất điều quan trọng này khi lên đường từ Mumbai đến Jaipur Ấn Độ. Kết quả? Tất cả mọi hành khách đều hoảng loạn và nghi hoặc, nhiều người bị đánh thức dậy bởi những cơn đau như búa bổ vào tai, và máu bắt đầu chảy ra từ tai và mũi của họ.
Hành khách Satish Nair đăng một dòng tweet cùng hình ảnh anh đang đeo mặt nạ dưỡng khí như sau:
“Chuyến bay 9W 697 phải hạ cánh khẩn cấp trở lại Mumbai. Máy bay mất áp suất ngay sau khi cất cánh…hàng loạt hành khách, gồm cả tôi bị chảy máu mũi…không có tiếp viên nào tới giúp đỡ…không có thông báo đeo mặt nạ dưỡng khí từ phi hành đoàn. An toàn của hành khách hoàn toàn bị bỏ mặc.”
Hãng hàng không không nói gì nhiều ngoài một thông báo chung chung, nhưng Lalit Gupta, phó tổng giám đốc thuộc Ban Lãnh đạo Hàng không Dân dụng nói với tờ Hindustan Times rằng “Chuyến bay 9W 697 Mumbai-Jaipur đã quay trở lại Mumbai sau khi cất cánh, trong quá trình chuẩn bị, phi hành đoàn đã quên mất việc duy trì áp suất cabin.”
Thế nào là duy trì áp suất cho một chiếc máy bay?
Không khí tại các tầng càng cao thì áp suất càng thấp, các nguyên tử oxy cách xa nhau hơn và khiến hô hấp trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao khi bạn đến những thành phố nằm ở rất cao trên mực nước biển thì thường cảm thấy dễ mệt mỏi hơn: đó là vì các cơ bắp và bộ não của bạn nhận được ít oxy hơn.
Các máy bay bay ở độ cao trên 3km cần phải được tăng áp ở cabin để chúng có thể duy trì đủ mức oxy cho mọi người trên khoang có thể hô hấp được, mặc dù vậy họ thường không tăng áp cho nó tới bằng với áp suất tại mực nước biển. Một chiếc máy bay hoạt động bình thường, một khi đã đóng kín cửa, sẽ tự động từ từ tăng áp suất bên trong khoang khi áp suất bên ngoài giảm xuống, làm sao để hành khách ít chú ý tới nhất. Điều tương tự cũng diễn ra, nhưng theo chiều ngược lại lúc hạ cánh để đưa mọi thứ về lại điều kiện bình thường.
Vì sao không tăng áp máy bay lại nguy hiểm?
Việc mất áp suất sẽ khiến một số mạch máu nhỏ trong mũi và tai người bị vỡ, hay thậm chí là có thể làm thủng màng nhĩ – những trường hợp như thế thường xuyên xuất hiện khi áp suất môi trường giảm. Cơ thể của bạn do tạo hóa nhào nặn ra chỉ có thể hoạt động bình thường trong một dải áp suất hẹp gần với áp suất tại mực nước biển, và khi bạn đi ra ngoài dải áp suất đó, những bộ phận mong manh sẽ bị tổn thương.
Dịch lỏng và khí đều nhạy cảm với áp suất hơn nhiều phần thịt rắn, những khu vực đó sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Bạn sẽ cảm thấy tai bị ù trên máy bay hoặc thậm chí ở những thang máy chạy nhanh.
Có một màng nhỏ có tên là ống Eustachian (tạm dịch: vòi nhĩ) bên trong tai của bạn làm nhiệm vụ điều chỉnh áp suất giữa khí quyển và áp suất bên trong tai (vì có một túi khí nhỏ tại đây). Thay đổi áp suất có thể khiến ống Eustachian bị đóng lại, tạo ra một khoảng chân không nhỏ tại khu vực bong bóng bên trong tai này. Nhai kẹo cao su hay ngậm kẹo cứng có thể xử lý được chuyện này, vì hành vi nhai nuốt sẽ làm mở ống Eustachian.
Tất cả những giải thích trên đây là để nhấn mạnh rằng tai của con người rất nhạy cảm với thay đổi áp suất, vậy nên chảy máu từ tai có lẽ không phải là điều quá ngạc nhiên khi môi trường trong máy bay bị giảm áp. Tương tự như vậy, những mạch máu mong manh ở mũi cũng sẽ bị vỡ.
>> Tai nạn máy bay lịch sử: Cơ trưởng bị treo bên ngoài cửa sổ ở độ cao 5.300m
Máy bay bị giảm áp như thế nào?
Trong nhiều trường hợp máy bay bị giảm áp đột ngột, thường là do một sự cố nào đó đã xảy ra và lớp gioăng giúp duy trì áp suất bên trong máy bay bị hỏng. Những máy bay lớn được trang bị rất tốt để xử lý chuyện này, khi đó mặt nạ dưỡng khí sẽ rơi xuống và cung cấp đủ oxy cho các phi công để hạ độ cao xuống dưới 3km, không khí tại đây sẽ đủ đặc để giúp tất cả mọi người còn sống và hoạt động. Điều quan trọng là mặt nạ phải rơi xuống ngay lập tức, vì có thể điều nguy hiểm nhất khi mất áp suất không phải những vụ nổ như trong phim, mà chính là chứng giảm ôxy huyết.
Sự giảm ôxy trong máu (hypoxia), rất khó nhận ra nhưng lại có thể phá hủy hoàn toàn năng lực hoạt động của bạn. Và nó diễn ra rất nhanh. Cục quản lý Hàng không Liên bang (FAA) nói rằng:
“Người ta sẽ mất khả năng đưa ra những hành động phòng vệ chính xác sau 20-30 phút ở độ cao 5,4km và từ 5-12 phút ở độ cao 6km, ngay sau đó sẽ là bất tỉnh nhân sự.”
Rất nhiều máy bay thương mại bay cao hơn mức đó, ở khoảng 10,6 km, và ở độ cao đó, bạn chỉ có 30 giây đến 1 phút cho cái gọi là “thời gian tỉnh táo hữu ích” – đây chính là thời gian bạn có thể đưa ra những quyết định kiểu như “liệu tôi có nên đeo mặt nạ dưỡng khí lên hay không?”
Đó là lý do tại sao hành khách lại được yêu cầu đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi giúp đỡ trẻ em; nghe có vẻ vô tình, nhưng những vị phụ huynh giúp con mình trước có thể sẽ mất đi cơ hội tự cứu lấy mình sau khi đeo xong mặt nạ cho con.
FAA cũng cho hay những triệu chứng của giảm ôxy huyết có thể rất khó nhận ra, đặc biệt nếu chúng tới từ từ. Vậy nên nếu bạn chẳng may quên điều áp máy bay và lượng oxy giảm xuống dần dần, thì cũng khó biết được khi nào bạn hay người phi công ngồi cạnh có thể rơi vào trạng thái giảm oxy huyết.
Những triệu chứng ấy là gì? FAA định nghĩa:
“Khả năng đánh giá, trí nhớ, sự cảnh giác, phối hợp và tính toán bị suy giảm, đau đầu, đờ đẫn, hoa mắt chóng mặt và có thể là trạng thái phởn phơ hay hung hăng sẽ xuất hiện.”
Vì các hiện tượng này là rất nghiêm trọng và khó nhận ra, nên rất nhiều phi công – đặc biệt là những người phục vụ trong quân đội – được đào tạo để trải nghiệm điều gì sẽ xảy ra với họ và biết được điều đó xảy ra như thế nào với đồng nghiệp của mình.
Trong thực tế, một nhóm phi công được đeo mặt nạ dưỡng khí rồi đưa vào một phòng áp suất thấp. Sau đó một người trong số họ sẽ tháo mặt nạ ra và được chỉ định thực hiện một số công việc đơn giản để những người khác thấy khi nào anh ta mất khả năng suy nghĩ một cách bình thường. Các bạn có thể tham khảo trong video dưới đây:
Chỉ trong một vài phút, người phi công kia mất khả năng nói cho bạn biết lá bài anh ta đang nhìn là gì – chứ chưa nói đến chuyện thông báo cho hành khách hoặc lái một chiếc máy bay bị hỏng.
>> Vì sao có một lỗ nhỏ ở cửa sổ máy bay?
Sẽ rất nghiêm trọng nếu chứng giảm ôxy huyết diễn ra trước khi các phi công kịp nhận ra vấn đề. Trường hợp tồi tệ nhất sẽ giống như những gì diễn ra với chuyến bay 522 của hãng hàng không Helio Airways đi từ Đảo Síp đến Athen năm 2005.
Phi hành đoàn của chuyến bay trước đó đã lưu ý về một vấn đề với phần gioăng cửa, và để xử lý vấn đề này, một kỹ sư đã phải chuyển hệ thống điều áp sang chế độ thủ công. Anh ấy sửa xong cánh cửa, nhưng quên mất phải chuyển hệ thống lại chế độ tự động, và rồi nhóm kiểm tra máy bay cũng không sửa sai cho đồng nghiệp của mình trong 3 vòng kiểm tra độc lập của họ. Các phi công cũng không nhận ra đèn hiệu cảnh báo đã nhấp nháy nhiều lần.
Cuối cùng, họ gọi bằng radio để hỏi về hệ thống làm lạnh, người kỹ sư đãng trí kia đã yêu cầu các phi công xác nhận lại xem hệ thống điều áp đã được chuyển sang chế độ tự động hay chưa. Nhưng không may là các phi công đã rơi vào trạng thái giảm ôxy huyết và tiếp tục nhắc về hệ thống làm lạnh mà không hiểu ra chuyện gì đang xảy ra. Hầu như mọi người trong khoang đều mất nhận thức và máy bay tiếp tục chế độ bay tự động đến Athen, nơi nó chuyển sang chế độ chờ. Không lâu sau đó, động cơ kiệt sức sau khi hết nhiên liệu và máy bay đâm xuống vùng đồi núi ngoại ô Athen, cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người.
Mặc dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, các nạn nhân vẫn có thể sống sót. Một máy bay của hãng hàng không Southwest bị thủng một lỗ kích thước 43cm trên thân khi đang bay ở độ cao hơn 10km, nhưng thật may là không ai thiệt mạng. Hai năm sau một chiếc máy bay khác cũng của hãng này bị hư một điểm nối và xuất hiện một vết cắt dài 1,5m trên thân. Nhưng một lần nữa, tất cả mọi người vẫn đến đích an toàn.
Vậy nên nếu bạn có không may có mặt trên một chuyến bay bị mất áp suất, hãy yên tâm rằng bạn gần như chắc chắn sẽ an toàn. Hãy đeo mặt nạ dưỡng khí lên (cho mình trước rồi sau đó giúp đỡ mọi người), có thể bạn sẽ hoảng sợ một chút khi máy bay đột ngột hạ thấp độ cao. Trong đa số các trường hợp thì những phi công được huấn luyện chuyên nghiệp sẽ đưa máy bay xuống mặt đất mà không sứt mẻ gì.
Từ khóa kiến thức hữu ích an toàn bay tai nạn máy bay máy bay