Giá dầu thô tại Mỹ giảm kỷ lục hơn 300%, xuống mức -37 USD
- Xuân Thành
- •
Giá dầu thô tại Mỹ đã giảm tới mức âm vào ngày 20/4. Đây là mức giá kỷ lục chưa từng có tiền lệ. Do thiếu kho chứa dầu và nhu cầu thị thường thấp, nên các nhà sản xuất và thương nhân bị ép vào tình thế trớ trêu là họ trả tiền cho bất cứ ai sẵn sàng chuyển dầu đi.
West Texas International (WTI), chỉ số giá dầu hàng đầu tại Mỹ vào ngày 20/4 đã có thời điểm rớt xuống -40 USD/thùng, sau đó tăng nhẹ lên mức hơn -37 USD/thùng.
Giá dầu xuống mức âm là do các thương nhân nhận ra rằng họ sẽ bị thiếu không gian chứa dầu nghiêm trọng cho lượng dầu được bơm lên trong vài tuần tới nếu không giải phóng được số lượng dầu vào thời điểm này. Thị trường dầu thô tại Mỹ đã nhanh chóng đạt đến điểm mà kho chứa trở nên có giá trị hơn cả dầu.
Kho chứa dầu trong vài tuần qua đã rơi vào tình trạng khan hiếm khi nhu cầu dầu giảm đột biến vì ảnh hưởng từ chính sách giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu sự lây lan của đại dịch virus corona toàn cầu.
Những hợp đồng mua dầu sản xuất trong tháng Năm cần phải được hoàn tất trước ngày 21/4 tại Sàn Giao dịch Chicago (CME). Các thương nhân mua dầu đã hoàn thành các hợp động như vậy, nhưng thực tế họ không chuyển dầu đi. Thay vào đó, thương nhân có kế hoạch chờ bán lại hợp đồng sau đó, với hy vọng giá dầu sẽ ở mức cao hơn. Khi đến hạn cuối phải chuyển dầu đi, thì số người mua dầu thực sự muốn lấy dầu gần như không có. Các thương nhân có ý định đầu cơ giá đã bị mắc kẹt vào các hợp đồng như vậy và họ buộc phải điên cuồng phá giá dầu, miễn là giải phóng được số lượng dầu họ đã mua.
Nhà phân tích cao cấp của The PRICE Futures Group, ông Phil Flynn nói với Reuters qua email: “Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng đối với dầu không điều gì là không thể. Những ai đã nói rằng WTI sẽ không bao giờ giao dịch ở mức giá âm đã bị chứng minh là sai trong đợt đại dịch virus corona lần này”.
“Đây là khoảng thời gian điên rồ, nhiều dầu cần chuyển đi hơn là những người muốn mua nó”, ông Phil Flynn nói thêm.
Các chuyên gia tài chính cho rằng hiện tượng giá dầu âm tại Mỹ cho đến nay có thể chỉ là tạm thời. Những hợp đồng mua dầu sản xuất vào tháng Sáu vẫn khả quan mặc dù giá dầu gần đây đã giảm 16% xuống mức khoảng 20 USD/thùng.
Ngành dầu mỏ gặp nạn
Giá dầu rớt xuống đáy đặt ra nguy cơ một phần lớn ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ sẽ bị tàn phá nặng nề. Giá dầu WTI đã xuống mức 20 USD/thùng trong gần một tuần nay, trong khi nhà sản xuất dầu cần trung bình trên 30 USD/thùng để đảm bảo ít nhất bù đắp được chi phí khai thác ở các giếng dầu hiện có.
Một số nhà sản xuất có thể bơm dầu ở mức thấp tới 2USD-5USD/thùng. Nhưng phần lớn các nhà sản xuất dầu tại Mỹ cần nhiều hơn mức đó. Nhiều nhà sản xuất thậm chí không thể kiếm lợi nhuận với giá dầu ở mức dưới 40 USD/thùng, theo khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Dallas.
Ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch
Virus corona Vũ Hán bùng phát tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc từ khoảng tháng 11/2019, sau đó lây lan ra khắp Trung Quốc và toàn cầu.
Cho đến ngày 20/4, toàn thế giới đã có hơn 2,4 triệu người nhiễm virus corona Vũ Hán và gần 170.000 người thiệt mạng vì loại virus chết người này. Số liệu này được cho là chưa phản ánh đúng tình hình khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trầm trọng hiện nay do một số nước báo cáo số liệu chậm, một số nước không đủ khả năng xét nghiệm virus và một số nước thậm chí che giấu số liệu.
Đại dịch virus corona đã thúc đẩy chính phủ các nước phải áp đặt các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu lao động phải nghỉ việc. Khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái, thì nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm mạnh, từ đó buộc các nhà sản xuất dầu phải vật lộn tìm cách đàm phán cùng nhau giảm chi phí và sản xuất.
“Vì các nhà sản xuất đã chậm trễ cắt giảm sản lượng, nên chúng ta đang thấy lượng cung dầu đang thừa quá nhiều”, ông Andy Lipow của Hiệp hội dầu Lipow nói với Reuters.
Các nhà phân tích thị trường trích dẫn một báo cáo ngày 20/4 từ Genscape cho biết, dự trữ dầu thô tại trung tâm giao dịch dầu ở Cushing, Oklahoma, tăng 9% trong tuần tính đến 17/4, tổng cộng khoảng 61 triệu thùng.
“Cushing rõ ràng sẽ đầy dầu và trung tâm dự trữ này sẽ hết khả năng chứa thêm dầu trong vài tháng tới”, ông Lipow nói.
Chiến tranh giá dầu
Cạnh tranh về giá dầu trên thế giới gần đây đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến giá giữa Nga và Ả Rập Saudi. Cuộc chiến về giá giữa hai cường quốc dầu mỏ này bắt đầu sau khi Nga rời khỏi các cuộc đàm phán về việc cắt giảm sản lượng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào đầu tháng Ba. Cả hai nước sau đó leo thang sản xuất, khiến cho lượng dầu thô tràn ngập thị trường khi nhu cầu tiêu thụ đã giảm xuống đáng kể do đại dịch virus corona.
Sau đó, Mỹ phải đứng gia dàn xếp căng thẳng giữa Nga và Ả Rập Saudi và hai nước này cùng với một số quốc gia sản xuất dầu mỏ khác đã đồng ý cắt giảm sản lượng sản xuất xuống 9,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các nước chỉ thực hiện hiện cắt giảm sản xuất từ tháng Năm. Trong thời điểm này, Ả Rập Saudi đang tăng cường giao hàng dầu, trong đó có các chuyến tàu lớn tới Mỹ.
Trước đại dịch, tiêu thụ dầu thô toàn thế giới ở vào khoảng 100 triệu thùng/ngày và nguồn cung cơ bản phù hợp với mức đó. Tuy nhiên, khi đại dịch càn quét thế giới, mức tiêu thụ dầu toàn cầu giảm khoảng 30% và việc cắt giảm sản lượng lại quá thấp so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ.
Mỹ tăng cường mua dầu dự trữ
Tổng thống Donald Trump vì muốn chống đỡ cho ngành sản xuất dầu thô, nên ông đã ra lệnh tăng mua dầu cho kho Dự trữ Xăng dầu Chiến lược (SPR). Kho này có thể chứa được khoảng 700 triệu thùng, nhưng trong tháng một mới đang trữ khoảng 635 triệu thùng.
Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế ứng phó virus corona mà Quốc hội Mỹ thông qua tháng trước đã loại khoản 3 tỷ USD dành cho việc mua dầu dự trữ. Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ chỉ trích đó là gói cứu trợ dầu mỏ quá lớn.
Ngày 14/4, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố các hợp đồng với 9 công ty dầu mỏ để trữ dầu của họ vào kho SPR. Khoảng 23 triệu thùng dầu sẽ được chuyển tới kho SPR vào tháng Năm và tháng Sáu, một số trong đó có thể chuyển sớm ngay trong tháng Tư.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa suy thoái kinh tế virus corona COVID-19 giá dầu