Vì sao loài gấu trúc có màu trắng và đen?
Vì sao gấu trúc lại có màu lông khoang trắng và đen đặc trưng như vậy? Câu hỏi làm đau đầu các nhà sinh vật học trong nhiều năm, giờ đây một câu trả lời đã được đưa ra.
Thiên nhiên vẫn luôn đặt ra những bí ẩn cho con người, và kèm theo đó là những điều đẹp đẽ khi các sinh vật vừa phải đấu tranh sinh tồn nhưng cũng chung sống hòa hợp trong cùng một hệ sinh thái. Lấy ngựa vằn là ví dụ, vì sao ngựa vằn có sọc trắng và đen? Không chỉ làm các loài ăn thịt “lóa mắt” khi đàn ngựa vằn cùng chạy với nhau, sọc trắng đen còn giúp loài ăn cỏ này tránh khỏi những con côn trùng hút máu như ruồi trâu và ruồi xê-xê (tsetse), theo một nghiên cứu công bố năm 2016.
Trong đa số trường hợp, sẽ rất dễ phán đoán vì sao động vật có màu sắc và hoa văn như vậy, ví dụ: dễ hiểu, vì sao cáo Bắc Cực có màu trắng. Nhưng gấu trúc lại không đơn giản như thế. Ngoài việc biến những con gấu trúc trưởng thành thành những khối tròn ục ịch di động, những khối màu trắng và đen như trong phim hoạt hình này phục vụ mục đích gì?
Đó cũng là câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu của ĐH California ở Davis và ĐH Bang California ở Long Beach. Họ đã xác định được rằng những vết màu trắng và đen đặc trưng của gấu trúc có 2 chức năng: ngụy trang và giao tiếp.
“Vì sao gấu trúc khổng lồ có màu trắng ấn tượng như vậy, đây đã luôn là một vấn đề lâu dài trong ngành sinh học, rất khó để xử lý vì gần như chẳng có loài có vú nào sở hữu ngoại hình này, làm cho việc so sánh khó khăn,” tác giả chính của nghiên cứu – GS. Tim Caro cho biết. “Đột phá của nghiên cứu này nằm ở chỗ phân tích mỗi phần của cơ thể như một khu vực độc lập.”
Nhóm nghiên cứu đã so sánh các vùng khác nhau trên bộ lông gấu trúc với màu sắc tối sáng của 195 loài ăn thịt và 39 loài gấu khác. Từ đó, họ so sánh vùng lông tối với những biến số đa dạng về sinh thái và hành vi để xác định chức năng của chúng.
Theo đó, phần màu trắng ở mặt, cổ, bụng và mông có vai trò giúp gấu trúc ẩn nấp trong môi trường tuyết. Điều này dễ hiểu, nhưng còn phần màu đen thì sao? Chúng giúp gấu náu mình ở trong bóng râm.
Điều thú vị nằm ở chỗ, vì sao gấu trúc lại cần tới 2 loại ngụy trang? Lý do nằm ở món khoái khẩu của chúng: tre trúc, và rất chọn lọc. Vì gấu trúc nổi tiếng kén ăn như vậy, nên không tích đủ mỡ để ngủ đông như các loài gấu khác. Chúng đều phải đi kiếm ăn quanh năm, trên một diện tích rộng và nhiều loại môi trường, từ núi tuyết cho đến rừng nhiệt đới.
Những yếu tố trên vẫn chưa lý giải cho đôi mắt to của chúng. Đáng lưu ý là, những đặc điểm “baby” của gấu trúc như mắt to, đầu to và thân hình tròn trịa làm cho chúng thật dễ thương trong mắt con người. Nhưng việc gấu trúc có sống sót hay không trong tự nhiên lại không phụ thuộc vào khả năng làm cho con người mủi lòng, do đó, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục xem xét các hình dạng lông đặc trưng ở trên đầu.
Họ đưa ra giả thuyết rằng những hình dạng này được dùng để giao tiếp. “Tai màu tối có thể giúp tạo ra vẻ dữ tợn, lời cảnh báo tới những kẻ săn mồi,” nghiên cứu viết. “Những vệt đen quanh mắt có thể giúp chúng nhận ra nhau hoặc ra dấu hiệu cảnh báo cho những con gấu trúc cạnh tranh khác.”
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận này dựa trên việc phân tích hàng ngàn bức ảnh và đánh dấu hơn 10 vị trí trên mỗi ảnh, với tổng cộng hơn 20 màu. “Đôi khi phải mất hàng trăm giờ làm việc vất vả để trả lời câu hỏi dường như đơn giản nhất: Vì sao gấu trúc có màu trắng và đen?”, GS. Tim Caro cho biết.
Tất nhiên, đây không phải là kết luận cuối cùng về màu lông của gấu trúc, nhưng có thể mở ra những thảo luận và ý tưởng xa hơn trong tương lai.
Dù sao đi nữa, không phải thứ gì trong tự nhiên cũng đều trắng đen rõ ràng…
Theo Treehugger, Science Alert,
Sơn Vũ tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa gấu trúc Nghiên cứu khoa học môi trường sống