Vì sao máy bay khổng lồ Boeing 747 ngày nay vắng bóng?
- nguyên khánh
- •
Ngày 3/8/1970, chiếc Boeing 747 mang tên “Clipper Victor” của hãng hàng không Pan Am chở 359 hành khách và 19 thành viên phi hành đoàn, đã cất cánh từ sân bay JFK (Mỹ) đến San Juan (Puerto Rico). Chuyến bay số hiệu 299 là một chuyến bay đêm, một trong những đường bay thường xuyên đầu tiên kể từ khi Pan Am cho ra mắt Boeing 747 vào tháng 1/1970.
Lúc đó Esther de la Fuente, một trong những tiếp viên hàng không đầu tiên của Boeing 747 cũng ở trên chuyến bay. Một người đàn ông lùn, có râu đội mũ nồi tiến đến cô. Ông ấy nói: “Tôi muốn đến Cuba.” Esther nghĩ ông ấy đùa và trả lời một cách vui vẻ: “Không, hãy đến Rio. Mùa này ở đó vui hơn.”
Nhưng ông ấy rút súng ra, và đó là vụ cướp máy bay 747 đầu tiên.
Cơ trưởng của Clipper Victor, Augustus Watkins, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đổi hướng tới Havana. Chuyến bay 299 hạ cánh lúc 5:31 phút sáng tại sân bay Jose Marti dưới sự chứng kiến của Fidel Castro.
Khi các hành khách còn đang cố gắng hiểu chuyện gì đang diễn ra, thì cơ trưởng Watkins đã bước ra khỏi máy bay cùng với kẻ không tặc và gặp mặt trực tiếp Fidel Castro ngay sau đó. Nhà lãnh đạo Cuba hỏi hết câu này tới câu khác về chiếc máy bay khổng lồ, chiếc lớn nhất từng hạ cánh trên đất nước ông.
Đó là lần đầu tiên ông tận mắt thấy thấy một chiếc máy bay như vậy.
Thương vụ “lớn”
Chiếc 747 đầu tiên được đưa vào hoạt động ở Everett, Washington, vào ngày 30/9/1968. 5 năm trước khi phi công Watkins bị ép phải hạ cánh xuống Havana, chủ tịch của Pan Am là ông Juan Trippe đã đề nghị CEO của Boeing – Bill Alen – sản xuất cho một chiếc máy bay dài có kích cỡ gấp đôi 707 để khắc phục khó khăn về giới hạn số lượng cổng của các sân bay. Nhà thiết kế của Boeing là Jose Sutter đã tích hợp những thiết kế từ chương trình sản xuất máy bay vận tải khổng lồ Lockheed C-5 Galaxy đương thời. Thời điểm đó họ đã đưa ra 3 thiết kế cho khung của chiếc 747, thiết kế đầu tiên là chồng khung chiếc 707 lên một cái khác, theo Michael Lombardi, nhà nghiên cứu lịch sử Boeing.
“Ý tưởng đầu tiên là một chiếc máy bay trông rất giống A380,” Lombardi nói. Họ không chọn cách đó vì không thể giải phóng cabin nhanh chóng nếu gặp tình trạng khẩn cấp. Sau đó họ nghĩ đến việc đặt hai thân máy bay cạnh nhau, tạo một chiếc máy bay thân rộng. Ý tưởng này là hình mẫu cho tất cả những chiếc máy bay thân rộng kể từ đó.
Video quảng cáo Boeing 747 năm 1969:
Trong thế giới có quá nhiều những chiếc máy bay thân rộng ngày nay như Airbus 380, người ta đã không còn ấn tượng với kích cỡ khổng lồ của chiếc 747 và danh hiệu chiếc máy bay hạng sang của nó. Giới truyền thông phong cho nó cái tên “Jumbo Jet”, chiếc 747-100 to gấp khoảng 1,5 lần chiếc Boeing 707 và có thể chở 440 hành khách, so với con số khiêm tốn 189 hành khách của chiếc 707. Trên thực tế chiếc máy bay quá lớn nên Boeing phải xây một nhà máy mới ở Everett, Washington chỉ để lắp đặt nó. Đây vẫn là tòa nhà có thể tích lớn nhất thế giới.
Boeing dự đoán rằng những chiếc máy bay siêu âm rốt cuộc sẽ chiếm lĩnh các đường bay quốc tế, do vậy họ đã thiết kế cho 747 một cái bướu nổi bật, một cửa sập ở phía trước mũi ngay dưới buồng lái, và một cửa hông rộng đằng sau.
>> Tai nạn máy bay lịch sử: Cơ trưởng bị treo bên ngoài cửa sổ ở độ cao 5.300m
Như chúng ta đã biết, cuối cùng máy bay siêu âm như Concorde đã không còn được dùng trong thương mại, còn 747 đã trở thành một biểu tượng về thiết kế công nghiệp. Cùng với nhiều cải tiến về mặt khí động học, nó là máy bay thương mại đầu tiên tích hợp động cơ phản lực cánh quạt đẩy như được thiết kế cho máy bay C-5. Jumbo cũng đi tiên phong trong thương mại về máy lái tự động khi hạ cánh và thiết bị hạ cánh 4 phần.
“Nữ hoàng của bầu trời”
Vì kích cỡ chiếc 747 là lớn chưa từng thấy nên Boeing lo lắng sẽ khó vận hành. Nhưng các nhà thiết kế và kỹ sư đã cố gắng tìm cách chế tạo để nó dễ lái hơn, cho dù là ở trên mặt đất hay trên không. Trước khi nguyên mẫu được hoàn thành, các nhà thiết kế đã lắp một buồng lái giả trên nóc xe tải để giả lập việc lái một máy bay với khoang điều khiển cao hơn 10m trên mặt đất.
Nỗ lực của Boeing đã được đền đáp. Các phi công miêu tả chiếc 747 dễ lái như chiếc Piper J-3 Cub vậy (một loại máy bay nhỏ chỉ bằng 1/10 chiếc 747).
Chỉ sau 28 tháng chế tạo, chiếc 747 đầu tiên cất cánh lần thứ nhất vào ngày 9/2/1969, và chuyến bay thương mại chở khách đầu tiên hạ cánh vào ngày 22/1/1970 trên tuyến bay New York-London của hãng hàng không Pan Am.
Các phi công yêu thích chiếc 747 cũng như hàng triệu các hành khách đã từng đi trên loại Boeing 747 này. “Cho dù là vì nó là loại máy bay mới hay vì người ta sợ, tất cả các hành khách đều uống [rượu] như điên,” ông Jay Koren, giám đốc chuyến bay của Pan Am nhớ lại.
Với nhiều ghế hạng phổ thông rộng rãi cho đến quán bar trên lầu 2, chiếc 747 là biểu tượng bay có thể thách thức máy bay Concorde rất phong cách của châu Âu. Nó kém hơn về tốc độ nhưng bù lại nhiều hơn bằng sự thoải mái.
“Khi ra đời, nó trở thành loại máy bay mà mọi hãng hàng không đều muốn có,” ông Lombardi nói. “Các hãng hàng không mua loại máy bay này bởi vì họ muốn dùng nó làm máy bay đầu đàn, thậm chí ngay cả khi họ không có chỗ để nó.”
Xét trên nhiều phương diện, nó là chiếc máy bay đầu tiên thực sự hiện đại hóa ngành hàng không. Ông Lombardi nói khả năng chở nhiều hành khách của 747 đã giúp làm giảm giá vé. Mặc dù chi phí tăng lên và cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 70 suýt làm Boeing phá sản, nhưng 747 vẫn là “máy in tiền dài hạn” cho Boeing.
Với biệt danh “jumbo jet” và “nữ hoàng của bầu trời,” chiếc 747 từng xuất hiện trên các con tem, một biểu tượng của công nghệ, làm phông nền trong phim ảnh, TV và biểu tượng bay của Tổng thống Mỹ – chiếc Air Force One.
Máy bay khổng lồ đa năng
Theo dự báo trong 20 năm tới của Boeing, hãng thấy rằng nhu cầu cho các dòng máy bay khổng lồ là không đủ lớn. Các hãng hàng không ưa chuộng hơn các máy bay 2 động cơ Boeing 777X hoặc Airbus A350 bởi chúng vẫn có thể bay rất xa trong khi dùng ít nhiên liệu hơn. Và với số ghế ít hơn, các hãng hàng không cũng sắp xếp việc đăng ký chỗ ngồi dễ dàng hơn.
Airbus cũng gặp vấn đề trong việc bán máy bay cỡ lớn A380, và đang có kế hoạch quảng bá cho các dòng nhỏ hơn.
Mặc dù Boeing 747 chở khách đã ngừng phục vụ trong phạm vi nội địa Mỹ sau ngày 3/1/2018, nhưng hơn 400 chiếc 747 vẫn tiếp tục được sử dụng trên thế giới. 8 phiên bản thương mại đã được xây dựng, trong đó có phiên bản vận tải 747-8F vẫn đang sản xuất. Vì có những loại máy bay nhỏ hơn 747 một chút nhưng hiệu quả hơn, ví dụ như chiếc 777 của chính Boeing, nên trong thời gian ngắn thôi người ta sẽ không sử dụng 747 làm máy bay chở khách nữa. Nhưng kích cỡ của 747 và thiết kế hướng vận tải của nó vẫn khiến người ta chọn nó làm máy bay chở hàng trong hàng chục năm nữa.
VC-25 là một loại trong dòng Boeing 747 này, nó sẽ vẫn được dùng để chở tổng thống Mỹ. Ngoài ra Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả-rập Xê-út đều dùng 747 để chở nguyên thủ quốc gia. Các máy bay 747 đã từng chở mọi thứ từ chiếc súng Laser thử nghiệm trên không, cho đến tàu con thoi, làm máy chữa cháy hạng nặng v.v.
Bãi đậu máy bay Pinal tại Tucson, Arizona, Mỹ là nơi an nghỉ cuối cùng cho những chiếc 747 đã về hưu của hãng hàng không Delta. Chiếc 747 cuối cùng với nick name là “Nữ Hoàng” đã tham gia vào “hàng ngũ” này vào ngày 3/1/2018.
Theo Popular Mechanics
Thành Đô
Từ khóa hàng không máy bay máy bay Boeing American Airlines Boeing 747