Tình trạng xây dựng bỏ hoang cùng làn sóng người mua nhà đình chỉ trả tiền vay thế chấp ở Trung Quốc có thể đã lây lan đến cả Anh quốc. Một dự án bất động sản tại London có quy mô lớn nhất thuộc vốn từ Trung Quốc, từng “lên cơn sốt” thì nay đã để lại kết cục hoang phế.

ABP
(Ảnh chụp màn hình uk-ports.org)

Công ty phát triển bất động sản Trung Quốc Advanced Business Park (ABP) vào Vương quốc Anh năm 2013, tọa lạc tại Bến tàu Hoàng gia Albert (Royal Albert Dock) ở phía Đông London, mở dự án phát triển “Cảng Thương mại châu Á ABP” với tổng vốn đầu tư dự kiến ​​là 1,7 tỷ bảng Anh, tuy nhiên đã không có tiến triển gì sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên vào tháng 4/2019. Việc vi phạm hợp đồng đã khiến nhà chức trách London chấm dứt thỏa thuận và chính thức thu hồi khu đất, chi nhánh London của ABP đã bước vào quá trình thanh lý sổ sách và cho thấy còn nợ ít nhất 4500 triệu bảng Anh.

Thành “sao băng” của nhà đầu tư phương Đông

Vào tháng Hai năm nay, kế hoạch tái thiết Đông London được biết đến là “dự án phát triển do Trung Quốc tài trợ lớn nhất ở Anh” đã đứng trước bờ vực, dư luận Anh chỉ ra dự án đã bị trì hoãn nhiều năm và có thể bị dở dang, thậm chí có vấn đề khủng hoảng tài chính. Dự án này xây dựng tòa tháp văn phòng, cửa hàng và nhà ở trong một khu vực rộng 35 mẫu Anh ở Đông London.

Tháng 5/2013 khi ông Boris Johnson còn là Thị trưởng London đã ký hợp đồng với chủ tịch Xu Weiping của Tập đoàn ABP Trung Quốc, được biết đến là lần đầu tiên một nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vào Vương quốc Anh. Họ tuyên bố sẽ xây dựng khu tài chính lớn thứ ba xung quanh Royal Albert Dock ở Đông London, ước tính tạo ra 30.000 việc làm và đóng góp 6 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Anh.

ABP hầu như không được biết đến cho đến khi họ ký kết dự án phát triển lớn nhất với London vào năm 2013. Hiện nay có nhiều tin đồn về thực trạng tương tự liên quan các chi nhánh của ABP Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thanh Đảo, Hải Ninh, Giang Nam, có thể bị nhà chức trách đóng băng tài sản.

Tờ Caixin của Trung Quốc đưa tin rằng nhà phát triển dự án “Cảng Thương mại châu Á ABP” ở London nước Anh là công ty ABP nhưng tổng thầu lại là CITIC Construction – công ty con của Tập đoàn CITIC Trung Quốc, trong khi CITIC Trung Quốc là “cầu dao tổng” khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, được thành lập vào năm 1979 do lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình khởi xướng và được Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua.

Tờ Guardian của Anh đưa tin vào ngày 5/2 năm nay, rằng kế hoạch “Cảng Thương mại châu Á ABP” là giao dịch bất động sản thương mại lớn nhất trong nhiệm kỳ ông Johnson làm Thị trưởng London. Ông Johnson tự hào và thề rằng kế hoạch này sẽ trở thành “ngọn hải đăng của nhà đầu tư phương Đông”, ABP cũng cao giọng tuyên bố đầu tư 2 tỷ bảng Anh vào kế hoạch này, nhưng đến nay chỉ qua vài năm đã trở thành “sao băng của nhà đầu tư phương Đông”.

Nghị sĩ Công đảng Unmesh Desai và Nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do Caroline Pidgeon đã chỉ trích kế hoạch này vốn được coi là viên ngọc trên “vương miện Đông London”, nhưng giờ đây lại là thị trấn ma gây thất vọng não nề, nhà chức trách cần điều tra nguyên nhân xem có liên quan hủ bại gì không.

Các khoản nợ liên quan các công trình bỏ hoang gây tiềm ẩn rủi ro hệ thống tài chính

Hiện tượng các dự án bỏ hoang ở Trung Quốc diễn ra ở quy mô lớn, thực ra từ lâu đã không còn là vấn đề mới, thời gian gần đây do các doanh nghiệp bất động sản bị vỡ nợ cùng tình trạng dự án xây dựng dở dang ngày càng nghiêm trọng, thêm vào là vấn đề giá nhà đất sụt giảm gây bất ổn niềm tin từ các bên liên quan, khiến hàng loạt dự án phải ngừng. Trong khi khách hàng thanh toán thế chấp của những căn nhà hoang phế đó không thể tiếp tục lại vay ngân hàng, họ thà mất  tín dụng ngân hàng thậm chí vi phạm pháp luật còn hơn là gia hạn thanh toán thế chấp cho tòa nhà đang xây dở dang. Vậy là chỉ trong một tháng, làn sóng “đình chỉ mua nhà” đã nhanh chóng mở rộng đến hàng trăm dự án ở hàng chục thành phố. 

Làn sóng “đình chỉ mua nhà” này ở Trung Quốc đã sớm có dấu hiệu cảnh báo khi từ năm ngoái đã xảy ra nhiều sự cố đình chỉ. Ngày 2/4/2021, Reuters đưa tin rằng các chủ nhà mua nhà trước khi xây của dự án “China Fortune Land Development” ở thành phố Trác Châu tỉnh Hà Bắc Trung Quốc, đã từ chối thanh toán khoản tiền mua thế chấp vì chủ dự án không tuân thủ cam kết xây dựng tuyến đường tàu điện ngầm khứ hồi tới Bắc Kinh. Sau này chủ đầu tư  “China Fortune Land Development” còn vỡ nợ với khoản nợ lên tới 5,7 tỷ USD khiến những người chủ mua nhà bị nạn ‘không còn nước mắt để khóc’.

Cuối tháng Sáu năm nay, ở Giang Tây nổ ra hàng loạt vụ người mua nhà đình chỉ trả tiền vay thế chấp đối với những bất động sản dở dang, chỉ trong hơn một tháng đã có hàng loạt nạn nhân từ khắp Trung Quốc lên tiếng phản ứng.

Vào ngày 11/7, trang Kinh tế và Tài chính của Sina Trung Quốc có bài “Chiến thuật cuối cùng để chống lại các tòa nhà dở dang”, tiết lộ việc đình chỉ trả tiền vay thế chấp mua nhà vào ngày 30/6 ở Cảnh Đức tỉnh Giang Tây. Theo đó có tới 900 chủ nhà vay thế chấp mua nhà phải mắc kẹt trước tình trạng tòa nhà xây dựng dở của Evergrande Development đã dừng 14 tháng. Trong vòng vài ngày sau đó, tình trạng tương tự xảy ra đối với các tòa nhà chưa hoàn thành ở nhiều thành phố khác như Vũ Hán, Tây An, Thâm Quyến, Trịnh Châu…

Theo Bloomberg vào ngày 13/7, nhà phân tích Griffin Chan của Citigroup đã đưa ra báo cáo rằng tính đến ngày 12/7, Trung Quốc đã có ít nhất 35 dự án xây dựng tại 22 thành phố thuộc 8 tỉnh trong tình trạng người mua nhà buộc phải ngừng trả tiền vay mua thế chấp.

Cùng ngày, Thời báo Chứng khoán thuộc Nhân dân Nhật báo Trung Quốc có bài bình luận “Cảnh giác với rủi ro đình chỉ trả tiền vay thế chấp tài sản dở dang”, theo đó chỉ ra rằng nếu tình trạng như vậy tiếp tục lây lan khắp nơi thì tất cả các bên liên quan đều bị thiệt hại và kéo theo nguy hiểm cho cả hệ thống tài chính Trung Quốc. Việc truyền thông chính thống Trung Quốc còn lên tiếng cảnh báo như vậy, cho thấy không nên đánh giá thấp làn sóng này.

Vào ngày 14/7, Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc tuyên bố phải chú ý “vấn đề giao nhà chậm trễ của các nhà phát triển bất động sản cá nhân”, chỉ ra mấu chốt nằm ở “đảm bảo việc bàn giao tòa nhà”, nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng sẽ phối hợp và hướng dẫn các tổ chức tài chính kiểm soát rủi ro, ngăn chặn hoạt động kinh doanh dở dang và đảm bảo bàn giao các tòa nhà. Tuy nhiên dư luận phổ biến cho rằng ý nghĩa của tuyên bố nhằm trấn an hơn là giúp ích thực chất, những tồn tại lâu dài này không dễ có thể giải quyết.

Ngày 16/7 Đài VOA Mỹ đưa tin, chỉ vài ngày trước đó đã có hơn 200 dự án xây dựng đã bị người mua đình chỉ trả tiền vay thế chấp tại 52 thành phố của ít nhất 21 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc, liên quan đến hàng triệu người mua nhà. Tính đến ngày 18/7 đã có 315 công trình tại hơn 25 tỉnh thành và khu vực mà người mua đã tham gia hành động “ngừng mua nhà”. Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) ước tính số tiền liên quan đến làn sóng này của Trung Quốc lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ.

Từ việc người mua nhà Trung Quốc đình chỉ trả tiền vay thế chấp đối với dự án “bỏ hoang” gần đây, cho đến dự án bỏ hoang khổng lồ từ nguồn vốn Trung Quốc ở phía Đông London nước Anh cho thấy mớ hỗn độn của nhà cầm quyền Trung Quốc tác động vào hệ thống tài chính, điều này chưa kể đến vô số dự án bỏ hoang của Trung Quốc trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã tác động đến nền kinh tế của các nước tham gia, tình trạng dở dang này đã dẫn đến các khoản nợ khó đòi và làn sóng tạm ngừng trả tiền vay thế chấp có khả năng lan nhanh ra nhiều nước liên quan khác.

Dịch Quân
(Bài viết thể hiện góc nhìn của cá nhân tác giả, đăng trên UP Media Đài Loan, Vision Times được cho phép đăng lại.)