Đặc khu kinh tế ở Campuchia: Quân bài chính trị
- Chân Hồ
- •
Các đặc khu kinh tế (SEZ) tại Campuchia thường được trao cho các tập đoàn, tỷ phú có quan hệ chặt chẽ với chính phủ, và một trong số chúng là những mắt-xích quan trọng trong chiến lược ‘Một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.
“Đặc khu kinh tế” được chính phủ Campuchia ưu tiên và sử dụng như một công cụ nhằm thu hút đầu tư khu vực tư nhân để phát triển và hội nhập nền kinh tế Campuchia vào nền kinh tế khu vực.
Các đặc khu kinh tế tại Campuchia hình thành từ năm 2005 khi Ban Đặc khu kinh tế Campuchia được thành lập dưới sự cho phép của Hội đồng Phát triển Campuchia (The Cambodian Development Council) và Nghị định Đặc khu kinh tế được thông qua.
Nghị định này đang điều chỉnh mọi hoạt động của các SEZ, bởi Luật đặc khu kinh tế Campuchia mặc dù được xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Một đặc điểm quan trọng của các SEZ tại Campuchia là Chính phủ giao quyền thành lập và quản lý các đặc khu cho khu vực tư nhân (được gọi là nhà phát triển SEZ), chủ yếu là hạn chế sự tham gia của chính phủ vào quá trình cấp phép.
Tính đến giữa năm 2016, Campuchia có 14 dự án Đặc khu kinh tế chính thức, mặc dù Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) liệt kê đến 38 SEZ đã được phê duyệt ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Hiện tại, có 8 đặc khu đang hoạt động, bao gồm: Phnom Penh SEZ, Sihanoukville SEZ, Manhattan SEZ, Koh Kong SEZ, Poi Pet SEZ…
Đáng chú ý, việc nhượng quyền sử dụng đất có thể được Nhà nước cấp cho các nhà phát triển để làm đặc khu kinh tế ngay cả tại các nơi trọng yếu như vùng biệt lập hay khu vực biên giới.
>> Một vài suy nghĩ về đặc khu
Dấu ấn chính trị
Bên cạnh đó, các nhà phát triển SEZ thường bao gồm các tập đoàn, tỷ phú nổi tiếng có quan hệ chặt chẽ với Đảng cầm quyền Campuchia.
Chẳng hạn, đặc khu kinh tế Phnom Penh SEZ được sở hữu và quản lý bởi nhà phát triển SEZ – Công ty TNHH Phnom Penh SEZ (PPSEZ) – với 78% vốn thuộc sở hữu của người Campuchia và 22% vốn từ Nhật Bản.
Chủ tịch của PPSEZ đồng thời cũng là Chủ tịch của đặc khu Poi Pet SEZ và SAHAS PPSEZ, công ty cung cấp dịch vụ an ninh cho PPSEZ.
Trong khi tại Sihanoukville, có ít nhất 4 công ty Trung Quốc cùng tham gia liên doanh với công ty Camphuchia – Tập đoàn TNHH Đầu tư và Phát triển Quốc tế Camphuchia (CIIDG) – để xây dựng đặc khu kinh tế tại Sihanoukville.
Tập đoàn CIIDG – dưới sự hậu thuẫn của Bộ thương mại Trung Quốc – được điều hành bởi vợ của một Thượng nghị sĩ Đảng Nhân dân cẩm quyền Campuchia. Bộ đôi này cũng đồng sở hữu Công ty Pheapimex – chuyên khai thác nguyên liệu và nông nghiệp, nắm giữ quỹ đất rộng lớn do chính quyền Campuchia cấp.
Sihanoukville SEZ là đặc khu kinh tế lớn nhất của Camphuchia, nằm tại ven biển phía Tây Nam Campuchia trên Vịnh Thái Lan – khu vực có cảng biển quốc tế duy nhất của nước này và là nơi cận kề đảo Phú Quốc (Việt Nam). Đây là một mắt-xích trọng yếu trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông .
Ngoài ra, tại Phnom Penh SEZ, các nhà đầu tư SEZ được phép thuê đất từ các nhà phát triển SEZ tối đa không quá 50 năm, và bị tính phí khoảng 50 USD/m2 đối với đất công nghiệp, cộng với phí dịch vụ từ nhà quản lý và phát triển đặc khu.
>> Sập ‘bẫy nợ’: Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm
Người lao động không được bảo vệ
Trong khi ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào SEZ là rất hào phóng, điều kiện lao động tại các nhà máy công nghiệp tại đây lại nổi tiếng nghèo nàn, Luật bảo vệ người lao động yếu ớt và ít khi được thực thi.
Sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã biến thành bạo lực và chết chóc, mức lương tối thiểu cho công nhân Campuchia đã tăng từ 61 USD/tháng vào đầu năm 2013 lên 140 USD/tháng trong năm 2016. Mặc dù vậy, chúng vẫn còn thấp so với mức tối thiểu để sống tại thành phố Phnom Penh theo một nghiên cứu là vào khoảng 177 USD/tháng.
Bên cạnh mức lương thấp, một số báo cáo về ngành may mặc còn chỉ ra việc các công ty tại Campuchia sử dụng phổ biến các hợp đồng lao động ngắn hạn để bóc lột công nhân và hạn chế quyền của người lao động như: ép buộc làm thêm giờ; hạn chế số ngày lễ; từ chối quyền nghỉ thai sản; sa thải lao động mang thai; ép định mức, hạn ngạch dẫn đến lượng lớn công nhân bị ngất xỉu…
Các điều khoản tương tự cũng được áp dụng tại các khu vực bên trong vùng đặc khu kinh tế mà thông thường xảy ra nhiều hơn tại các công ty Trung Quốc, hơn là các công ty Nhật Bản – vốn được công nhân và lãnh đạo công đoàn Campuchia đánh giá tốt hơn.
(*) Theo Báo cáo “Đặc khu kinh tế và khai thác giá trị từ vùng sông Mekong”, tháng 7/2017.
Tác giả: Charlie Thame, Viện Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat, Bangkok, Thái Lan.
Chân Hồ biên dịch
(Còn tiếp…)
Xem thêm:
Từ khóa đặc khu kinh tế Phú Quốc Đặc khu kinh tế Campuchia luật đặc khu