Bộ Tài chính: Đoàn công tác của Việt Nam sắp sang Mỹ làm việc về vấn đề áp thuế 46%
- Minh Long
- •
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cuối tuần này, đoàn công tác của Việt Nam sẽ sang Mỹ để trực tiếp giải quyết vấn đề thuế.
- Chính sách Thuế quan của Tổng thống Trump và tác động của nó
- Nhà Trắng: Một số hàng hóa đã chịu thuế quan sẽ được miễn thuế quan đối ứng

Chiều ngày 3/4, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2025.
Với việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể chịu thuế suất đối ứng lên tới 46%, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí, đánh giá đây là mức thuế suất cao hơn rất nhiều so với mức thuế hiện hành Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ như linh kiện điện tử, nông nghiệp, dệt may, da giày, và đồ gỗ.
Để thích ứng với biến động kinh tế thế giới, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể các mức thuế suất nhập khẩu, các quy định tại thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), từ đó đề xuất Chính phủ đưa ra những chính sách điều chỉnh phù hợp.
Cũng theo ông Tuấn, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế nhập khẩu với một số nhóm mặt hàng của các đối tác thương mại lớn mà Việt Nam quan tâm, trong đó có Mỹ.
Việc thực hiện điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu theo Nghị định 73 nhằm đảm bảo cân bằng cán cân thương mại với các đối tác lớn, bao gồm cả những đối tác chúng ta đã có thỏa thuận về đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời giúp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận hàng hóa đa dạng hơn với chi phí thấp hơn.
Cụ thể, Nghị định 73 đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu cho 16 nhóm mặt hàng như ô tô, nông nghiệp, một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ…
Cũng trong buổi họp, ông Tuấn nhấn mạnh rằng cần làm rõ cơ sở và căn cứ mà Mỹ đưa ra để tính toán mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam.
Theo báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), mức thuế suất bình quân mà Việt Nam áp dụng với hàng hóa Mỹ chỉ khoảng 9,4%, với phần lớn mặt hàng chịu thuế tối đa 15% hoặc thấp hơn. Điều này thấp hơn rất nhiều so với mức 90% mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang “áp” lên hàng hóa Mỹ (dựa trên công thức thâm hụt thương mại), và cũng thấp hơn mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp dụng.
Ông Tuấn đặt câu hỏi ngoài yếu tố thuế, còn yếu tố nào khác (như thâm hụt thương mại, tỷ giá, hay chính sách thương mại) mà Mỹ đưa vào tính toán để ra con số này, từ đó Việt Nam có thể tìm giải pháp phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết ngay trong sáng nay, Chính phủ đã họp để đánh giá về vấn đề này. “Chúng ta tin tưởng mức thuế công bố là mức tối đa và mức cụ thể còn được xem xét. Đồng thời kỳ vọng những thông tin trao đổi sắp tới sẽ được đối tác lắng nghe và có bước đi phù hợp”, ông Chi nói.
Cũng theo ông Chi, vào cuối tuần này, Chính phủ cử đoàn công tác sang Mỹ có nội dung liên quan trực tiếp tới vấn đề áp thuế 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Chi khẳng định Việt Nam mong muốn hướng tới cân bằng thương mại, nhưng việc này phải theo hướng tốt hơn cho các bên. Ông cho biết định hướng là kiên trì tìm ra giải pháp và trao đổi với đối tác thương mại để cân bằng theo hướng tăng kim ngạch mà không cần tăng thuế. Việc này cũng giúp người tiêu dùng hai nước cùng hưởng lợi.
Văn Duy
Từ khóa Mỹ Dòng sự kiện Recommend Thuế quan đối ứng bộ tài chính
