Có bao giờ một lần, Chính phủ nghĩ cho dân?
- Chân Hồ
- •
Trong bối cảnh hàng loạt đề xuất đánh thuế, tăng thuế đang được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ xem xét trong đó có đề xuất thuế tài sản gây tranh cãi, có bao giờ Chính phủ một lần đứng về phía dân, nghĩ cho dân Việt – những công dân đang đóng thuế cao nhất hành tinh (tỷ lệ đóng thuế phí/GDP gấp 3 lần quốc gia khác, theo Ngân hàng Thế giới)?
Một người đang gánh hàng rong ra chợ vào sáng sớm.
Chiếc ví của dân nào phải không đáy!
Tiếp tục lấy lý do ngân sách bị thiếu hụt bởi hàng loạt các loại thuế quan bị đưa về mức 0% theo các thỏa thuận thương mại tự do và cái gọi là theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã hướng mọi giải pháp cải thiện nguồn thu chực nhằm vào chiếc ví cạn của người dân.
Đỉnh điểm nhất là vào ngày 13/4 vừa qua, Bộ này tiếp tục đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên trong tình huống mà người dân đã phải trả rất nhiều loại thuế phí như thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế lệ phí trước bạ, thuế VAT, thuế đánh trong quá trình mua vật liệu và nhiều loại thuế không tên khác… để có được tài sản là căn nhà và phương tiện đi lại.
Điều này không khác nào đánh thuế chồng thuế, vắt cạn sức dân đến cùng kiệt. Đành rằng người dân có thể đóng thuế để chia sẻ gánh nặng với những khó khăn về ngân sách của Chính phủ. Nhưng ít nhất họ cần được Chính phủ chứng minh một cách thuyết phục rằng những đồng tiền xương máu của mình làm ra được Chính phủ sử dụng vào đâu, làm gì và hiệu quả đến mức nào, nó phục vụ lợi ích cho cộng đồng hay chỉ cho một số ít nhóm người nào đó?
Cần làm rõ được những điều trên thì lòng dân mới yên ổn, họ mới yên tâm và sẵn sàng đóng thuế mà như chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan tâm huyết nói: “Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân và đảm bảo tính minh bạch trong chi ngân sách thì tăng bao nhiêu người dân cũng sẵn sàng đóng thuế“.
Đằng này, Chính phủ không giải thích được một cách minh bạch, mà dường như Chính phủ cũng quen với lề thói làm việc không cần và cũng không đếm xỉa đến người dân?! Vậy làm sao dân có thể đứng về phía Chính phủ và đồng lòng cùng gánh vác giang sơn?
Lý do tăng thuế chưa thuyết phục
Hai nữa, những lý do mà Chính phủ đưa ra cho việc thu thuế thêm là không hề thuyết phục. Khi nói đến thu thuế tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế, vậy thông lệ quốc tế trong việc chi tiêu dè sẻn và trân trọng từng đồng tiền quý giá của dân, Chính phủ đã đề cập đến chưa? Singapore, Đài Loan thu dư họ chia lại cho dân, còn Việt Nam thu ngân sách tăng đều trong mấy chục năm qua, dân đã bao giờ đòi hỏi được chia lại lần nào chưa?
Thứ ba, Chính phủ lấy lý do nguồn thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm sút để tăng thu nội địa. Nhưng đã bao giờ Chính phủ tự hỏi nông dân trồng trọt quanh năm suốt tháng mới được mùa vụ thu hoạch, Chính phủ lại xả cửa khẩu cho hàng nông sản Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vào dìm chết hàng nội, chưa đủ, còn nhập thêm hàng ngàn tỷ đồng rau quả theo đường chính ngạch trong khi nông dân đang để phơi củ cải trắng đồng, mía đường không buồn thu hoạch, đậu cove cắt bỏ cho bò… nuốt nước mắt, đắng họng nhìn mồ hôi công sức phải đổ bỏ. Vậy thử hỏi mở cửa giao thương nhiều phỏng có ích gì?!
Người dân không cần chính phủ khoe khoang thành tích về bao nhiêu cái FTA (hiệp định tự do thương mại) đã được ký mặc cho việc chúng có thực sự cần thiết hay không . Trong tình huống trên, việc hạn chế nhập khẩu giúp nông dân giải quyết được đầu ra Chính phủ lại không làm, rồi hôm nay, Bộ Tài chính lấy lý do thuế về 0% để đổ lên đầu dân gánh, làm sao người dân chịu nổi, Chính phủ đã nghĩ về điều này chưa?
Trong khi đó, lý do thật sự của ngân sách thiếu hụt lại đến từ chi phí cho bộ máy hoạt động của Chính phủ quá lớn, mà mấy năm nay các kế hoạch tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy không hơn không kém chỉ nằm trên mặt giấy, thực tế vẫn chưa có gì thay đổi nhiều.
Ngân sách bị “bí” là do bộ máy cồng kềnh
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), hàng năm ngân sách phải chi cho các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và 28 hội khác lên đến hơn 71.000 tỷ đồng, tương đương 1,7% GDP, trong khi hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn còn chưa rõ.
Về điều này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng cảm thán rằng trên cả nước, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn cồng kềnh, chưa tinh gọn, hoạt động thiếu hiệu quả, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực.
Có một nghịch lý là càng tinh giản, bộ máy càng phình to. Trong khi hàng chục ngàn tỷ đồng được chi ra để tinh giản biên chế, nhưng biên chế lại cứ tăng thêm hàng trăm ngàn người. Kéo theo việc chi lương, quỹ lương cho biên chế đã tăng từ 405.000 tỷ đồng (năm 2015) lên 410.000 tỷ đồng (năm 2016), gây áp lực không hề nhỏ lên ngân sách.
Đặc biệt, có đến gần 77% ngân sách được dùng để chi cho các khoản chi thường xuyên. Tính bình quân trong quý 1/2018, mỗi ngày ngân sách phải chi ra gần 2.500 tỷ đồng để nuôi bộ máy Nhà nước.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ hôm 12/4 còn chỉ ra trong năm 2017, các cơ quan khối Nhà nước thừa biên chế đến hơn 57.000 người. Và mới đây nhất là vụ ồn ào xung quanh việc tuyển thừa hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk).
Tình trạng tuyển thêm, tuyển thừa biên chế để trục lợi của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể Nhà nước đang âm thầm tạo nên áp lực ngân sách không hề nhẹ. Với chi phí “lót ghế” bỏ ra để được vào biên chế, những người này thay vì tìm cách cải thiện đời sống cho dân và tối ưu hóa hoạt động của tổ chức hơn nữa thì họ chỉ chăm chực nghĩ cách làm sao lấy lại “vốn” đã bỏ ra, cùng với tư duy nhiệm kỳ phổ biến trong giới quan chức Việt khiến tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan ở bất cứ nơi đâu với bất kỳ lĩnh vực nào. Tất nhiên, vẫn còn có những cán bộ tâm huyết với dân, nhưng không thể phủ nhận tình trạng trên đang chiếm đại đa số.
Đây mới là khối u nhọt đang ngốn ngân sách lớn lao mà Bộ Tài chính và Chính phủ cần tập trung xử lý và làm sẹp lại, thay vì đẩy gánh nặng thuế phí về phía người dân mà về dài hạn có nguy cơ gây thiệt hại lớn đến Kinh tế – Xã hội.
Hợp nhất 5 đoàn thể Chính trị – Xã hội, tại sao không? Đầu tháng 4/2018, tại Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất 4 phương án khác nhau nhằm tinh giản bộ máy tổ chức hiện tại. Trong đó có đề xuất hợp nhất 5 đoàn thể Chính trị – Xã hội bao gồm Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây được xem như là một bước tiến quan trọng. Theo ước tính, nếu kế hoạch hợp nhất 5 đoàn thể trên được triển khai, số công viên chức bị tinh giảm sẽ lên đến 250.000 người, tương đương gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công viên chức Nhà nước hiện tại. Giảm nhẹ được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. |
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa tăng thuế VAT Chính sách thuế thuế tài sản Đề xuất đánh thuế tài sản