Kênh Youtube kiếm tiền nhiều nhất 2018 thuộc về… một cậu bé 7 tuổi
- Quốc Hùng
- •
Theo Forbes, kênh video kiếm được nhiều tiền nhất năm 2018 (tính từ thời điểm ngày 1/6/2017) là kênh Ryan Toysreview của cậu bé 7 tuổi Ryan. Cậu đã đánh bại kênh Tube của Jake Paul với khoảng cách 500 nghìn đôla và mang về tổng cộng 22 triệu đôla chỉ riêng trong năm nay.
Quá nhiều cho một chú bé mới bước vào tiểu học phải không?
Ryan là một thành viên của thế giới “unboxing” (tạm dịch: đập hộp), nơi những người làm video mở các món hàng trước máy quay rồi tha hồ hái ra tiền.
Trong một video mới đăng hôm 3/12, Ryan đã thu hút được hơn 2,8 triệu lượt xem cậu mở các quả trứng khổng lồ để tìm đồ chơi của Disney Cars.
Nhưng 2,8 triệu lượt xem vẫn chưa thấm vào đâu so với 17,3 triệu lượt người theo dõi, và gần 26 tỷ lượt xem kể từ khi kênh của cậu được bố mẹ chính thức ra mắt tháng 3 năm 2015… khi cậu mới 3 tuổi.
Cậu bé vàng của ngành quảng cáo đồ chơi
Khoảng 21 triệu đô thu nhập của cậu đến từ doanh thu quảng cáo trên kênh, 1 triệu đô còn lại đến từ các video được các nhà sản xuất trả tiền. Nói cách khác, các khán giả của Ryan xem các video của cậu như điên như dại, nhưng chúng không thực sự thôi thúc người ta mua các món đồ chơi đó.
Nhưng rõ ràng, sự thèm khát nhìn ngắm đồ chơi của những con nghiện nhỏ tuổi kia lại chính là mấu chốt vấn đề. Chas Lacailade, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty Bottle Rocket Management và là đại lý cho rất nhiều “người đập hộp,” nhưng không phải của Ryan, cho biết: “Đập hộp cho phép người ta tận hưởng niềm vui được nhận và mở cái gì đó mà họ thực sự khao khát. Điều tuyệt vời nhất của việc được sở hữu thứ gì đó sau này là được trải nghiệm nó qua công nghệ số, được xem ai đó chơi với nó.”
Vậy nên, ai cần thực sự trải nghiệm niềm vui ấy khi họ có thể xem nó trên YouTube?
>> Youtube mạnh tay cắt quảng cáo video, các chủ kênh ‘than trời’
Ông trùm nhí Ryan
Khi không phải dành thời gian cho giấc mơ của những đứa trẻ khác, Ryan là một ông trùm nhí thực sự. Tháng 10 vừa rồi cậu đã ký hợp đồng với Hulu và Amazon để sắp xếp và phân phối lại các nội dung trên kênh YouTube của cậu. Tháng 8, cậu công bố thương hiệu Ryan’s World chuyên bán đồ chơi và thời trang tại chuỗi siêu thị Walmart và Target. Ryan thậm chí còn là giám đốc sáng tạo cho thương hiệu riêng của mình.
Chúng ta có thể nói gì đây? Một số đứa trẻ còn không biết tự xúc ăn, còn một số khác thì đang vận hành những thương hiệu trị giá hàng chục triệu đôla.
Vậy số tài sản kếch xù của Ryan được xử lý ra sao? Vì cậu vẫn còn nhỏ, nên 15% thu nhập của Ryan được chuyển tới một tài khoản riêng theo luật California (Child Actor’s Bill) để giữ tại đó cho đến khi cậu trưởng thành. Một phần lớn còn lại có thể được trả cho phí quản lý và phí sản xuất video – cũng như để mua tất cả những món đồ chơi kia.
Vậy nếu giả sử như ngày mai, Ryan quyết định không muốn phát sóng những cuộc phiêu lưu với đồ chơi của mình cho thế giới nữa thì sao? Vâng, có lẽ những người quản lý và đại lý của cậu sẽ không vui cho lắm. Nhưng với Ryan, “cậu đã có đủ tiền để sống nhiều kiếp rồi,” Lacailade cho biết.
Thu nhập dự kiến của Ryan được tính toán trong khoảng thời gian từ 1/6/2017 đến 1/6/2018. Số liệu là trước thuế; phí cho đại lý, người quản lý và luật sư chưa bị khấu trừ. Con số thu nhập được dựa trên số liệu từ Captiv8, Social Blade và Pollstar, cũng như phỏng vấn từ những chuyên gia trong ngành truyền thông.
Từ khóa youtube quảng cáo online đập hộp