Chuyên gia: EU chế tài Nga, kết quả ‘địch tổn 1000 – ta hại 800’
- Thần Vũ
- •
Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine do Putin thúc đẩy đã qua hai tuần, Mỹ và EU đã áp đặt nhiều hành động chế tài Nga. Là một học giả về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ và Nga, ông Maxim A. Suchkov đã chia sẻ bình luận của mình trên Twitter về vấn đề này.
Theo giới thiệu từ trang web của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Ý (Italian Institute for International Political Studies, ISPI) – tổ chức chuyên gia độc lập phi lợi nhuận, học giả Maxim A. Suchkov là Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu nước Mỹ (CAAS) của Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), ông cũng là chuyên gia không thường trú của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga và Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai (Nga). Từ năm 2010 – 2011, ông là học giả thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và năm 2015 thỉnh giảng tại Đại học New York (Mỹ). Các lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu của Maxim A. Suchkov bao gồm chính sách đối ngoại của Nga, quan hệ Mỹ-Nga, an ninh Trung Đông và chống khủng bố. Ngoài tiếng mẹ đẻ là Nga thì ông còn nói được tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Ngày 7/3, Maxim A. Suchkov đã chia sẻ tweet bày tỏ quan điểm về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Ông viết rằng cuộc chiến Nga-Ukraine do khủng hoảng quan hệ Mỹ – Nga kéo dài gây ra đã ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội của toàn thế giới. Là một học giả, công việc của ông không phải là cố vấn cho các chính phủ/công ty, nhưng do nhận thấy nhiều phân tích tư vấn toàn cầu hiện nay đang ngày càng thiên lệch nên ông muốn chia sẻ một số góc nhìn khác với truyền thông chính thống.
Maxim A. Suchkov nói rằng đối với nước đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt nghiêm trọng như Nga, nhiều bình luận thường chú ý về tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu, nhưng ít nói về một số vấn đề khác rất quan trọng.
I’m an academic,not my job to advise govs/ companies,but analysis of most global consultancies gets increasingly biased.Mine probably too.But I'd present the other side of the picture from what people get from MSM dominated discourse of things in #Ukraine &costs #Russia shld bear
— Maxim A. Suchkov (@m_suchkov) March 7, 2022
EU trừng phạt Nga như tự lấy đá gè chân mình
Sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với hãng hàng không Aeroflot của Nga, Nga cũng đóng cửa không phận đối với các nước EU, đã khiến máy bay của các hãng hàng không EU phải bay đường vòng làm chi phí hoạt động cao hơn, hệ quả cổ phiếu của hầu hết các hãng hàng không EU giảm từ 6% đến 32%. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Finnair của Phần Lan.
Có nhiều người vui mừng với việc thu giữ được máy bay thuê của Nga, nhưng điều này cũng khiến chính các công ty cho Nga thuê máy bay dính đòn, những thiệt hại kinh tế này là rất lớn.
Trong lĩnh vực hóa chất, chính quyền Moscow đã ngừng xuất khẩu methanol và các sản phẩm liên quan sang EU, với lý do các vấn đề hậu cần. Metanol là nguyên liệu để sản xuất pentaerythritol (dùng để tạo lớp phủ) và urotropine (dùng làm nguyên liệu tổng hợp hữu cơ, thuốc thử phân tích hóa học, kháng sinh, nhiên liệu). Tại thị trường EU, Nga chiếm thị phần 40% đối với pentaerythritol và 50% đối với urotropine.
Có thể thấy, thị trường polyme EU sẽ suy thoái giống như ngành hàng không.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nga đã ngừng xuất khẩu phân bón sang EU cho đến khi hoạt động vận tải và hậu cần bình thường được đảm bảo. Bộ Thương mại Nga cho biết, nông dân ở EU và nhiều nơi khác không thể mua được lượng phân bón cần thiết do sự gián đoạn của một số công ty hậu cần nước ngoài. Điều này có nghĩa là nông dân EU (và Mỹ) không thể tiếp cận với phân bón của Nga ngay thời điểm trước mùa gieo trồng ngũ cốc. Trên thị trường phân bón nông nghiệp thế giới, sản lượng phân kali của Nga chiếm khoảng 1/3 sản lượng phân kali của thế giới, sản lượng phân đạm chiếm khoảng 10% và sản lượng phân hỗn hợp chiếm khoảng 20%.
Làm thế nào để lấp đầy khoảng trống phân bón của Nga? Vốn dĩ có thể được giải quyết bằng cách nhập khẩu phân bón sản xuất tại Belarus, nhưng nước này cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt như Nga. Tại Ukraine, việc trồng ngũ cốc cũng bị gián đoạn. Điều đó cho thấy khả năng cao là thị trường lương thực thế giới trong vòng 6 tháng tới sẽ thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là lúa mì.
Nga là nước dẫn đầu thị trường thế giới về lúa mì, như vậy biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với hàng xuất khẩu của Nga sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lúa mì.
Do hậu cần bị gián đoạn khiến không thể đưa lúa mì Nga sang EU, điều này tạo điều kiện cho Trung Quốc vốn nhu cầu rất lớn dễ dàng hơn trong nhập khẩu loại lúa mì này.
Nhân tiện nói thêm, Ấn Độ rất thông minh trong việc xử lý thương mại xuất nhập khẩu với Nga, đảm bảo rằng họ có thể giao dịch bằng tiền tệ song phương khi nhập khẩu phân bón của Nga.
Trong ngành công nghiệp bán dẫn và nguyên liệu thô chip máy tính, ngày nay Nga chiếm 80% thị trường sapphire toàn cầu được sử dụng rộng rãi trong các bộ vi điện tử, có liên quan đến chất lượng sản phẩm của các công ty bán dẫn đa quốc gia như AMD và Intel (tinh thể sapphire là vật liệu nền lý tưởng cho điốt phát quang GaN/Al2O3 bán dẫn (đèn LED), mạch tích hợp quy mô lớn SOI và SOS, và màng cấu trúc nano siêu dẫn).
Nga còn có ưu thế trong gia công hóa chất (phay hóa chất) đối với loại chip đặc biệt sử dụng các thành phần siêu sạch. Tại một số thị trường cung ứng nguyên tố đất hiếm liên quan vấn đề này, Nga cung cấp gần 100% sản phẩm nguyên tố đất hiếm. Lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Tác động tiêu cực của vấn đề năng lượng là không có gì phải bàn cãi. Maxim A. Suchkov cho biết, ông không hài lòng về vấn đề này vì rất nhiều người sẽ mất việc làm khiến cuộc sống khó khăn hơn. Ông cũng không đánh giá thấp cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt.
Mỹ sẽ hưởng lợi?
Bất kể thế nào thì EU cũng là bên thua cuộc, trong khi Trung Quốc có thể thừa nước đục thả câu. Bên thắng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng này có thể là Mỹ, vì sẽ được hưởng lợi từ việc quân sự hóa EU và các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giống như Mỹ được hưởng lợi từ Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên đồng thời tốc độ mất đi vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng sẽ tăng nhanh, tương tự là xu thế yếu dần của đồng USD đối với thế giới…
Bất kể kết quả cuộc chiến Nga-Ukraine thế nào thì căng thẳng Mỹ-Nga vẫn sẽ tiếp tục, nhưng hy vọng là không đến mức quân sự hóa.
Từ khóa Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine chế tài Nga