Vụ kiện về bản quyền ngành sáng tạo nhờ AI
- Thiên Đức
- •
Vụ kiện bản quyền này có thể điều chỉnh tương lai của ngành AI sáng tạo, khi mà máy móc đặt chân lên lĩnh vực nhân văn.
Ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) đang chứng kiến những rung chuyển như phá sản trong lĩnh vực tiền số, hay sai thải hàng loạt nhân công khi các Big Tech đụng phải khó khăn như bất ổn định nội bộ (Twitter) hoặc có vấn đề trong chiến lược và đầu tư (Meta). Nhưng đồng thời, nó cũng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một lĩnh vực mới, khiến không ít nhà đầu tư vào công nghệ quan tâm, đó là dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để trợ giúp sáng tạo ra những gì mà trước đây phải hoàn toàn dựa vào trí thông minh của con người.
Đẳng cấp AI cho phép chế tạo các robot có thể biểu cảm và trò chuyện, thậm chí tương lai có thể có loại robot tự sinh sản, có các chương trình máy tính tự soạn ra các bài văn, tự vẽ bức tranh trông cũng được, hay thậm chí có thể lập các đoạn mã chương trình cho máy tính.
Đề cập tới vấn đề giúp lập trình viên soạn chương trình máy tính, đầu tháng này, một đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang Hoa Kỳ ở California, nhắm vào Copilot của GitHub, về vấn đề bản quyền. Đứng tên nguyên đơn là ông Matthew Butterick. Trong đơn không chỉ đề cập đến Copilot mà còn đề cập đến OpenAI.
Copilot, cũng như các AI khác, nó phải học. Học từ ai? Học từ người. Đây là đặc điểm chung của các hệ thống AI sáng tạo: phải học. Phải học một số lượng rất lớn.
Ví như chúng ta dùng chức năng dịch thuật của Google Chrome/Translation. Để có được khả năng dịch thuật đó, thì hệ thống này phải học. Mỗi người dùng chúng ta khi sử dụng và điều chỉnh các đoạn dịch thuật, thì cũng chính là cấp cơ hội học tập cho hệ thống. Khi các bản dịch thuật được đưa vào cho Google, thì cũng được Google lấy đó làm tài liệu học tập cho hệ thống AI của mình.
Copilot cũng vậy.
Khả năng của Copilot là khi một lập trình viên dùng Copilot mà gõ vào một đoạn chương trình, thì nó có thể tự sinh ra một đoạn chương trình phục vụ đúng theo nhu cầu mà người lập trình viên đó muốn làm. Như vậy, thay vì phải viết toàn bộ phần chương trình đó, lập trình viên có thể chỉ cần bỏ công chỉnh sửa một chút là có được cái mình cần, chứ không phải phải làm tất cả từ đầu. Copilot là một công cụ rất mạnh.
Khả năng sáng tạo ra điều mà trước đây phải hoàn toàn dựa vào trí khôn của con người như thế, đòi hỏi Copilot phải học từ kho khổng lồ các chương trình của những người sử dụng GitHub khắp nơi trên thế giới đặt trên GitHub.
GitHub, một kho khổng lồ giúp người dùng lưu trữ các chương trình, đã sử dụng các chương trình do con người sáng tạo ra làm tài liệu học tập cho hệ thống AI của mình. Tương tự như Google dùng những gì mà các dịch giả sáng tạo ra thông qua hệ thống của Google để làm là tài liệu học tập cho hệ thống của mình.
Đơn kiện chính là nhắm vào chỗ này. Vì những tài liệu đó là do con người sáng tạo, những người không phải của GitHub (hay không phải của Google, như trong ví dụ so sánh ở trường hợp dịch thuật).
Nếu không có được kho tài liệu học khổng lồ các sáng tạo của con người như vậy, thì không cách nào làm ra được sản phẩm thông minh như Copilot được.
Theo đơn kiện thì GitHub đã vi phạm bản quyền khi sử dụng những sáng tạo trí tuệ không thuộc về mình.
Có đúng như vậy không? Hiện nay vụ việc còn trong giai đoạn điều tra và nhiều chi tiết còn đang trong tranh cãi.
Tuy chưa có kết luận cuối cùng từ phía luật pháp, nhưng kết quả pháp lý của vụ kiện này rất có thể sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ý nghĩa của ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho đời sống là có triển vọng rất lớn. Trợ giúp các lập trình viên, hay trợ giúp các dịch giả, như phân tích ở trên, là những ví dụ đang diễn ra rất rõ ràng. Tương lai còn hướng đến những ứng dụng phức tạp hơn như lái máy bay, v.v.
Nhưng đồng dạng, vấn đề bản quyền cũng cần phải được thu xếp thỏa đáng. Không phải chỉ đơn thuần ở vấn đề pháp lý. Vì bản thân “sáng tạo” là một lĩnh vực xưa nay vẫn được tính là một lĩnh vực nhân văn, lĩnh vực của con người.
Thiên Đức
Từ khóa trí tuệ nhân tạo AI AI sáng tạo