Nepal cấm TikTok vì làm suy yếu sự hòa hợp xã hội
- Bình Minh
- •
Hôm thứ Hai (13/11), Chính phủ Nepal đã quyết định cấm ứng dụng mạng xã hội phổ biến TikTok, vì cho rằng nó làm suy yếu “sự hòa hợp xã hội” của đất nước.
Thông báo được đưa ra sau cuộc họp nội các. Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Narayan Prakash Saud cho biết, ứng dụng này sẽ bị cấm ngay lập tức.
TikTok là phiên bản nước ngoài của nền tảng chia sẻ video ngắn Douyin của Trung Quốc. Công ty mẹ của TikTok là ByteDance của Trung Quốc.
Ông Saud cho biết, Chính phủ Nepal quyết định cấm TikTok, vì cần phải quản lý việc sử dụng nền tảng truyền thông xã hội này, nó phá hủy sự hài hòa, thiện chí xã hội và truyền bá nội dung không đứng đắn.
Ông nói, để buộc các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau phải chịu trách nhiệm, chính phủ đã yêu cầu các công ty này đăng ký và mở văn phòng liên lạc ở Nepal, nộp thuế và tuân thủ luật pháp và quy định của nước này.
Chính phủ Nepal cho biết, mặc dù tự do ngôn luận là quyền cơ bản, nhưng một lượng lớn người dân đã chỉ trích TikTok, vì khuyến khích xu hướng ngôn từ kích động thù địch. Trong 4 năm qua, 1.647 trường hợp tội phạm mạng đã được báo cáo trên phần mềm này.
Không rõ điều gì đã gây ra lệnh cấm, hoặc liệu TikTok có từ chối tuân thủ các yêu cầu của Nepal hay không. TikTok đã không trả lời ngay lập tức email yêu cầu bình luận từ AP.
TikTok phải đối mặt với sự giám sát ở một số quốc gia, vì lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng hoặc thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
TikTok liên tục phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc, và cho biết họ sẽ không làm như vậy ngay cả khi được yêu cầu. Nhưng các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh và New Zealand vẫn cấm ứng dụng này trên điện thoại của nhân viên chính phủ.
Nepal đã cấm tất cả các trang web khiêu dâm vào năm 2018.
Cách đây vài ngày, Chính phủ Nepal đã đưa ra “Chỉ thị hoạt động mạng xã hội năm 2023”. Theo quy định mới, các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở Nepal phải thành lập văn phòng tại quốc gia này.
Cuộc họp nội các nước này đã yêu cầu các trang truyền thông xã hội như Facebook, X (trước đây là Twitter), TikTok và YouTube mở văn phòng liên lạc ở Nepal.
Nhiều người đã phàn nàn rằng các công ty này không có đại diện ở Nepal, khiến chính quyền gặp khó khăn trong việc giải quyết những lo ngại của người dùng hoặc thậm chí khó có thể xóa những nội dung phản cảm khỏi các nền tảng này.
Các công ty nêu trên phải thành lập văn phòng tại Nepal hoặc bổ nhiệm điều phối viên trong vòng 3 tháng kể từ khi thực hiện chỉ thị. Các công ty cũng phải đăng ký nền tảng truyền thông xã hội của mình với Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, và Bộ này có thể đóng cửa những nền tảng chưa được đăng ký ở Nepal.
Từ khóa Nepal TikTok Cấm TikTok Nghiện TikTok