Bút ‘thần kỳ’ có thể phát hiện mô ung thư chỉ sau 10 giây (video)
Các nhà khoa học tại ĐH Texas cho biết họ vừa phát minh ra một thiết bị cầm tay có thể xác định mô ung thư trong thời gian ngắn kỷ lục.
Chiếc “bút MasSpec” này có thể nâng cao tốc độ thử nghiệm lên 150 lần và giúp quá trình phẫu thuật loại bỏ khối u trở nên chính xác hơn.
“Nếu bạn hỏi chuyện một bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật, một trong những điều đầu tiên họ sẽ nói là ‘tôi hy vọng các bác sĩ phẫu thuật đã lấy hết mô ung thư ra,’” theo bà Livia Schiavinato Eberlin, giảng viên hóa học tại ĐH Texas ở Austin – người thiết kế nghiên cứu này và dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
“Thật đau lòng khi điều đó [loại bỏ hoàn toàn ung thư] không xảy ra. Nhưng công nghệ của chúng ta có thể cải thiện to lớn tỷ lệ loại bỏ tới tận các mô ung thư cuối cùng trong phẫu thuật,” bà viết trên website của đại học Texas.
Theo tóm tắt nghiên cứu, các mẫu thử từ 253 bệnh nhân ung thư chỉ mất khoảng 10 giây để xử lý và độ chính xác đo được là 96%. Các mẫu này được lấy trên các mô ung thư vú, phối, tuyến giáp và tử cung.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.
Cơ chế hoạt động của bút MasSpec
Theo các nhà khoa học giải thích, mỗi loại ung thư có cấu trúc phân tử riêng, đóng vai trò như “dấu vân tay” để phân loại chúng.
Khi đặt “bút MasSpec” lên mô của bệnh nhân, một giọt nước sẽ được đầu bút nhỏ ra để hấp thụ các phân tử của mô.
Cây bút sau đó mang giọt nước chứa các loại phân tử vào một chiếc máy lớn để quét quang phổ nhằm xác định xem có chứa ung thư hay không.
Khi bút hoàn thành việc phân tích, nó sẽ báo cáo kết quả “bình thường” hay “ung thư” lên một màn hình cho bác sĩ xem.
“Giờ đây chúng tôi có thể tiến hành phẫu thuật chính xác hơn, nhanh và an toàn hơn, đó là điều chúng tôi mong mỏi,” theo ông James Suliburk, trưởng khoa phẫu thuật nội tiết tại ĐH Y khoa Baylor và người hợp tác với nghiên cứu này, cho biết.
Hiện nay, thông thường các mẫu xét nghiệm trong phẫu thuật sẽ được gửi tới một chuyên gia bệnh học để phân tích. Họ sẽ tiến hành phân tích song song với cuộc phẫu thuật, nhưng chắc chắn sẽ tốn nhiều hơn 10 giây. Bà Eberlin cho biết quy trình dùng cho các bệnh viện hiện nay cũng có độ chính xác rất cao, tuy nhiên, các công cụ phân tích dựa trên quang phổ đang có lại yêu cầu hoạt động bên ngoài phòng phẫu thuật.
Hiện phát minh này đang đợi được phê duyệt và các nhà khoa học đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận sáng chế tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chiếc bút này cũng có một vài hạn chế. Thứ nhất, chiếc máy quét quang phổ kết nối với chiếc bút vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, thiết bị này vẫn cần được thử nghiệm trên nhiều mẫu thử hơn, và đem vào dùng thật trong các cuộc phẫu thuật để chắc chắn rằng nó vẫn hoạt động tốt như kỳ vọng.
Theo CNBC, StatNews,
Phong Trần tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa phát minh Nghiên cứu khoa học Phẫu thuật y học