Chuyên gia kinh tế: Thuế quan của ông Trump nhằm đàm phán thỏa thuận thương mại cùng thắng
- Gia Huy
- •
Hôm thứ Ba (8/4), trò chuyện với người dẫn chương trình Stuart Varney trong chương trình “Varney & Co” của kênh Fox Business Network, ông Art Laffer, cựu cố vấn kinh tế của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nhận định rằng cả thế giới và Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ các cuộc đàm phán thương mại phát sinh từ thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Laffer xuất hiện trên chương trình “Varney & Co” sau khi ông và nhà bình luận truyền hình về các vấn đề kinh tế Stephen Moore viết một bài xã luận có tiêu đề “Chiến lược thoát khỏi thuế quan đôi bên cùng có lợi của [Tổng thống] Trump” được phát hành vào thứ Hai (7/4) trên tờ Wall Street Journal. Ông Moore từng là cố vấn cho ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Trong cuộc trò chuyện hôm thứ Ba (8/4), ông Laffer nhận xét: “Chiến lược đôi bên cùng có lợi cho thấy [Tổng thống] Trump thực sự rất giỏi trong đàm phán”. Đồng thời ông cho biết, ông đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump rằng các quốc gia nước ngoài bị Hoa Kỳ áp mức thuế quan đối ứng “có mức thuế quan, các rào cản phi thuế quan và hạn ngạch cao hơn nhiều so với chúng ta [Hoa Kỳ]”.
Vị cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Reagan giải thích: “Tuy nhiên, bây giờ những gì ông ấy [Tổng thống Trump] đã làm là đưa họ [những quốc gia nước ngoài] vào tình thế là họ sẽ mất quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ nếu họ không khắc phục những bất bình đẳng mà họ đã gây ra. Và [Tổng thống] Trump là một nhà đàm phán bậc thầy, và tôi đang chứng kiến những quốc gia này đang gọi điện cho [Tổng thống] Trump – đây chính xác là những gì ông ấy làm một cách tuyệt vời và hoàn hảo – và tôi tin rằng ông ấy có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do hơn, khiến thuế quan giảm xuống rất nhiều, thấp hơn nhiều so với hiện tại, chủ yếu bằng cách buộc những quốc gia đó hạ thuế quan của họ và chúng ta tiếp tục giữ mức thuế quan của chúng ta ở mức thấp hoặc thậm chí giảm xuống thấp hơn, và đây sẽ là chiến lược đôi bên cùng thắng”.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm mức thuế quan cơ sở 10% và “mức thuế quan riêng cao hơn” đối với một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Hôm thứ Hai (7/4), phát biểu với người dẫn chương trình Larry Kudlow của đài Fox Business, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ rằng “có 50, 60, thậm chí có thể là gần 70 quốc gia hiện đã tiếp cận chúng ta” để đàm phán thương mại sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế quan đối ứng vào ngày 2/4.
Nhận định về kết quả đàm phán các thỏa thuận thương mại mới giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác về thuế quan, ông Laffer tin tưởng: “Thế giới sẽ thịnh vượng. Chúng ta sẽ có một nền kinh tế tuyệt vời, và Hoa Kỳ sẽ ở trong trạng thái hoàn hảo, tuyệt vời để tăng trưởng kinh tế”.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng Tổng thống Trump “đã” đe dọa áp thuế quan nhằm buộc các quốc gia khác phải đàm phán với Hoa Kỳ.
Ông Laffer tiếp tục: “Bây giờ chiến lược để thoát khỏi thuế quan là ông ấy [Tổng thống Trump] không áp đặt những thuế quan đó nữa. Ông ấy sẽ loại bỏ những thuế quan đó. Ông ấy thậm chí còn giảm thuế quan của chúng ta đối với các quốc gia đó nếu họ xóa bỏ thuế quan của họ đối với chúng ta, và đó sẽ là chiến lược thoát khỏi thuế quan, một chiến lược có lợi cho cả hai bên”.
Ông Laffer cảnh báo nếu các mức thuế quan mới có hiệu lực, duy trì trong thời gian dài và “chúng ta có sự leo thang trả đũa thuế quan mạnh mẽ”, thì đó sẽ là “thảm họa” cho cả Hoa Kỳ và nền kinh tế thế giới.
Ông kêu gọi, Tổng thống Trump “có thể nên đàm phán để xóa bỏ thuế quan đối với họ và [xóa bỏ thuế quan của họ] đối với chúng ta”.
Ông Laffer lưu ý: “Mọi quốc gia đều tổn thất trong cuộc chiến thương mại, nhưng chúng ta sẽ không tổn thất tương tự như họ. Người Mỹ sẽ tổn thất ít hơn nhiều so với người nước ngoài, vì vậy, họ [những người nước ngoài] có động lực để ngồi vào bàn đàm phán và giảm các mức thuế quan của họ đối với các sản phẩm của chúng ta. Điều đó cũng sẽ giúp ích cho họ. Stuart, ý tôi là, các mức thuế quan của họ đối với các sản phẩm của chúng ta gây tổn hại cho các quốc gia của họ”.
Các mức thuế quan nhập khẩu đối ứng sẽ có hiệu lực vào thứ Năm (10/4). Thuế quan cơ sở 10% đã có hiệu lực vào cuối tuần trước.
Trong tờ thông tin hôm 2/4, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng các mức thuế quan đối ứng sẽ được duy trì “cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại gây ra và các đối xử không có đi có lại tiềm ẩn đã được đáp ứng, giải quyết, hoặc giảm thiểu”.
Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Campuchia nằm trong số hàng chục quốc gia đang theo đuổi chính sách đàm phán với chính quyền Trump để giải quyết vấn đề thuế quan đối ứng.
Gia Huy, theo Fox Business
Từ khóa Dòng sự kiện Recommend Thuế quan đối ứng Art Laffer Donald Trump
