BIS: Thế giới đang ở thời khắc quan trọng trong chống lạm phát
- Từ Giản
- •
Được mệnh danh là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương“, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) hôm Chủ nhật (ngày 25/6) cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới hiện đang ở thời điểm quan trọng và các nước vẫn cần nỗ lực tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Mặc dù lãi suất tăng trong 18 tháng qua liên tục tăng, nhưng lạm phát ở nhiều nước phát triển vẫn ở mức cao; mặt khác, chi phí đi vay tăng cao đã gây ra sự sụp đổ ngân hàng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.
Trong báo cáo thường niên do BIS công bố, tổng giám đốc Agustin Carstens cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm quan trọng. Cần phải ứng phó với những thách thức nghiêm trọng”, “kỷ nguyên theo đuổi quá mức mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn đã qua. Chính sách tiền tệ bây giờ là phải khôi phục lại sự ổn định giá cả và chính sách tài khóa cần được củng cố.”
Thách thức kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến II
Báo cáo cho biết, thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có theo tiêu chuẩn sau Thế chiến II, vì ở nhiều nơi trên thế giới, lần đầu tiên lạm phát tăng cao đi kèm với sự yếu ớt về tài chính.
Ông Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS cho biết, nếu lãi suất tăng đến mức từng có vào giữa những năm 1990, trong khi tất cả những yếu tố khác đều như nhau, gánh nặng trả nợ chung ở các nước phát triển sẽ ở mức cao nhất mọi thời đại, “Tôi nghĩ rằng các ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát lạm phát và đây là công việc của họ – khôi phục lại sự ổn định giá cả,” ông nói với Reuters.
Báo cáo của BIS cho biết lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu thì việc thắt chặt chính sách cần thiết sẽ càng lớn và kéo dài.
Ngành ngân hàng đối mặt với sự rối loạn, khó hạ cánh mềm
Vào thứ Hai tuần này, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới và các nhà hoạch định chính sách khác đã tập trung tại Sintra của Bồ Đào Nha, để tham dự một diễn đàn kéo dài 3 ngày do Ngân hàng Trung ương châu Âu tổ chức. Trong những ngày gần đây, BIS có trụ sở tại Thụy Sĩ đã tổ chức cuộc họp thường niên, tại cuộc họp, các lãnh đạo các ngân hàng trung ương thảo luận về tình hình hỗn loạn trong vài tháng qua.
Vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, một số ngân hàng khu vực của Mỹ, bao gồm cả Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), đã phá sản, sau đó là sự sụp đổ của Credit Suisse.
Và trong lịch sử, chu kỳ tăng lãi suất khoảng 15% gây căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng. BIS cảnh báo rằng khả năng xảy ra các vấn đề tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng hiện là “rất cao”.
BIS cho rằng “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế (trong đó lãi suất tăng mà không gây ra suy thoái hoặc sụp đổ ngân hàng lớn) là vẫn có khả năng làm được, nhưng thừa nhận rằng sẽ khó đạt được.
Cần phải sửa lại cho đúng “kỳ vọng phi thực tế”
Báo cáo cũng ước tính rằng chi phí đối phó với già hóa dân số ở các nền kinh tế tiên tiến (AE) và các nền kinh tế thị trường mới nổi (EME) sẽ tăng lần lượt khoảng 4% và 5% trong 20 năm tới.
Báo cáo cho biết, nếu các chính phủ không thắt lưng buộc bụng, nợ ở các nước EA và EME sẽ lần lượt trên 200% và 150% GDP vào năm 2050, và nợ có thể còn cao hơn nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm.
Bình luận thêm về tình hình kinh tế, ông Agustin Carstens cho biết, trọng tâm hiện tại là các nhà hoạch định chính sách phải hành động, “Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19, mọi người đã sinh ra kỳ vọng không thực tế và mức độ và tính lâu dài của hỗ trợ tài chính và tiền tệ. Những kỳ vọng này cần sửa chữa lại cho đúng.”
Các nhà phân tích của Bank of America đã tính toán ra, trong 2 năm qua, trên toàn cầu có 470 lần tăng lãi suất, còn kể từ khi khủng hoảng tài chính đến nay, đã có 1.202 lần cắt giảm lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản từ mức gần bằng 0, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất trong khu vực đồng euro thêm 400 điểm cơ bản.