Tổng giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg, đã thừa nhận rằng các cơ quan an ninh của Hoa Kỳ, bao gồm cả CIA, có thể truy cập tin nhắn WhatsApp bằng cách đăng nhập từ xa vào thiết bị của người dùng, qua đó vượt qua hệ thống mã hóa đầu-cuối của nền tảng này.

shutterstock 1009504162
(Nguồn: BigTunaOnline/ Shutterstock)

Trong buổi trò chuyện trên chương trình podcast Joe Rogan Experience vào thứ Sáu (10/1), ông Zuckerberg giải thích rằng mặc dù mã hóa của WhatsApp ngăn cản Meta xem nội dung tin nhắn, nhưng điều đó không bảo vệ người dùng khỏi việc thiết bị của họ bị xâm nhập trực tiếp.

Những lời chia sẻ của ông Zuckerberg được đưa ra nhằm trả lời câu hỏi của ông Joe Rogan về việc ông Tucker Carlson nỗ lực thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vào tháng Hai năm ngoái, khi phát biểu về việc cuối cùng đã thành công nói chuyện với Tổng thống Putin sau ba năm nỗ lực không thành, ông Carlson đã lên tiếng chỉ trích các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, cụ thể là NSA và CIA, vì đã cản trở các nỗ lực của ông. Theo ông Carlson, các cơ quan này đã do thám ông bằng cách theo dõi tin nhắn và email, rồi sau đó cố ý rò rỉ ý định của ông cho giới truyền thông, khiến Moskva lo ngại và không muốn hợp tác. Ông Rogan đã đặt câu hỏi với ông Zuckerberg: Làm thế nào điều này có thể xảy ra khi các biện pháp mã hóa được cho là đủ mạnh để bảo vệ tin nhắn?

Điều mà mã hóa làm rất tốt là nó đảm bảo rằng công ty điều hành dịch vụ không thể xem được [nội dung]. Vì vậy, nếu bạn sử dụng WhatsApp, sẽ không có [bất kỳ] thời điểm nào mà máy chủ của Meta có thể nhìn thấy nội dung của tin nhắn đó”, ông Zuckerberg giải thích, lưu ý rằng ngay cả khi ai đó xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của Meta, họ cũng không thể truy cập tin nhắn cá nhân của người dùng. Ông Zuckerberg cũng nhấn mạnh rằng ứng dụng nhắn tin Signal, mà ông Carlson sử dụng, cũng sử dụng mã hóa tương tự nên các quy tắc bảo mật tương tự cũng được áp dụng. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng mã hóa không ngăn được cơ quan thực thi pháp luật xem tin nhắn lưu trữ trên thiết bị.

Họ chỉ cần truy cập vào điện thoại của bạn. Vì vậy, dù có mã hóa thế nào đi nữa, họ vẫn có thể nhìn thấy nội dung một cách rõ ràng”, ông Zuckerberg giải thích. Ngoài ra, ông Zuckerberg cũng đề cập đến các công cụ như Pegasus, một phần mềm gián điệp được phát triển bởi công ty NSO Group của Israel, có thể được cài đặt ngầm trên điện thoại di động để truy cập dữ liệu.

Theo ông Zuckerberg, một thực tế rằng tin nhắn riêng tư của người dùng có thể bị đe dọa bởi việc xâm nhập trực tiếp vào thiết bị chính là lý do Meta tạo ra tính năng tin nhắn tự hủy, nơi người dùng có thể cài đặt tin nhắn tự động xóa sau một khoảng thời gian nhất định.

Nếu ai đó đã xâm nhập vào điện thoại của bạn và có thể thấy mọi thứ đang diễn ra, thì rõ ràng họ có thể nhìn thấy mọi thứ khi nó được gửi đến… Vì vậy, việc tin nhắn được mã hóa và tự hủy, tôi nghĩ rằng đó là một tiêu chuẩn khá tốt về an ninh và sự riêng tư”, ông Zuckerberg nhấn mạnh.

Những bình luận của ông Zuckerberg được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi về quyền riêng tư kỹ thuật số và việc giám sát của chính phủ. Mặc dù mã hóa đầu-cuối được ca ngợi vì khả năng bảo vệ dữ liệu người dùng, nhưng các cơ quan như CIA và FBI lại cho rằng nó có thể cản trở những nỗ lực chống tội phạm và khủng bố. Một tài liệu huấn luyện của FBI vào năm 2021 cho thấy rằng cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ có thể có được quyền truy cập hạn chế vào tin nhắn được mã hóa từ các dịch vụ như iMessage, Line, và WhatsApp, nhưng không thể từ các nền tảng như Signal, Telegram, Threema, Viber, WeChat hoặc Wickr. Ngoài ra, mặc dù tin nhắn được mã hóa không thể bị can thiệp trong quá trình truyền tải, nhưng các báo cáo cho thấy rằng các bản sao lưu lưu trữ trên các dịch vụ đám mây có thể được truy cập bởi cơ quan thực thi pháp luật nếu chìa khóa mã hóa được liên kết.

Thiên Vân