Trung Quốc xây xong kính thiên văn radio lớn nhất thế giới, nhưng thiếu người vận hành
Kính thiên văn radio mới của Trung Quốc đã hoàn thành vào tháng 7/2017, với đường kính kỷ lục 500m, ngốn hết số tiền 180 triệu USD và 5 năm xây dựng.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học trên thế giới vẫn chưa mặn mà lắm với việc ứng tuyển cho vị trí điều hành kính thiên văn này – một mức lương ngất ngưởng lên tới 1,2 triệu USD/năm.
“Tôi biết nhiều nhà thiên văn có thể nhận làm việc này. Họ muốn được trả lương cao, đúng thế, nhưng tiền không mua được thời gian quan sát bầu trời, hay được tiếp cận siêu máy tính, hay chi phí tài trợ cho nghiên cứu sau tiến sĩ và các sinh viên cao học,” Nick Suntzeff, nhà thiên văn học tại ĐH Texas A&M cho biết.
Kính thiên văn này mang tên FAST (Five hundred-meter Aperture Spherical Telescope), là một thiết bị khổng lồ đặt ở vùng núi xa xôi của tỉnh Quý Châu. Nó to gần gấp đôi kính Arecibo đặt tại Puerto Rico do Mỹ điều hành.
Các kính viễn vọng radio thường rất lớn bởi ánh sáng từ các ngôi sao và thiên hà mà chúng quan sát là rất yếu ớt. Tuy nhiên các vật thể có năng lượng mạnh trong vũ trụ như sao xung (pulsar) hay chuẩn tinh (quasar), phát ra quang phổ điện tử ở phần radio mạnh hơn nhiều so với ánh sáng quang học, vì thế kính viễn vọng radio là thiết bị tốt nhất hiện nay để nghiên cứu các vật thể này.
Theo tờ Nam Hoa nhật báo, Trung Quốc đang tìm kiếm nhà khoa học nước ngoài để vận hành đài thiên văn bởi không có nhà thiên văn học Trung Quốc nào đủ kinh nghiệm cho cơ sở với kích thước và độ phức tạp như thế này. Viện khoa học Trung Quốc đã bắt đầu đăng tuyển dụng trên các tạp chí nước ngoài từ tháng 5, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được ứng cử viên đủ năng lực.
Yêu cầu là khá cao: phải có ít nhất 20 năm trong lĩnh vực này, đã từng làm lãnh đạo trong dự án kính thiên văn radio cỡ lớn kèm theo kinh nghiệm quản lý lâu năm. Ngoài ra, ứng viên còn phải có học vị giáo sư hoặc tương đương tại một viện nghiên cứu hoặc đại học đẳng cấp quốc tế.
>> Sau 20 năm, NASA cuối cùng đã lắp ráp xong kính thiên văn không gian James Webb (video)
Có bao nhiêu người đạt được yêu cầu này?
Nick Suntzeff từng giúp dẫn đầu phát hiện ra năng lượng tối và cũng tham gia vào quá trình xây dựng kính Gagellan khổng lồ ở Chile. Ông cho biết, trên thế giới có khoảng 40 nhà thiên văn có thể đáp ứng cho vị trí này ở Trung Quốc. So sánh với các lĩnh vực khác, thiên văn học sóng radio có phạm vi khá nhỏ hẹp.
“Tôi chắc họ sẽ tìm thấy ai đó,” ông nói. “Nhưng đa phần các nhà thiên văn ở Mỹ không thích làm việc tại nước ngoài. Trước đây chúng tôi đã rất khó tìm được người để làm việc tại La Serena, tôi chẳng thể nào hiểu được, nơi đó cảnh tuyệt đẹp còn người Chile thì rất dễ thương.”
Trong cộng đồng khoa học phương Tây còn có câu hỏi về mục đích khoa học của kính thiên văn FAST, bởi ngay cả đối với kính Arecibo, Tổ chức Khoa học Quốc gia của Mỹ cũng đặt nó ở gần cuối danh sách ưu tiên, tức họ có thể cho nó dừng hoạt động để tiết kiệm ngân sách hàng năm 8 triệu USD và dành cho các cơ sở khác mới hơn.
Có lẽ lý do lớn nhất để vận hành kính FAST là để xác định tín hiệu từ các nền văn minh ngoài hành tinh. Dù đó chắc chắn sẽ làm một phát hiện lịch sử mà bất cứ nhà thiên văn nào cũng muốn được ghi dành, nhưng rất ít có khả năng xảy ra. Và có lẽ như vậy là không đủ để một nhà thiên văn xa rời cộng đồng khao học sôi động ở Mỹ, chuyển đến Trung Quốc, học ngôn ngữ mới, và đối đầu với những quy trình phức tạp để vận hành kính thiên văn radio lớn nhất thế giới.
Video về quá trình xây dựng FAST:
Theo Arstechnica,
Sơn Vũ tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa kính thiên văn dự án Trung Quốc thiên văn nhà tuyển dụng