Tòa án Ấn Độ yêu cầu Chính phủ khôi phục Taj Mahal hoặc phá hủy nó
- Phan Anh
- •
Người ta từng tương truyền rằng đền Taj Mahal thể hiện các màu sắc khác nhau tùy theo từng thời điểm trong ngày, cụ thể, nó có màu hồng nhạt vào buổi sáng, màu trắng sữa vào buổi chiều tối, và màu vàng khi nằm dưới ánh trăng.
Tuy nhiên, sự ô nhiễm nặng nề và quản lý yếu kém hiện nay đã khiến ngôi đền xuống cấp với nhiều chỗ đã bị ngả sang màu vàng nâu, không còn giữ được vẻ tinh khôi như thuở ban đầu. Lên án sự thờ ơ trong việc khôi phục lại Taj Mahal, Tòa án tối cao Ấn Độ gần đây đã yêu cầu Chính phủ khôi phục ngôi đền hoặc phá hủy nó đi.
Tọa lạc tại thành phố Agra, thuộc bang Uttar Pradesh ở phía bắc Ấn Độ, Taj Mahal là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng đẹp nhất trên thế giới. Ngôi đền được xây dựng bởi vua Shah Jahan của vương quốc Mogul như một món quà thể hiện tình yêu vô hạn với người vợ quá cố của mình tên là Mumtaz Mahal, mà sau này cây bút lừng danh Tagore gọi đó là “giọt nước mắt đọng trên má thời gian.”
Taj được xây bằng đá cẩm thạch có màu trắng nhạt và đưa đến thành phố Agra từ vùng Rajasthan thuộc phía tây bắc Ấn Độ. Sau đó nó được khảm bằng đá quý gồm ngọc thạch anh, đá ngọc bích, lam ngọc, đá xanh da trời carnelian. Toàn bộ khu phức hợp ven sông, bao gồm các khu vườn và bức tường bằng đá sa thạch vây quanh được hoàn tất xây dựng vào năm 1653.
Sau bốn thế kỷ, đền Taj đã trở nên xuống cấp do quá trình oxy hóa tự nhiên của đá cẩm thạch. Ngôi đền đã bị tàn phá bởi các trận mưa axit, các muội than từ ống khói công nghiệp và bị xói mòn bởi các chất gây ô nhiễm không khí.
>> Công nghệ cổ đại ở Ấn Độ: Làm sao để đưa bức tượng đá 1.000 tấn lên đỉnh đồi 120m?
Ô nhiễm không khí ở các thành phố tại Ấn Độ thuộc hạng có tiếng và thành phố Agra cũng không phải ngoại lệ. Giống như ở nhiều thành phố tại châu Á, việc gia tăng số lượng xe cộ đã gây ra ách tắc giao thông trên diện rộng, thêm vào đó là không khí độc hại rò rỉ từ các nhà máy lọc dầu và ống khói ở Agra.
Những chất ô nhiễm này, như khí SO2, khí NOx, và các hợp chất chứa cacbon, đã làm vẻ ngoài trắng sáng của đền Taj ngả vàng. Mặc dù chính phủ đã xây dựng một khu vực bảo vệ tầm cỡ với diện tích 4.000 dặm vuông quanh ngôi đền, trong đó lượng phát thải được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên, các bức ảnh đã cho thấy tình trạng xuống cấp nặng nề của đền Taj trong vài năm qua.
Ngưỡng phát thải hợp pháp đã được các nhà phát triển đưa ra tranh luận và sau đó bị bỏ mặc. Người ta vẫn đốt các giàn hỏa thiêu tang lễ mù mịt khói và đốt những đống rác thường xuyên ở rất gần ngôi đền.
Tình trạng ô nhiễm từ dòng sông Yamuna cũng là một trở ngại khác. Chất thải chưa được xử lý và chất thải công nghiệp đổ vào từ thành phố tạo ra nhiều tạp chất trong nước. Những chất này sau đó theo gió đọng lại trong các phần xây bằng đá với bề mặt có nhiều lỗ nhỏ li ti, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có nguồn gốc từ sông phát triển mạnh và làm bề ngoài lớp đá chuyển sang màu xanh lục.
Ngoài ra, phân từ nhiều loài côn trùng phát triển mạnh trong nước sông bị ô nhiễm đã làm gia tăng thiệt hại, tuy nhiên, tác động chắc chắn là không đáng kể gì so với các loại khí SO2 có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và NO2.
Từ năm 1998, một loạt viện nghiên cứu Ấn Độ đã đi tìm phương thức phục hồi và tiêu tốn nhiều tiền để ngăn chặn việc xỉn màu. Một trong các phương án là phủ các loại đất sét ẩm lên ngôi đền Taj – tương tự như việc đắp kem thoa mặt. Người ta hy vọng chúng sẽ hút các axit gây hại ra khỏi bề mặt lớp đá cẩm thạch, tuy nhiên, cách thức này dường như cũng chỉ làm cho tình hình tệ hơn.
>> Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu, để giờ đây “Trái Đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng”?
Hình mẫu tại Anh Quốc
Khoảng 50 năm sau khi hoàn tất việc xây dựng ngôi đền Taj Mahal, ngài Christopher Wren đã thiết kế một công trình ở London với hoài bão tương đương. Nhà thờ St Paul được xây xong vào khoảng năm 1711, nơi an nghỉ cho những người có công với quốc gia, được xây dựng từ loại đá vôi sáng màu với tên gọi Đá Portland.
St Paul đã trải qua nhiều vấn đề tương tự như Taj Mahal, như mưa axit, muội than, các chất gây ô nhiễm không khí, phai màu theo thời gian. Tuy nhiên, sau 40 năm nghiên cứu, mức độ phong hóa đã được nhận thức rõ ràng hơn nhờ các kỹ thuật khoa học như quan sát lặp lại với thiết bị đo độ xói mòn.
Các độc giả lớn tuổi người Anh có thể vẫn nhớ những làn khói đen kịt đã nhấn chìm các thành phố tại Anh vào những năm 1940 và 1950. 400 năm nhiệt điện chạy bằng than, và sau đó là khói phát ra từ xe cộ và các nhà máy điện đốt than, làm cho khí SO2 và các hạt cacbon mịn đạt tới mức độc hại trong không khí ở London.
Vào những buổi tối lạnh, dù vẫn đang là mùa thu, sương mù hóa học dày đặc có thể gây tổn hại đến đá vôi hoặc đá phấn cũng nhiều như với lá phổi của con người. Khi kết hợp với đủ lượng nước mưa nó sẽ tạo ra axit sulfuric hoặc axit nitric yếu, qua nhiều thế kỷ có thể làm xói mòn đá vôi. Khi nhà thờ St. Paul được kiểm tra kỹ càng vào những năm 1980, một số lan can, tường chắn và đồ chạm khắc đã đổ nát hoàn toàn, chỉ còn lại các bề mặt bằng đá được giữ lại bởi lớp vỏ muội than màu đen, che đi những khoảng trống bên dưới.
Lượng muội than và SO2 đã được giới hạn theo quy định pháp luật về môi trường, mặc dù lượng nitơ trong không khí được tạo ra bởi giao thông, đặc biệt là xe chạy bằng dầu diesel, vẫn sẽ gây ra ô nhiễm. Giống như Agra của Ấn Độ, London thường xuyên vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về ô nhiễm không khí.
>> Danh hiệu “di sản UNESCO” đang giết chết các di sản văn hóa?
Tuy nhiên, mức độ phong hóa của St Paul dường như đã giảm đi một nửa với sự sụt giảm SO2 trong khí quyển. Mối quan tâm còn lại liên quan đến các vi sinh vật phát triển trên bề mặt đá, tuy nhiên việc dọn dẹp cẩn thận và phần đá thay thế đã bảo tồn phần lớn nhà thờ này. Người ta vẫn còn phải xét xem liệu đền Taj Mahal có thể được khôi phục theo cách tương tự hay không.
Đền Taj Mahal là một kỳ quan của thế giới hiện đại, tuy nhiên, kho báu quốc gia và tầm cỡ quốc tế này cần phải được khôi phục lại một cách nhanh chóng, nếu không, nó sẽ mất đi ánh hào quang mang tính huyền thoại vốn có.
Từ khóa đền Taj Mahal bảo tồn di sản Ấn Độ công trình kiến trúc