Hôm 24/2 vừa qua, các bác sĩ ở Hungary đã bắt đầu sử dụng vắc-xin COVID-19 được phát triển tại Trung Quốc, qua đó biến đất nước này trở thành quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng vắc-xin của Trung Quốc. 

vắc-xin
(Ảnh minh họa: rawf8/Shutterstock)

Các bác sĩ đa khoa trên khắp đất nước Trung Âu đã được hướng dẫn tiêm vắc-xin do công ty nhà nước Trung Quốc Sinopharm phát triển cho các bệnh nhân cao tuổi. Vắc-xin Sinopharm đã nâng số lượng vắc-xin hiện đang được sử dụng ở Hungary lên con số 5, bao gồm cả loại Sputnik V do Nga phát triển, nhiều hơn bất kỳ đất nước nào khác trong 27 quốc gia thuộc EU.

Chính phủ Hungary đã chỉ trích gay gắt về tốc độ chậm chạp của chương trình mua sắm vắc-xin của EU, và tìm cách mua vắc-xin từ các nước như Trung Quốc và Nga, bất chấp các cuộc thăm dò cho thấy người dân Hungary có mức độ tin tưởng thấp đối với những loại vắc-xin này.

Một cuộc khảo sát trên 1.000 người ở thủ đô Budapest của trung tâm thăm dò ý kiến ​​Median và Trung tâm Nghiên cứu 21 cho thấy rằng trong số những người sẵn sàng tiêm chủng, chỉ có 27% sẽ sử dụng vắc-xin của Trung Quốc và 43% sử dụng loại vắc-xin của Nga, so với 84% những người sẽ sử dụng vắc-xin phát triển ở các nước phương Tây. Cuộc thăm dò, được tiến hành vào cuối tháng 1/2021, có sai số cộng hoặc trừ 3%.

Tuy nhiên, các quan chức Hungary kỳ vọng rằng vắc-xin Sinopharm, đã được chấp thuận lần cuối vào tuần trước, sẽ tạo ra một sự gia tăng mạnh mẽ trong tỷ lệ tiêm chủng của đất nước: có thể có tới 368.000 người được tiêm chủng chỉ trong tuần này, so với 471.000 người đã được tiêm kể từ khi việc tiêm chủng bắt đầu vào tháng 12/2020, thư ký tiểu bang, bác sĩ Istvan Gyorgy cho biết hôm 23/2, đồng thời nói thêm rằng có 275.000 người sẽ được tiêm vắc-xin Sinopharm trong tuần này.

Tại Budapest, bác sĩ Zoltan Komaromi đã bắt đầu sử dụng vắc-xin Sinopharm hôm 24/2 bất chấp những lo ngại cá nhân của ông về kích thước của các mẫu thử nghiệm và điều mà ông cho là áp lực từ các quan chức chính phủ cấp cao đối với các cơ quan chăm sóc sức khỏe của Hungary để phê duyệt loại vắc-xin này.

Ông nói: “Có một sự không chắc chắn ở đây, bởi các chính trị gia cứ nói qua nói lại về vấn đề vắc-xin. Mọi chuyện có vẻ rất tồi tệ đối với những người bình thường khi bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng đã kêu gọi các cơ quan chức năng chính thức phê duyệt loại của hãng Sinopharm.”

Komaromi, phát ngôn viên y tế của một đảng đối lập ở Hungary, đã nhận được 55 liều vắc-xin vào 24/2 và gửi email cho bệnh nhân của mình, trong đó thông báo về tất cả các rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra. Trong số 120 bệnh nhân mà ông tiếp xúc, có 22 bệnh nhân nói rằng họ sẽ tiêm chủng và 75 người từ chối.

Chính phủ Hungary đã cáo buộc các đảng đối lập gây mất lòng tin trong cộng đồng vào chương trình tiêm chủng của mình, đặc biệt là liên quan đến những loại vắc-xin được mua ngoài khuôn khổ EU.

Việc sụt giảm đều các trường hợp mắc và tử vong do virus corona mới bắt đầu vào cuối tháng 12/2020, nhưng tình thế đã đảo ngược vào đầu tháng này, và chính phủ đã nhấn mạnh rằng tăng tốc tiêm chủng là cách duy nhất để đối đầu với “làn sóng thứ 3” của đại dịch COVID-19 hiển hiện ngay trước mắt. Nỗ lực mua sắm của Hungary đã giúp cho nước này vươn lên vị trí đầu tiên ở EU về số liều được phân phối cho quốc gia tính trên 100 dân, theo dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, một cơ quan của EU.

Hungary đã đồng ý mua 5 triệu liều vắc-xin Sinopharm trong vòng 4 tháng tới, đủ để cho 2,5 triệu người tiêm 2 liều tại quốc gia có khoảng 10 triệu dân này. Việc sử dụng thành công số lượng vắc-xin đó sẽ phụ thuộc vào mức độ tin tưởng của công chúng đối với vắc-xin của Trung Quốc và Nga, điều mà Komaromi cho biết đã bị xói mòn sau khi chúng được chấp thuận ở Hungary mà không được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, cơ quan quản lý dược phẩm của EU, kiểm tra.

“Các bệnh nhân cảm thấy điều này, họ biết, họ theo dõi tin tức và không may là chúng tôi (các bác sĩ) phải vượt qua cảm xúc phẫn uất trong họ, từng người một,” ông nói.

Tính đến hôm 24/2, có 550.000 liều vắc-xin Sinopharm, 774.000 liều vắc-xin của hãng Pfizer-BioNtech và các lô hàng vắc-xin nhỏ hơn từ các hãng AstraZeneca, Moderna và Sputnik V của Nga đã được phân phối.

Theo Breitbart,

Phan Anh

Xem thêm: