Nếu được hỏi bộ não dùng để làm gì, tất nhiên, mọi người đều sẽ trả lời ngay là bộ não dùng để suy nghĩ. Tất nhiên, bộ não đóng vai trò quan trọng cho việc suy nghĩ, nhưng có khá nhiều nhà tâm lý học và nhà khoa học về tư duy trong thế kỷ 21 cho rằng cả cơ thể cũng phải tham gia thì chúng ta mới có thể suy nghĩ.

Hiểu về bộ não: Vì sao chúng ta luôn phải quơ tay khi nói?
(Ảnh: Shutterstock)

Bộ não không chỉ cần cơ thể nuôi sống nó, bộ não và cơ thể còn cần phối hợp với nhau thì việc tư duy mới diễn ra suôn sẻ được, theo quyển sách mới nhất về chủ đề này “Mind in Motion: How Action Shapes Thought,” (tạm dịch: Trí não khi hoạt động: Hành động định hình suy nghĩ như thế nào) của bà Barbara Tversky, giáo sư danh dự khoa tâm lý của đại học Stanford.

Bà Barbara đi sâu vào phân tích các cử chỉ của con người: chúng ta luôn thực hiện cử chỉ, chúng ta “quơ” tay khi nói và hiểu hiện các ngôn ngữ cơ thể… đây không chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình nói, mà còn giúp chúng ta có thể tư duy.

Bà Barbara đưa ra thí nghiệm nhỏ sau: “Hãy thử ngồi lên 2 bàn tay bạn. Sau đó nói thành tiếng và kể lại xem bạn đã đi từ nhà tới siêu thị, trạm xe lửa, văn phòng hay trường học như thế nào.”

Hóa ra, điều này rất khó khăn. Khi chúng ta không thể ra dấu tay, chúng ta nói rất khó, “khó nghĩ ra đúng từ để dùng,” bà Barbara viết trong sách. Ví dụ trên không chỉ là một thử nghiệm giả tưởng, nó đã được xác nhận trong phòng thí nghiệm. Ngay cả người bị mù bẩm sinh cũng quơ tay khi nói.

 

Tư duy về không gian cũng dựa vào loại cử chỉ này. Khi chúng ta dùng tay để chỉ “ở đằng kia”, trong đầu ta đã hình thảnh bản đồ, sơ đồ về thế giới xung quanh. Đó có thể là bản đồ hữu hình thế giới thật hay chỉ là dạng sơ đồ thuần túy trong tư duy. Các tài xế chuyên nghiệp rất giỏi trong việc định vị bản đồ trong không gian, ví dụ, một nghiên cứu nổi tiếng từng cho thấy, tài xế taxi lành nghề ở London có thể nhớ sơ đồ của 25.000 con đường và hàng nghìn điểm mốc tại thủ đô của nước Anh.

Chúng ta không chỉ tưởng tượng được về các vật thể được sắp xếp trong không gian, chúng ta còn có thể tưởng tượng các vị trí trong thời gian. Theo cách nào đó, chúng ta tư duy về thời gian cũng y hệt như cách tư duy về không gian. Đa số chúng ta đều nhận thức rằng tương lai nằm ở “phía trước”, quá khứ ở “sau lưng”. Tuy nhiên, một số tộc người như Aymara ở dãy núi Andes Nam Mỹ lại tư duy ngược lại.

>> Nghiên cứu hàng ngàn trải nghiệm cận tử: Tinh thần con người độc lập với bộ não

Dường như con người đều tư duy về thời gian theo đường thẳng. Tuy nhiều dân tộc có các quan niệm về chu kỳ thời gian (các ngày xoay vòng, các mùa, các năm…) ví dụ như người Hoa, nhưng khi thí nghiệm về tư duy, bà Barbara nhận thấy “Người Hoa cũng phản xạ hệt như người Mỹ, đa số là dùng tư duy đường thẳng để nghĩ về các sự kiện chu kỳ.”

Nhưng tư duy về thời gian cũng dễ gây ra sự khó hiểu nếu không chỉ rõ phương hướng. Ví dụ, trong một câu hỏi khảo sát, bà Barbara hỏi: “Khi nhận được thông báo rằng cuộc họp ngày thứ 4 sẽ “được tiến về 2 ngày”, bạn hiểu như thế nào?” Một nửa số người có thể cho rằng cuộc họp dời về thứ 2, còn một nửa cho rằng là thứ 6.

Theo Undark,
Phong Trần