Các công ty, tập đoàn ‘nghìn tỷ đồng’ mà quân đội đang nắm giữ
- Chân Hồ
- •
Với việc quân đội tuyên bố có dự định rút dần khỏi kinh doanh, tạo tiền đề để các công ty, tập đoàn do tổ chức này nắm giữ sẽ được cổ phần hóa, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ý quan tâm một khi cánh cửa IPO được hé mở.
Cùng điểm lại một số công ty, tập đoàn quy mô lớn dưới sự quản lý của quân đội mà các nhà đầu tư đang quan tâm.
1. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel
+ Doanh thu năm 2016 hơn 10 tỷ USD (226.558 tỷ đồng)
+ Lợi nhuận trước thuế khoảng 2 tỷ USD (43.200 tỷ đồng)
Viettel hiện đang đầu tư ở 9 quốc gia khác, trong đó có 5 thị trường do Viettel nắm giữ thị phần lớn nhất. Một quan chức cấp cao của tập đoàn cho biết nếu cổ phần hóa, Viettel có thể có giá trị vốn hóa thị trường hơn 20 tỷ USD.
2. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP)
+ Doanh thu năm 2016 đạt 17.263 tỷ đồng
+ Lợi nhuận đạt 1.952 tỷ đồng
+ Mức tăng trưởng bình quân là 21%/năm.
SNP là công ty thuộc top 20 doanh nghiệp logistic hàng đầu Việt Nam, chiếm đến 25% thị phần vận tải biển nội địa. Công ty này sở hữu 17 cảng, có thể đón các phân khúc tàu đến 200.000 DWT và nhiều cơ sở khác.
Dịch vụ khai thác cảng container của đơn vị hiện chiếm gần 50% thị phần container nhập khẩu của Việt Nam, 89% thị phần khu vực TP.HCM.
Nếu được cổ phần hóa, đây sẽ là một danh mục hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư săn đón.
3. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank)
+ Doanh thu năm 2016 đạt 17.972 tỷ đồng
+ Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt tới 2.884 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Trong đó, Viettel là cổ đông tổ chức lớn nhất với hơn 15,79% cổ phần nắm giữ.
MBBank được đánh giá là một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay, thuộc hàng “Big 4” của thị trường. Cổ phiếu của MBBank thực sự nóng lên vào đầu năm 2017, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 5/2017, đưa giá trị vốn hóa của nhà băng này lên hơn 38.000 tỷ đồng.
4. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp)
+ Doanh thu năm 2016 đạt hơn 8.500 tỷ đồng
+ Lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng
Mipecorp là một trong những doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu nội địa, phục vụ cho quốc phòng và các khối kinh tế, ngoài ra, còn có các hình thức kinh doanh chuyển khẩu và xuất khẩu dầu sang các thị trường quốc tế. Công ty này hiện có địa bàn hoạt động trên 58 tỉnh, thành phố với gần 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc Tổng công ty và hàng trăm cửa hàng đại lý xăng dầu.
5. Tổng công ty Trực thăng Việt Nam
+ Tăng trưởng doanh thu hàng năm trên 25%
+ Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 30%
Tổng công ty trực thăng Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bay phục vụ cho ngành dầu khí và cho thuê lại. Đơn vị này đang sở hữu đội ngũ phi công 120 người với 28 chiếc trực thăng, theo kế hoạch đội bay sẽ tăng lên 36 chiếc vào năm 2020.
6. Lĩnh vực xây dựng – bất động sản:
Gồm có nhiều đại diện như:
Tổng công ty 36
+ Doanh thu năm 2016 đạt gần 3.700 tỷ đồng
+ Quy mô tổng tài sản gần 7.000 tỷ đồng
Tổng công ty 36 là một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của quân đội hiện nay, hướng tới hoạt động thi công xây lắp và xây dựng cơ bản (chiếm trên 80% tổng doanh thu).
Những năm gần đây, giá trị doanh thu của doanh nghiệp này luôn duy trì ở mức cao, cụ thể trong năm 2012 đạt 2.729 tỷ đồng, năm 2013 đạt 3.083 tỷ đồng, năm 2014 là 3.568 tỷ đồng và năm 2015 là khoảng 3.785 tỷ đồng, mức tăng trưởng doanh thu bình quân qua các năm trên 12%.
Tổng công ty 319
+ Doanh thu năm 2016 đạt gần 9.400 tỷ đồng
+ Lợi nhuận trước thuế gần 200 tỷ đồng
Tổng công ty 319 có 11 đơn vị trực thuộc, nổi bật với các dự án bất động sản và hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT và mở rộng quốc lộ 1A.
Ngoài ra, còn có Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài và dự án y tế, bệnh viện lớn như Bệnh viên Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, cùng một số dự án BOT Quốc lộ 1. Trong khi đó, Tổng công ty 789 nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.
7. Lĩnh vực đóng tàu
Gồm có 2 đại diện lớn hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu: Tổng công ty Sông Thu và Tổng công ty Ba Son hoạt động với đặc thù riêng.
Trong khi công ty Ba Son chiếm trên 50% lĩnh vực tàu chở hàng tổng hợp và tàu container, thì công ty Sông Thu lại hướng tới các sản phẩm tính năng chuyên biệt như tàu công trình, tàu tuần tra quốc phòng và tàu cứu hộ trên biển.
Bên cạnh đó, quân đội còn sở hữu nhiều công ty trong các lĩnh vực đặc thù khác, đại diện ngành nông nghiệp có Tổng công ty 15; ngành may mặc là Tổng công ty 28; thương mại tổng hợp có Tổng công ty xuất nhập khẩu Vạn Xuân và Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng…
Sắp tới, theo dự thảo đề án trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (Nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam doanh nghiệp nhà nước cải cách kinh tế Cải cách quân đội