5 tổn thương cho nền kinh tế Nga vì lệnh trừng phạt của Mỹ
- The Hill
- •
Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine cách đây khoảng một tháng (24/2), các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt lên Nga đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga trên 5 lĩnh vực chính. Thực tế, nhiều người Nga lo lắng cảm thấy không chắc chắn về tương lai.
Mỹ và các đồng minh đã cùng áp đặt một số biện pháp trừng phạt để chế tài Nga, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và giới tài phiệt Nga, đồng thời loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Mỹ cũng đã hành động một mình để cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, và đã trừng phạt chính Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số người trong vòng tròn chính trị của ông.
Một viết trên tờ The Hill ngày 22/3 đã khái quát 5 thiệt hại kinh tế lớn đối với Nga từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
1. GDP của Nga đang thu hẹp
Các nhà kinh tế tại JPMorgan cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể giảm 7% trong năm nay và 35% trong quý này. Họ cho biết lạm phát ở Nga có thể đạt 14% vào cuối năm nay.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), niềm tin kinh doanh giảm và sự không chắc chắn gia tăng của nhà đầu tư dự kiến sẽ ảnh hưởng đến giá tài sản và thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi Nga. Nhiều công ty quốc tế cũng đã rút khỏi Nga, điều này sẽ có tác động ngày càng tiêu cực đến nền kinh tế Nga.
2. Ngành tài chính bị tàn phá
Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với ngân hàng trung ương Nga đã cắt nguồn dự trữ của Moscow. Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua vàng của mình.
Trong tình huống không thể khai thác khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của mình, ngân hàng trung ương Nga đã phải nỗ lực để ổn định giá trị của đồng rúp và ngăn lãi suất tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán Nga cũng đã đóng cửa trong vài tuần và một khi hoạt động giao dịch trở lại, cổ phiếu của các công ty nội địa Nga có thể sẽ giảm mạnh.
Cho đến nay, Nga đã tránh được tình trạng vỡ nợ đối với các khoản nợ nước ngoài của mình và thậm chí còn thanh toán trái phiếu châu Âu bằng đồng đô la Mỹ, vốn ngày càng có giá trị ở Nga thay vì đồng rúp.
Ông Chris Miller, một học giả thỉnh giảng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) cho biết: “Vấn đề với Nga là nếu bạn vỡ nợ, bạn có thể kích hoạt các chủ nợ để đoạt lại tài sản của bạn.”
Tuy nhiên, ông Miller cho rằng việc bị truy đòi gán nợ dường như không phải là vấn đề đối với Nga, ông nói: “Điều này đối với nước Nga mà nói thì không phải là vấn đề, bởi vì nhà đầu tư rất khó chiếm lấy tài sản sở hữu nhà nước, bởi vì trong đại đa số hệ thống luật pháp họ đều được hưởng quyền miễn trừ chủ quyền. Nhưng nếu bạn là một công ty nhà nước lớn của Nga như Gazprom hoặc Rosneft, ngoài việc có lượng lớn tài sản ở trong nước Nga ra, thì ở nước ngoài cũng có rất nhiều tài sản.”
3. Ngành công nghiệp và thương mại đã chững lại
Kể từ những năm 1990, Nga đang dần hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu hóa trong các ngành như công nghệ và hàng không. Việc không có các thành phần được sản xuất, thiết kế hoặc kiểm soát theo luật sở hữu trí tuệ ở Mỹ và các nơi khác hiện đang gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho ngành công nghiệp của Nga.
Ông Miller tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Ví dụ, chúng ta đã thấy điều này trong sản xuất ô tô. Khoảng một nửa số công ty ô tô của Nga đã đóng cửa nhà máy của họ, vì không thể có được các bộ phận mà họ cần. Tôi nghĩ theo thời gian, các vấn đề của chuỗi cung ứng đang tích tụ lại, và chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều điều này trong các lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp Nga.”
Một thành phần quan trọng được sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp khác nhau là chất bán dẫn, chip máy tính lưu trữ và xử lý dữ liệu trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến hệ thống vũ khí. Hầu hết chip của Nga có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phân tích cho biết, so sánh tiêu chuẩn chip của Mỹ và các nước Đông Á khác, sản phẩm chip của Trung Quốc kém hơn.
Ông Miller cho biết: “Người Đài Loan sản xuất chip logic tiên tiến nhất, tiếp theo là Hàn Quốc, tiếp theo là Intel của Mỹ. Năng lực nội địa của Nga lạc hậu vài thập kỷ.”
Ngay cả chip sản xuất tại Trung Quốc vẫn chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, bởi vì chúng được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu từ Mỹ. Các nhà sản xuất chip có thể cố gắng vượt qua sự kiểm soát của Mỹ một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhà sản xuất chip lớn của Trung Quốc SMIC, về cơ bản đã tuân thủ các quy định của Mỹ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei vào năm 2019.
4. Công ty phương Tây rời Nga
Nhiều công ty đa quốc gia đang rút khỏi Nga trên quy mô lớn, và hàng chục công ty đã công bố kế hoạch chấm dứt hoạt động tại Nga. Một mặt, họ lo ngại nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế, mặt khác, họ cũng đối mặt với áp lực đạo đức để tiếp tục kinh doanh ở Nga.
Người Nga hiện đã bị cắt đứt phần lớn khỏi các dịch vụ tài chính, công nghệ và công ty giải trí của Mỹ, bao gồm Apple, Netflix, Visa và Mastercard. Thậm chí các thương hiệu Mỹ, những thứ đã mở ra kỷ nguyên tự do hóa kinh tế mới ở Nga như đồ ăn nhanh McDonald’s và quần jean Levis, cũng đang rời khỏi Nga.
Mặc dù Mỹ và các đồng minh có thể dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng một số mối liên hệ kinh doanh bị cắt đứt trong năm nay có thể không bao giờ được khôi phục.
Chính phủ Nga đã công bố kế hoạch tịch thu tài sản, bao gồm cả tài sản trí tuệ, của bất kỳ doanh nghiệp quốc tế nào rời khỏi Nga do kháng nghị trong thời gian chiến tranh. Điều này có nghĩa là Nga có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của mình sản xuất các sản phẩm nhái các thương hiệu quốc tế.
5. Cuộc sống của những người bình thường bị ảnh hưởng, không chắc chắn về tương lai
Đối với nhiều người Nga, cuộc khủng hoảng hiện tại gợi lại ký ức về những năm 1990, trước và sau khi Liên Xô sụp đổ, khi đất nước phải đối mặt với tình trạng suy thoái kéo dài.
Theo dữ liệu của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development), từ năm 1989 đến năm 1996, GDP của Nga đã giảm hơn 40%. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải ổn định đồng rúp của Nga vào năm 1995 thông qua các biện pháp kiểm soát tiền tệ chặt chẽ và nhắm mục tiêu tỷ giá hối đoái danh nghĩa.
Ekaterina Selyuzhitskaya, một công dân Nga hiện đang sống ở Đông Hoản, Trung Quốc và làm công việc phiên dịch tiếng Nga bán thời gian, nói với The Hill: “Người Nga đã quen đối mặt với rất nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi hầu như không nhớ về thời điểm không có khủng hoảng kinh tế. … Giờ đây, những người tôi biết đều ổn. Tất nhiên, họ đều sợ tương lai, một số người trong số họ có thể thất nghiệp. Tương lai không rõ ràng.”
Một người phụ nữ Nga giấu tên do lo lắng về an toàn, đã thông qua kênh truyền thông xã hội để trả lời cuộc phỏng vấn của The Hill, cô cho biết: “May mắn thay, cuộc sống của tôi không có gì thay đổi đáng kể, nhưng tôi đã bị tước đi những thứ quen thuộc của mình. Tôi không còn có thể sử dụng Apple Pay, tôi không thể xem Netflix, không thể mua bất cứ thứ gì từ các trang web nước ngoài và tôi cần VPN [mạng riêng ảo] để sử dụng Instagram. Hầu như tất cả các hàng hóa đều tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu.”
Cô nói thêm: “Sâu thẳm trong tâm tôi, tôi cảm thấy rất không chắc chắn. Mỗi ngày đều có điều gì đó mới bị lấy đi, bị chặn hoặc bị hạn chế. Thực sự rất khó để lên kế hoạch cho bất cứ điều gì trong những ngày này.”
Từ khóa Dòng sự kiện Mỹ trừng phạt Nga Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine kinh tế Nga